(Thanhhoa.dcs.vn): Thời gian gần đây, trên toàn quốc xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động liên quan đến vi phạm các quy định pháp luật trong quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; an toàn làm việc trong không gian hạn chế; người sử dụng lao động, người lao động vi phạm các quy định trong cấp phát, sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (như: cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân không phù hợp, không đảm bảo chất lượng, người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp phát). Nguyên nhân của những vụ tai nạn lao động chủ yếu do các đơn vị, doanh nghiệp không xây dựng biện pháp, phương án làm việc trong không gian hạn chế theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế (QCVN 34:2018/BLĐTBXH); trang cấp sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân không phù hợp hoặc không đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động còn nhiều vi phạm...

Ngày 31/10/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa ban hành Văn bản số 5333/SLĐTBXH-LĐVL về tăng cường quản lý, tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các phòng, ban chức năng và Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; đặc biệt là các cơ sở sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, các cơ sở có người lao động làm việc trong không gian hạn chế. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp chỉ đạo các phòng ban chức năng tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các nhà thầu xây dựng trong phạm vi quản lý theo quy định.

Yêu cầu các chủ sử dụng lao động phải kiểm định kỹ thuật an toàn đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân hợp quy, đúng chủng loại cho người lao động theo quy định, đặc biệt là người lao động làm việc trong không gian hạn chế. Hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn quản lý; tăng cường kiểm tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp có môi trường làm việc trong không gian hạn chế; yêu cầu chủ sử dụng lao động phải xây dựng biện pháp, phương án làm việc theo QCVN 34:2018/BLĐTBXH; kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong trang cấp, sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.

2. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh: Thực hiện nghiêm túc pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương và các văn bản hướng dẫn về ATVSLĐ. Căn cứ vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh, mức độ nguy hiểm trong sản xuất, số lượng lao động trong doanh nghiệp để tổ chức bộ phận ATVSLĐ theo quy định. Phối hợp với Công đoàn cơ sở lựa chọn những người lao động trực tiếp, am hiểu chuyên môn và kỹ thuật ATVSLĐ để ra quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên theo quy định. Xây dựng nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị tại nơi làm việc theo quy định. Hàng năm phải lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động đủ 5 nội dung: Biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng chống cháy, nổ; Biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng, chống yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động; Trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; Chăm sóc sức khỏe người lao động; Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Tổ chức thực hiện kế hoạch ATVSLĐ, rà soát, xây dựng, bổ sung nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn.

Thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ; kiểm định kỹ thuật an toàn đối với các máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; khai báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong khoảng thời gian 30 ngày sau khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho 06 nhóm đối tượng theo quy định. Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; thực hiện đầy đủ các chế độ về bảo hộ lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động đầy đủ; thực hiện đúng quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; thực hiện phân loại lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người lao động; thực hiện việc khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ.

Tại công trường thi công, nhà xưởng sản xuất: Phải được sắp xếp bố trí gọn gàng, để người lao động dễ thao tác, không bị vấp ngã gây tai nạn. Các bình chứa gas, oxy không được để cạnh nhau phải có khoảng cách an toàn, để nơi râm mát, tránh để ngoài trời nắng và phải có giá đỡ, gông chắc chắn chống đổ vỡ. Đường dây điện tại nhà xưởng không được treo, mắc trực tiếp lên xà, cột bằng sắt, thép của xưởng, dây điện phải được đi trong ống gen, sắp xếp gọn gàng; ở công trường thi công dây điện phải được treo cao tránh va quyệt và không được neo, kéo trực tiếp vào dàn giáo bằng sắt...

(Nguyễn Ngọc Hưng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)