(Thanhhoa.dcs.vn): Trong những năm qua, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư, phát triển hạ tầng mạng lưới, mở rộng vùng phủ sóng, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, đảm bảo tốt thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp; đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng viễn thông còn nhiều hạn chế như: Các doanh nghiệp viễn thông chủ yếu tập trung đầu tư, mở rộng mạng lưới để phát triển dịch vụ, chưa chú trọng đến việc ngầm hóa, chỉnh trang, làm gọn mạng cáp ngoại vi; các cột treo cáp, các đường dây thuê bao đứt, gãy, không còn sử dụng chưa được thu hồi kịp thời, gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ, mất an toàn khi tham gia giao thông của người dân; doanh nghiệp chưa thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mạng ngoại vi viễn thông; thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các doanh nghiệp viễn thông, điện lực; tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng viễn thông còn thấp; chất lượng dịch vụ viễn thông tại một số khu vực miền núi chưa cao; một số địa phương chưa xử lý kịp thời, dứt điểm tình trạng người dân phản đối việc lắp đặt trạm thu, phát sóng thông tin di động (trạm BTS); việc thuê đất để triển khai lắp đặt trạm BTS gặp nhiều khó khăn, vướng mắc theo các quy định của pháp luật hiện hành; doanh nghiệp thiếu các thông tin về các dự án đầu tư, xây dựng, cải tạo các công trình giao thông, giải phóng mặt bằng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố…
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép để các doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng thông tin di động thế hệ thứ năm (mạng 5G) với đặc điểm sử dụng tần số cao nên số lượng trạm BTS sẽ tăng lên khoảng gấp 2 lần so với số trạm BTS hiện hữu.
Để đáp ứng yêu cầu về vùng phủ sóng, chất lượng dịch vụ và nhanh chóng triển khai mạng 5G, phát triển hạ tầng viễn thông đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 12847/UBND-CNTT ngày 31/8/2023 yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý và tạo điều kiện phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh; theo đó:
(1) Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng băng rộng cố định, băng rộng di động (4G, 5G), đặc biệt tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh.
b) Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 3705/QĐ-UBND ngày 24/9/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh); hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt các nội dung về phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (được phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ).
c) Phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh.
d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
e) Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chỉnh trang, làm gọn mạng cáp ngoại vi viễn thông.
g) Hướng dẫn các cơ quan báo chí, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và chuyển đổi số của tỉnh.
h) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị; tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện.
(2) Sở Xây dựng
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật dùng chung trong quá trình lập dự án, thiết kế, thi công, xây dựng tại tòa nhà có nhiều chủ sử dụng (chung cư, tòa nhà văn phòng, khách sạn), công trình giao thông, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu dân cư, khu đô thị để đảm bảo các doanh nghiệp được bình đẳng trong việc tiếp cận tới khách hàng và cung cấp dịch vụ viễn thông với chất lượng cao.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông trong công tác tổ chức cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng, lắp đặt trạm BTS theo phân cấp.
c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn công trình theo quy định.
(3) Sở Giao thông vận tải
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin truyền thông hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định; cung cấp kịp thời thông tin liên quan về quy hoạch, dự án, nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh để các doanh nghiệp viễn thông biết, thực hiện kế hoạch xây dựng, lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông của doanh nghiệp.
b) Chấp thuận, cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định.
(4) Sở Công Thương chỉ đạo Công ty Điện lực Thanh Hóa:
a) Tăng cường đầu tư hạ tầng điện tại các khu vực, thôn, bản miền núi, biên giới của tỉnh đảm bảo điện cho đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông.
b) Phối hợp với UBND cấp huyện, các doanh nghiệp viễn thông và đơn vị có liên quan có kế hoạch chỉnh trang, ngầm hóa hệ thống điện, hạ tầng viễn thông đảm bảo mỹ quan, chất lượng và an toàn cho người dân, trước mắt ưu tiên tại khu vực trung tâm thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và các khu đô thị.
c) Thỏa thuận phương án sử dụng chung hệ thống cột điện trong phạm vi quyền hạn quản lý trên cơ sở giá thành, hợp tác cùng phát triển vì lợi ích chung để treo cáp viễn thông tại các khu vực đô thị chưa có điều kiện ngầm hóa và khu vực nông thôn, miền núi.
(5) Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp:
a) Tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh do Ban quản lý để các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì cấp phép, kiểm tra trật tự xây dựng đối với các công trình lắp đặt trạm BTS theo phân cấp.
c) Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có Khu kinh tế, Khu công nghiệp do Ban quản lý cung cấp kịp thời thông tin liên quan về sự phù hợp quy hoạch, xây dựng trong quá trình thẩm định, cấp phép xây dựng các công trình hạ tầng viễn thông.
