(Thanhhoa.dcs.vn): Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, ngành Y tế đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân. Các cơ sở y tế đã triển khai, đưa vào áp dụng 1.157 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị bệnh; thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới, phức tạp, nổi bật là Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã trở thành bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước duy trì và thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận trên cả người cho sống và người cho chết não. Công tác chuyển giao kỹ thuật điều trị chuyên sâu cho tuyến dưới tiếp tục được triển khai hiệu quả; trong đó có 04 bệnh viện tuyến tỉnh đã chuyển giao 17 kỹ thuật mới cho các bệnh viện đa khoa của 12 huyện; 13 bệnh viện tuyến tỉnh đã kết nối khám chữa bệnh từ xa với tuyến trên và hỗ trợ tuyến dưới 18 phòng tư vấn, khám chữa bệnh từ xa trực tiếp với bệnh nhân.
Các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế được đẩy mạnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai thành công ứng dụng Bệnh án điện tử; 100% các bệnh viện đã triển khai Hệ thống thông tin quản lý bệnh viện kết nối với Cơ quan Bảo hiểm xã hội; triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; thực hiện kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử và liên thông đơn thuốc theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe người lái xe, giấy chứng sinh, giấy chứng tử phục vụ việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06.
Theo kết quả đánh giá của Sở Y tế, chất lượng bệnh viện trong tỉnh tăng đều qua các năm, với điểm trung bình năm 2021 đạt 3,15/5 điểm, năm 2022 đạt 3,27/5 điểm; trong đó, phần Tiêu chí Hoạt động chuyên môn, Hoạt động cải tiến chất lượng và Hướng đến người bệnh tăng đáng kể. Đến nay, đã có 36/38 bệnh viện công lập thành lập phòng/tổ công tác xã hội với 242 cán bộ đón tiếp, hỗ trợ, hướng dẫn, chăm sóc người bệnh khi đến khám chữa bệnh cũng như hướng dẫn, hỗ trợ sau khi ra viện.