(Thanhhoa.dcs.vn): Thời gian qua, các sở, ngành chức năng và UBND các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, theo Quyết định số 4845/QĐ-UBND ngày 01/12/2021 của UBND tỉnh, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân. Theo Đề án được duyệt, giai đoạn 2021 - 2025 cần thực hiện bố trí tái định cư (TĐC) cho 2.846 hộ, tổng kinh phí thực hiện khoảng 549,775 tỷ đồng, trong đó: bố trí TĐC xen ghép cho 1.122 hộ; TĐC tập trung, TĐC liền kề cho 1.724 hộ/51 khu (34 khu TĐC liền kề cho 846 hộ dân, 17 khu TĐC tập trung cho 878 hộ dân). Đến nay, đã thực hiện di chuyển, bố trí ổn định cho 243 hộ, tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ di chuyển là 9,99 tỷ đồng; đã thực hiện đầu tư và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cho 21 khu TĐC (10 khu TĐC tập trung, 11 khu TĐC liền kề) với tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 175,65 tỷ đồng; còn 30 dự án khu TĐC chưa phê duyệt chủ trương đầu tư . Cụ thể như sau:
Về bố trí tái định cư xen ghép cho các hộ dân: Đã tuyên truyền, vận động được 92 hộ dân di chuyển theo hình thức TĐC xen ghép trên địa bàn 07 huyện với tổng kinh phí hỗ trợ trên 3,9 tỷ đồng, bằng 8,2% kế hoạch, cụ thể: Huyện Quan Sơn 37 hộ/05 xã, thị trấn; huyện Quan Hóa 38 hộ/07 xã, thị trấn; huyện Bá Thước 04 hộ/03 xã; huyện Thường Xuân 03 hộ/01 xã; huyện Thạch Thành 04 hộ/01 xã; huyện Lang Chánh 04 hộ/01 xã; huyện Như Thanh 02 hộ/01 xã.
Về thực hiện 21 dự án xây dựng khu TĐC đã phê duyệt chủ trương đầu tư: Có 04 khu TĐC tập trung đã được đầu tư theo hình thức khẩn cấp năm 2021, 2022 để sắp xếp ổn định cho 151 hộ dân với tổng kinh phí thực hiện 51,39 tỷ đồng (trong đó: hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân 6,09 tỷ đồng; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng 45,3 tỷ đồng), gồm: Khu TĐC bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát 42 hộ; khu TĐC Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn 36 hộ; khu TĐC bản Lở, xã Nam Động huyện Quan Hóa 34 hộ và khu TĐC bản Tang, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa 39 hộ. Đến nay, các khu TĐC đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các hộ dân đã di chuyển đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.
Có 17 dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư (06 khu TĐC tập trung, 11 khu TĐC liền kề) để sắp xếp ổn định cho 556 hộ dân với tổng kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng 130,35 tỷ đồng, gồm: Huyện Mường Lát 07 dự án, huyện Quan Sơn 02 dự án, huyện Quan Hóa 01 dự án, huyện Bá Thước 03 dự án, huyện Lang Chánh 01 dự án, huyện Thạch Thành 01 dự án, huyện Thường Xuân 02 dự án. Hiện nay, UBND các huyện đang triển khai thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư theo quy định (lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, tổ chức lựa chọn nhà thầu...).
Về 30 dự án xây dựng khu TĐC chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư:
Có 18 dự án chưa trình quyết định chủ trương đầu tư (06 khu TĐC tập trung, 12 khu TĐC liền kề) để sắp xếp ổn định cho 707 hộ dân, gồm: Huyện Mường Lát có 04 dự án, huyện Quan Sơn 08 dự án, huyện Quan Hóa 02 dự án, huyện Bá Thước 01 dự án, huyện Thường Xuân 02 dự án, huyện Như Thanh 01 dự án.
Có 12 dự án của 04 huyện không đề xuất trình quyết định chủ trương đầu tư do địa phương không có nhu cầu đầu tư (hoặc đã được xử lý sạt lở) và được thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn, chương trình khác, gồm: (1) Huyện Mường Lát: Khu TĐC bản Chai, xã Mường Chanh; Khu TĐC bản Ún, xã Mường Lý; khu TĐC bản Pọng, bản Hạm, bản Cúm, xã Quang Chiểu; (2) huyện Quan Hóa: Khu TĐC khu phố Mướp, thị trấn Hồi Xuân; Khu TĐC bản Sậy, xã Trung Thành; (3) huyện Bá Thước: Khu TĐC thôn Khiêng, xã Hạ Trung; (4) huyện Như Xuân: Khu TĐC thôn Làng Gió, xã Bình Lương; khu TĐC thôn Mai Thắng, thôn Đức Bình, thôn Thanh Bình, xã Tân Bình.
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án còn có một số hạn chế như: Tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã quyết định chủ trương đầu tư của các huyện còn chậm, vẫn đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư; việc rà soát, tổng hợp, phê duyệt danh sách các hộ dân đã di chuyển để thực hiện hỗ trợ kinh phí theo quy định còn chậm; việc huy động các nguồn lực cùng tham gia thực hiện chương trình sắp xếp, ổn định dân cư ở một số địa phương hiệu quả chưa cao, chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Cùng với đó, quá trình triển khai dự án tái định cư tại các huyện miền núi phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, như: việc lập báo cáo thiết kế kỹ thuật các dự án gặp khó khăn do mức hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thấp hơn chi phí đầu tư xây dựng thực tế, một số dự án sau khi lập báo cáo thiết kế kỹ thuật có tổng mức đầu tư lớn hơn nhiều so với định mức, dẫn đến phải tính toán, điều chỉnh nhiều lần. Theo chủ trương đầu tư được phê duyệt, quy mô đầu tư khu TĐC liền kề bao gồm san lấp mặt bằng và đấu nối đường giao thông, hệ thống điện, nước với khu dân cư sở tại; tuy nhiên, hiện trạng hạ tầng một số vị trí thực hiện dự án chưa có đường giao thông nội bộ, hệ thống điện lưới, nước sạch, vì vậy gặp khó khăn trong việc vận động người dân đến nơi ở mới do chưa đảm bảo các hạ tầng, dịch vụ thiết yếu. Việc thực hiện các dự án phải đền bù giải phóng mặt bằng, kinh phí thực hiện hiện nay đang giao cho các địa phương đảm nhận, trong khi các huyện miền núi là huyện nghèo, nguồn ngân sách rất hạn chế, nên gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí thực hiện. Khả năng bố trí quỹ đất ở để thực hiện Đề án ở các huyện miền núi rất khó khăn, đặc biệt là bố trí quỹ đất để thực hiện tái định cư xen ghép...