(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 276/KH-UBND ngày 06/11/2023 về kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Mục đích nhằm đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ về ATTP của UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn; đánh giá việc xây dựng, duy trì xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP, ATTP nâng cao. Đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống (sau đây gọi tắt là cơ sở thực phẩm). Kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP; đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, tháo gỡ, nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP của các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn; hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
UBND tỉnh yêu cầu: Công tác kiểm tra phải thực hiện khách quan, nghiêm túc, tiết kiệm, hiệu quả, đúng nội dung, tiến độ. Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, không gây khó khăn, phiền hà, làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị được kiểm tra. Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra liên ngành, tránh chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót đối tượng; kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, không đúng quy định của pháp luật. Tăng cường trách nhiệm trong việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP của các đoàn kiểm tra từ cấp tỉnh đến cấp xã; mọi hành vi vi phạm pháp luật về ATTP được phát hiện phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định. Sau khi kiểm tra, kịp thời nhắc nhở, phê bình UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao hoặc buông lỏng quản lý về ATTP.
Các nội dung kiểm tra, gồm:
(1) Kiểm tra việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh giao;
(2) Kiểm tra công tác duy trì xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP, ATTP nâng cao;
(3) Kiểm tra về ATTP tại các cơ sở thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân, Tháng hành động vì ATTP, mùa du lịch, Tết Trung thu;
(4) Tổ chức kiểm tra đột xuất tại các cơ sở thực phẩm khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng về ATTP do tổ chức, công dân phản ánh và cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP đề nghị kiểm tra liên ngành đột xuất hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc theo yêu cầu của cơ quan cấp trên.
(5) Tổ chức lấy mẫu, kiểm nghiệm mẫu.
Về kinh phí thực hiện: Đối với cấp tỉnh, UBND tỉnh giao Sở Tài chính tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện công tác kiểm tra liên ngành cấp tỉnh đạt hiệu quả. Giao Văn phòng điều phối về vệ sinh ATTP tỉnh lập dự toán kinh phí thực hiện công tác kiểm tra liên ngành cấp tỉnh gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định; chịu trách nhiệm chi trả công tác phí, hỗ trợ phương tiện đi lại/xăng xe cho các Đoàn kiểm tra; mức chi theo quy định hiện hành của pháp luật. Tại cấp huyện, xã, kinh phí kiểm tra, mua mẫu, kiểm nghiệm mẫu của các đoàn kiểm tra cấp huyện, xã do UBND cấp huyện, cấp xã chi trả; việc sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng điều phối tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; lập dự toán kinh phí kiểm tra liên ngành về ATTP năm 2024 gửi Sở Tài chính thẩm định; sử dụng kinh phí đúng mục đích, thanh quyết toán theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. Chủ trì tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP, kiểm tra công tác duy trì xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP, ATTP nâng cao; thông báo thời gian, nội dung kiểm tra cho các đơn vị được kiểm tra; đoàn kiểm tra sử dụng con dấu của đơn vị để phục vụ hoạt động kiểm tra. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên rà soát, bổ sung, cập nhật thông tin của cơ sở thực phẩm dự kiến được kiểm tra trong các đợt cao điểm, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra; tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng, phê bình, xử lý theo quy định đối với các đơn vị được kiểm tra.
Giao các sở: Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên ngành đối với các cơ sở thực phẩm theo thẩm quyền quản lý (trừ các cơ sở thực phẩm được kiểm tra theo Kế hoạch này), đảm bảo yêu cầu không chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót đối tượng, kiểm tra không quá 1 lần/năm tại cơ sở; đồng thời gửi về Văn phòng điều phối tỉnh trước ngày 30/11/2023 để tổng hợp, theo dõi. Cử công chức tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành trong từng đợt, gửi về Văn phòng điều phối tỉnh để tổng hợp, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành. Các đơn vị chủ trì đoàn sử dụng con dấu, ấn chỉ (biên bản kiểm tra, biên bản làm việc, biên bản lấy mẫu/gửi mẫu, biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt, biên lai thu tiền phạt và các văn bản khác có liên quan) của đơn vị mình để phục vụ hoạt động kiểm tra liên ngành. Sở Y tế chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm bố trí xe kiểm nghiệm nhanh về ATTP tại hiện trường phục vụ các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh (khi cần thiết); tổng hợp, gửi báo cáo kết quả kiểm nghiệm sau mỗi đợt kiểm tra về Văn phòng điều phối tỉnh để tổng hợp.
Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh lập danh sách cán bộ tham gia đoàn kiểm tra trong từng đợt, gửi về Văn phòng điều phối tỉnh để tổng hợp, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành.
Sở Tài chính thẩm định kinh phí thực hiện trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định; hướng dẫn sử dụng kinh phí và thực hiện thanh quyết toán theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Cục Quản lý thị trường tỉnh căn cứ danh sách cơ sở thực phẩm dự kiến được kiểm tra ban hành kèm theo Kế hoạch này, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh và chỉ đạo các Đội trực thuộc xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo quy định; yêu cầu không chồng chéo, trùng lắp, kiểm tra không quá 1 lần/năm tại cơ sở, đảm bảo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 22/6/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; trừ trường hợp có thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật thì tiến hành kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, đồng thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả kiểm tra đột xuất.
Thanh tra tỉnh căn cứ Kế hoạch này, rà soát, xử lý chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra trong hoạt động thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp của các sở, ngành có liên quan.
UBND cấp huyện: Ban hành Kế hoạch kiểm tra liên ngành về ATTP trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố năm 2024, kèm theo danh sách cơ sở thực phẩm dự kiến được kiểm tra trong năm (trừ các cơ sở thực phẩm được kiểm tra theo Kế hoạch này), đảm bảo yêu cầu không chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót đối tượng, kiểm tra không quá 1 lần/năm tại cơ sở; đồng thời gửi về Văn phòng điều phối tỉnh trước ngày 30/11/2023 để tổng hợp, theo dõi. Báo cáo kết quả triển khai công tác kiểm tra liên ngành về ATTP trong từng đợt gửi về Văn phòng điều phối tỉnh. Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để các Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ; bố trí địa điểm, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu có liên quan và báo cáo bằng văn bản; triệu tập đúng, đủ thành phần tham gia làm việc; phối hợp với các đoàn kiểm tra cấp tỉnh tiến hành kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ sở thực phẩm trên địa bàn quản lý.
UBND cấp xã bố trí địa điểm, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu có liên quan, triệu tập đúng, đủ thành phần tham gia làm việc và báo cáo việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn cho các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh; phối hợp với các đoàn kiểm tra về ATTP cấp tỉnh, cấp huyện khi kiểm tra tại các cơ sở thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Các Đoàn kiểm tra liên ngành: Tuân thủ trình tự, đối tượng, nội dung, phạm vi, thời gian kiểm tra theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt và theo quy định của pháp luật; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân được kiểm tra; không được sách nhiễu, gây phiền hà cho cơ sở được kiểm tra. Sắp xếp thời gian kiểm tra phù hợp, thuận lợi về đối tượng, địa bàn và thông báo lịch kiểm tra cụ thể cho cơ sở thực phẩm được kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý thì đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh ATTP tỉnh (qua Văn phòng điều phối tỉnh) xem xét, xử lý kỷ luật; nếu phát hiện cơ sở thực phẩm có hành vi vi phạm về ATTP thì xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc khởi tố hình sự theo quy định. Trưởng đoàn kiểm tra lập biên bản kiểm tra theo quy định và chịu trách nhiệm về các kết luận kiểm tra của Đoàn. Sau khi kết thúc kiểm tra, Trưởng đoàn tổng hợp, báo cáo kết quả về Văn phòng điều phối tỉnh.
Các cơ sở thực phẩm được kiểm tra bố trí thời gian để Chủ cơ sở trực tiếp hoặc cử người đại diện hợp pháp để làm việc với Đoàn kiểm tra; cung cấp các hồ sơ, tài liệu về ATTP có liên quan đến nội dung kiểm tra và giải trình các nội dung theo yêu cầu của đoàn; thực hiện kết luận kiểm tra, chấp hành các quyết định của Đoàn kiểm tra.