(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm 2023 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023 (Thông báo số 419/TB-VPCP ngày 16/10/2023 của Văn phòng Chính phủ); ngày 02/11/2023, Sở Công Thương có Văn bản số 3108/SCT-QLTM, đề nghị các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh phối hợp thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Cụ thể như sau:

1. Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, đánh giá, dự báo năng lực cung ứng nguồn hàng lương thực, thực phẩm, nhất là mặt hàng thóc, gạo và các mặt hàng nông sản thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; có phương án đảm bảo nguồn cung ổn định thị trường. Chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Sở tổ chức rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh có khả năng cung cấp lớn về lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Vận động các doanh nghiệp xây dựng và đăng ký phương án dự trữ hàng hóa trong dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đăng ký lượng hàng hóa dự trữ; tổng hợp danh sách và lượng hàng hóa dự trữ của ngành nông nghiệp, gửi về Sở Công Thương trước ngày 20/11/2023 để theo dõi tình hình thị trường và tổng hợp báo cáo theo quy định.

2. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình diễn biến thị trường, giá cả, quản lý an toàn thực phẩm của Nhà nước, thông tin các điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng; kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn cho thị trường; tăng cường tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tuyên truyền, khuyến khích tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh.

3. Sở Giao thông vận tải quản lý theo quy định về giá cước, phí vận chuyển của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa.

4. Đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường các tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, kém chất lượng, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 cấp huyện tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chỉ đạo Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng chủ động theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường những tháng cuối năm 2023 và phối hợp với Sở Công Thương khảo sát tình hình thị trường, giá cả dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhằm phát hiện kịp thời những bất ổn về thị trường hoặc tăng giá bất thường đối với các mặt hàng thiết yếu, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm bình ổn thị trường; tăng cường giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý.

Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện và báo cáo tình hình thị trường, kết quả thực hiện công tác dự trữ hàng hóa và bình ổn thị trường cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vào trước các ngày: 20/11/2023; 31/12/2023, 20/01/2024, 05/02/2024 và báo cáo kết quả trước ngày 20/02/2024; đồng thời, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu hoặc tình hình thị trường có biến động.

6. Đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia các hoạt động bình ổn thị trường; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chú trọng tổ chức các chuyến bán hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; chuẩn bị tốt nguồn hàng, các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho Nhân dân vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các xã đảo, với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý.  Xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hoá, góp phần bảo đảm bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh (ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước). Chủ động nguồn tài chính trong việc dự trữ hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024...

(Nguyễn Ngọc Hưng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)