Sáng 7/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Toàn cảnh Hội thảo.

Các đại biểu dự hội thảo.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và các đại biểu dự hội thảo.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh và các đại biểu dự hội thảo.

Dự hội thảo có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy phát biểu đề dẫn hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy nêu rõ: Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đứng đầu Đảng ta và là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2023, là một tác phẩm lớn, bao gồm các bài viết, bài nói, phát biểu chỉ đạo, tổng kết thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Tác phẩm được công bố đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nên càng thêm giá trị và sức sống.

Cuốn sách có 612 trang, gần 100 hình ảnh minh họa, được trình bày theo phong cách báo chí hiện đại, chuẩn bị một cách công phu, nghiêm túc và kỹ lưỡng, với bố cục 3 phần, gồm: Phần 1: Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam (Tổng hợp bài viết đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam giai đoạn 2013 - 2023; phát biểu kết luận tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng và kết luận tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng).

Phần 2: Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc (Tập hợp bài viết tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên - là căn nguyên, là cái gốc, là cái cơ bản sinh ra tham nhũng, tiêu cực cần phải phòng ngừa).

Phần 3: Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt (Gồm những ý kiến, đánh giá thể hiện sự tin tưởng của các tầng lớp Nhân dân và sự ghi nhận, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng hiện nay).

Cuốn sách là tài liệu có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, là "cẩm nang” đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Cuốn sách là tập hợp, hệ thống lại những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, bài viết có giá trị lý luận và thực tiễn của Tổng Bí thư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, được đúc rút từ thực tiễn phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư. Qua đó, giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên nắm vững và triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên, cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đây được xem là một trong những điều kiện quan trọng, tiên quyết để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ sự lành mạnh trong các quan hệ xã hội; ngăn chặn mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhằm xây dựng hệ thống chính trị hiệu lực, công bằng và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và thực hiện các chức năng xã hội tốt hơn.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Hội nghị Trung trong 5 khóa XI đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư làm trưởng ban, để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu, thực sự “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được phát hiện, điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh, đã tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, đồng tình ủng hộ.

Tại tỉnh Thanh Hóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, quy định của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, Thanh Hóa là một trong những tỉnh, thành phố của cả nước sớm thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo tỉnh đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ; ban hành các quy chế, quy định; đưa 16 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm có nhiều khó khăn, vướng mắc vào diện theo dõi, chỉ đạo. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đề cao tính tiền phong, gương mẫu, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên; tập trung khắc phục tư tưởng sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm việc cầm chừng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các cơ quan chức năng đã đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Qua làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh đối với cấp ủy, chính quyền, là nền tảng quan trọng để tỉnh ta đạt được những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như những năm vừa qua.

Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh đánh giá cao việc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy và Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức hội thảo để cán bộ, đảng viên cùng nhau trao đổi, làm sáng tỏ những giá trị lý luận và thực tiễn tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư; tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Để hội thảo đạt kết quả tốt, góp phần lan tỏa tinh thần của tác phẩm đến các cơ quan, địa phương, đơn vị, đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị các đại biểu cần thảo luận nội dung cốt lõi, làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn của tác phẩm nhằm khẳng định công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng hiện nay là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược", góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Tập trung phân tích về tư tưởng, quan điểm chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta và giá trị của tác phẩm đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, cụ thể hóa nhất quán phương châm “Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc" trong công tác tổ chức và cán bộ, công tác tuyên giáo, công tác dân vận, công tác nội chính, công tác kiểm tra, giám sát và công tác xây dựng Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Nghiên cứu phân tích làm rõ giá trị của tác phẩm đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; phát huy tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; công tác đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và với công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Các tham luận tại hội thảo cần đánh giá, làm rõ thực trạng, những khó khăn, bất cập, những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Từ đó đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp khả thi để tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cao nhất công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

PGS, TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tham luận.

Tham luận trình bày tại hội thảo của các chuyên gia, nhà khoa học được trình bày, tập trung nêu bật giá trị và nội dung cốt lõi tác phẩm của Tổng Bí thư đối với việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên hiện nay; giá trị tác phẩm đối với công tác kiểm tra, giám sát, công tác nội chính, công tác tuyên giáo và đối với công tác xây dựng Đảng và chính quyền từ cơ sở.

Các tham luận đã làm rõ, phân tích sâu sắc thêm những nội dung và giá trị cốt lõi của tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là những nhận thức mới, bài học kinh nghiệm, giải pháp mới. Đồng thời khẳng định những thành tựu và ý nghĩa to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Nhiều tư tưởng, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc hành động do đồng chí Tổng Bí thư khởi xướng đã đúc kết, rút ra được nhiều bài học quý, trong đó có nhiều nội dung đã được cụ thể hóa. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành, địa phương cũng đề ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể, vận dụng sáng tạo, hiệu quả nội dung tác phẩm vào thực tiễn tình hình hiện nay.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu tham luận tại hội thảo.

Đồng chí Bùi Anh LinhPhó Trưởng Ban Thường trực, Ban Nội chính Tỉnh ủy phát biểu tham luận tại hội thảo.

Các tham luận trình bày tại hội thảo cũng đã tập trung luận giải và liên hệ thực tiễn đối với công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh Thanh Hóa với các chủ đề như: Từ quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” đến thực tiễn quan điểm chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của đảng bộ tỉnh Thanh Hóa; Giá trị của cuốn sách Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa...

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đào Xuân Yên phát biểu tổng kết hội thảo.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đào Xuân Yên nêu rõ: Để tiếp tục lan tỏa giá trị lý luận và thực tiễn tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư trên địa bàn tỉnh, đề nghị cấp ủy các cấp bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kế hoạch số 133-KH/TU để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đảm bảo mục đích, yêu cầu đề ra. Việc tổ chức đợt sinh hoạt chính trị cần phong phú, đa dạng, sáng tạo, hiệu quả và phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị...

Phát huy tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các tập thể, cá nhân phải thường xuyên “tự soi, tự sửa”, khắc phục triệt để tình trạng “nói không đi đôi với làm”, “nói một đàng, làm một nẻo”, tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động bởi bất cứ tổ chức, cá nhân không trong sáng nào...

(Nguồn:Baothanhhoa.vn)