(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung kiểm tra, rà soát và đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, đô thị; Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 271/KH-UBND ngày 31/10/2023 về nâng cấp, xây dựng công trình nhà vệ sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học tỉnh Thanh Hóa.

Mục đích nhằm tổ chức thực hiện Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 10/3/2023 nêu trên của Thủ tướng Chính phủ; cụ thể hóa một số nhiệm vụ, mục tiêu của Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021) đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng công tác vệ sinh trường học. Xây dựng, nâng cấp nhà vệ sinh, hệ thống cấp, thoát nước, thu gom rác thải tại các trường học phù hợp với quy chuẩn quốc gia về vệ sinh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu hoạt động cấp, thoát nước, nâng cấp, xây dựng nhà vệ sinh, thu gom rác thải tại các trường học thực hiện theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình đảm bảo hiệu quả, bền vững. Chủ động lồng ghép các nội dung vệ sinh trường học vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án có liên quan. Các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực tham gia triển khai thực hiện Kế hoạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, quan tâm dành nguồn lực đầu tư, hỗ trợ công tác vệ sinh môi trường trường học.

Kế hoạch đề ra mục tiêu chung là: Đảm bảo cán bộ, giáo viên, người lao động, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo được tiếp cận sử dụng nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý đảm bảo vệ sinh trường học, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, phục vụ tốt các hoạt động giáo dục và đào tạo, đảm bảo công bằng giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Các mục tiêu cụ thể, gồm: (1) Đến năm 2030: Phấn đấu 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo có hệ thống cấp nước sạch, nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Phấn đấu 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo có hệ thống thu gom rác thải nội bộ hợp vệ sinh; (2) Đến năm 2045: Phấn đấu 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo được sử dụng nước sạch và thu gom, xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

Các giải pháp thực hiện, gồm:

(1) Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, công tác thông tin, tuyên truyền: Triển khai, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách liên quan đến nước sạch và vệ sinh trường học, nhất là huy động nguồn lực từ ngân sách và ngoài ngân sách; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh trường học, từng bước đảm bảo vệ sinh môi trường. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý vận hành công trình vệ sinh trường học. Triển khai, nhân rộng phong trào cộng đồng không phóng uế bừa bãi trong trường học, hướng tới thay đổi nhận thức, hành vi vệ sinh, góp phần đạt được mục tiêu “Một Việt Nam không còn phóng uế bừa bãi” vào năm 2025. Thực hiện hoạt động giáo dục, truyền thông để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế, chính sách về nước sạch và vệ sinh trường học; thay đổi hành vi, thói quen vệ sinh; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước; đảm bảo vệ sinh trường học, vệ sinh cá nhân; hướng dẫn cán bộ, giáo viên, học sinh chủ động tích, trữ nước để sử dụng trong mùa khô, thời gian hạn hán, ngập lụt. Đa dạng loại hình truyền thông, kết hợp giữa phương thức truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng 3 đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thành chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức trong việc đảm bảo vệ sinh, môi trường trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng giám sát, đánh giá hoạt động cấp nước và vệ sinh cho lực lượng kiêm nhiệm quản lý và vận hành công trình vệ sinh trường học.

(2) Về vệ sinh trường học: Nâng cấp các nhà vệ sinh hiện có để đạt chuẩn, đầu tư xây mới nhà vệ sinh còn thiếu cho các cơ sở giáo dục và đào tạo theo quy định. Ứng dụng các giải pháp công nghệ xây dựng nhà vệ sinh đơn giản, phù hợp tập quán địa phương và khả năng chi trả của các đơn vị; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, quản lý sử dụng công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; tiếp cận đồng bộ dịch vụ vệ sinh an toàn gắn với truyền thông thay đổi hành vi. Sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch đã có bảo đảm hoạt động hiệu quả, gắn với giám sát quản lý, vận hành công trình. Đầu tư xây dựng bể trữ nước mưa và các hình thức xử lý, trữ nước khác phù hợp đặc thù vùng, miền để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt. Tăng cường theo dõi, đánh giá chất lượng vệ sinh môi trường trường học; xác định khu vực ô nhiễm, khoanh vùng, xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường và thực hiện biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường trường học. Chất thải sinh hoạt trong cơ sở giáo dục và đào tạo phải được thu gom, xử lý theo quy định; chú trọng hướng dẫn công tác thu gom, phân loại. Chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch và đầu tư hệ thống thoát nước phù hợp đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, vận hành và bảo vệ công trình cấp nước, công trình thu gom chất thải sinh hoạt tại cơ sở giáo dục và đào tạo.

(3) Tập trung huy động nguồn lực đầu tư: Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, nhất là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững) và các chương trình, dự án khác có mục tiêu về vệ sinh nông thôn. Thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế xã hội; huy động sự tham gia, đóng góp của người dân trong đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành công trình vệ sinh môi trường tại các trường học. Tăng cường công tác phối hợp, huy động sức mạnh, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị; các ban ngành có liên quan, đặc biệt là vai trò của các Ban Dân tộc, các tổ chức Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hỗ trợ thực hiện công tác vệ sinh, môi trường trong các cơ sở giáo dục và đào tạo

(5) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát: Tăng cường giám sát chất lượng nước, chất lượng môi trường đảm bảo quy chuẩn; thường xuyên cập nhật và thực hiện Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá về vệ sinh môi trường đảm bảo tin cậy, hiệu quả. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước, xả chất thải, nước thải không đúng quy định; huy động sự tham gia, giám sát của cộng đồng và người dân trong vệ sinh trường học, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường trường học.

Danh mục các nhiệm vụ, dự án thực hiện Kế hoạch, gồm: (1) Nâng cấp, sửa chữa nhà vệ sinh đảm bảo quy chuẩn; (2) Xây dựng nhà vệ sinh hợp chuẩn cho các đơn vị còn thiếu; (3) Nâng cấp công trình cấp, thoát nước, xử lý nước thải phòng chống ngập lụt.

Dự kiến nhu cầu kinh phí đầu tư, nâng cấp các công trình vệ sinh trường học là: 831.919,1 triệu đồng; trong đó: Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp 13.470,2 triệu đồng; cấp mầm non 270.979,4 triệu đồng; cấp tiểu học 248.656,5 triệu đồng; cấp THCS 223.459,8 triệu đồng; cấp THPT 61.910,0 triệu đồng; trung tâm GDNN, GDTX 13.443,2 triệu đồng.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)