(6) UBND các huyện, thị xã, thành phố
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật dùng chung trong quá trình lập dự án, thiết kế, thi công, xây dựng tại tòa nhà có nhiều chủ sử dụng, công trình giao thông, khu đô thị để đảm bảo các doanh nghiệp được bình đẳng trong việc tiếp cận tới khách hàng và cung cấp dịch vụ viễn thông với chất lượng cao.
b) Cung cấp kịp thời thông tin liên quan về quy hoạch, dự án, kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật xây dựng, giao thông cho các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn biết để triển khai đồng thời việc xây dựng, lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông.
c) Chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp viễn thông, điện lực thực hiện ngầm hóa, chỉnh trang, làm gọn mạng cáp ngoại vi trên địa bàn bảo đảm an toàn, mỹ quan.
d) Chủ trì cấp phép, kiểm tra trật tự xây dựng công trình đối với các công trình lắp đặt trạm BTS theo phân cấp.
e) Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Đài Truyền thanh các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển hạ tầng viễn thông, tuyên truyền sóng điện từ của các trạm BTS không ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của người dân, tạo sự đồng thuận trong việc phát triển bền vững hạ tầng viễn thông trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và chuyển đổi số của địa phương. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra các vụ việc phức tạp, cản trở trái phép việc xây dựng, lắp đặt trạm BTS trên địa bàn.
f) Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn rà soát các khu vực, thôn, bản, cụm dân cư chưa được phủ sóng băng rộng di động, băng rộng cố định hoặc có chất lượng thấp.
g) Hướng dẫn, triển khai, kiểm tra, giám sát việc xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các đồ án quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, vi phạm về quy hoạch; phối hợp giải quyết và xử lý kịp thời các trường hợp cản trở trái pháp luật, phá hoại cơ sở hạ tầng viễn thông.
h) Tham vấn ý kiến của Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh trong quá trình thẩm định cấp phép xây dựng (về sự phù hợp quy hoạch và xây dựng) đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại các khu công nghiệp (nếu có) do Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh quản lý.
(7) Các doanh nghiệp viễn thông:
a) Chấp hành nghiêm việc xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các đồ án quy hoạch trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt.
b) Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh, ưu tiên cung cấp các dịch vụ viễn thông băng rộng cố định, băng rộng di động (4G, 5G) phục vụ người dân, doanh nghiệp.
c) Phối hợp với chính quyền các cấp, chủ đầu tư các công trình, dự án, khu đô thị, khu công nghiệp, đường giao thông… để xây dựng, lắp đặt đồng bộ mạng cáp ngoại vi viễn thông với các hạ tầng kỹ thuật khác.
d) Khi xây dựng, lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông dọc các tuyến đường bộ phải khảo sát, có phương án bảo đảm ổn định công trình, an toàn giao thông, tránh các vị trí, mái taluy nền đường có nguy cơ xảy ra sự cố, sạt lở; tại các công trình đường bộ như cầu cống, ngầm tràn… phải có phương án đảm bảo an toàn, ổn định lâu dài cho công trình viễn thông trong trường hợp nâng cấp cải tạo, mở rộng công trình đường bộ; khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương, ngành Giao thông di dời tài sản hạ tầng viễn thông ra ngoài phạm vi xử lý sự cố, xây dựng công trình đường bộ để tránh ảnh hưởng, gián đoạn thông tin.
đ) Chấp hành các quy định về sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật; xác định giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật được sử dụng chung của doanh nghiệp; đăng ký giá thuê với Sở Tài chính; niêm yết giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông theo quy định tại Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật và Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT ngày 30/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
e) Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Điện lực Thanh Hóa và các đơn vị có liên quan thực hiện chỉnh trang, làm gọn mạng cáp ngoại vi viễn thông theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông và chỉ đạo của UBND cấp huyện. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chỉnh trang, phát triển mạng cáp ngoại vi viễn thông; việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
f) Tiếp tục rà soát các khu vực, thôn, bản, cụm dân cư chưa được phủ sóng băng rộng di động, băng rộng cố định hoặc có chất lượng thấp để có kế hoạch đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông.
g) Báo cáo kịp thời, đầy đủ số liệu hạ tầng kỹ thuật viễn thông cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục vụ công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
(8) Các ngành, đơn vị khác có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông) các nội dung vượt thẩm quyền.