(Thanhhoa.dcs.vn): Thanh tra tỉnh vừa ban hành Công văn số 2756/TTTTH-P2 ngày 04/11/2023 gửi Giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn xây dựng dự thảo Kế hoạch thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024.
*Đối với công tác thanh tra:
Nội dung Kế hoạch thanh tra năm 2024 phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, rõ ràng, cụ thể, tập trung các ngành, lĩnh vực được xã hội quan tâm; hạn chế tối đa sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; đồng thời bám sát chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; gắn với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực thi chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực ở các ngành, địa phương. Cụ thể:
(1) Đối với Thanh tra các sở, ngành cấp tỉnh:
- Thanh tra hành chính: Tập trung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của sở, ngành theo Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 01/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh; thanh tra công tác quản lý tài chính, ngân sách, tài sản, mua sắm tài sản công; việc chấp hành quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của sở, ngành.
- Thanh tra chuyên ngành: Tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn, kỹ thuật, quy tắc quản lý của ngành, lĩnh vực, gắn với mục tiêu, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội; nội dung xây dựng dự thảo Kế hoạch thanh tra năm 2024 với các nhiệm vụ chủ yếu đối với từng sở, ngành như sau:
(i) Sở Tài nguyên và Môi trường: Thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về nhiệm vụ quyền hạn; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với các đơn vị trực thuộc. Thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai của UBND cấp huyện, cấp xã; chấp hành pháp luật về đất đai đối với các tổ chức, doanh nghiệp; thanh tra việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền UBND huyện, thị xã, thành phố; thanh tra các hoạt động khai thác khoáng sản; thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
(ii) Sở Giao thông vận tải: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; việc thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại các công ty quản lý đường bộ được giao quản lý, bảo trì các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh thuộc trách nhiệm của Sở GTVT; công tác đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ; hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường xe cơ giới đường bộ đối với các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh. Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý bến thủy nội địa, phương tiện thủy nội địa; công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tại bến thủy nội địa.
(iii) Sở Công thương: Thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số đơn vị thuộc Sở. Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Sở, trong đó tập trung các lĩnh vực: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Hoạt động điện lực; An toàn thực phẩm; Kinh doanh xăng dầu; Bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; Kinh doanh và sử dụng hóa chất; Bảo vệ môi trường; An toàn điện, an toàn đập và hồ chứa thủy điện.
(iv) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư công, công tác đấu thầu, quản lý thực hiện dự án; thanh tra hoạt động đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Đầu tư; thanh tra trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh; thanh tra trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; thanh tra tiến độ thực hiện giải ngân vốn các dự án đầu tư công.
(v) Sở Tài chính: Thanh tra tra việc quản lý vốn và tài sản nhà nước tại Doanh nghiệp nhà nước do UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu khi được giao; Thanh tra công tác quản lý, điều hành ngân sách đối với một số đơn vị cấp ngân sách huyện, xã; công tác quản lý điều hành chi đầu tư; tiến độ thu tiền sử dụng đất các dự án đấu thầu, đấu giá và giao đất có thu tiền sử dụng đất; việc chấp hành pháp luật về quản lý tài chính tại một số đơn vị dự toán; việc chấp hành pháp luật về kế toán, mua sắm quản lý tài sản công; việc chấp hành quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
(vi) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số đơn vị trực thuộc Sở. Thanh tra việc thực hiện chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; việc chấp hành các quy định trong chăn nuôi, giống vật nuôi, trong hoạt động kiểm dịch, giết mổ động vật; việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; việc chấp hành các quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp và chế biến lâm sản; việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, phát triển, sử dụng, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên rừng; việc thực hiện các quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai; an toàn thực phẩm nông, lâm và thủy sản.
(vii) Sở Khoa học và Công nghệ: Thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về nhiệm vụ quyền hạn; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại một số đơn vị trực thuộc Sở. Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước, gồm: Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Sở hữu công nghiệp; An toàn bức xạ, hạt nhân; hoạt động Khoa học và Công nghệ.
(viii) Sở Xây dựng: Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động đầu tư xây dựng một số dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; công tác cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép; trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng và xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các huyện, thị xã, thành phố. Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản, thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn tỉnh; thanh tra quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì và mua bán nhà ở xã hội.
(ix) Sở Nội vụ: Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, phòng, chống tham nhũng tại các đơn vị trực thuộc. Thanh tra chuyên đề việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; việc biệt phái công chức, viên chức làm việc tại cơ quan, đơn vị của một số sở, UBND cấp huyện; việc điều động, bố trí công chức cấp xã tại một số huyện trong tỉnh.
(x) Ban Dân tộc: Thanh tra việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc thực hiện chế độ tài chính đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú theo Thông tư liên tịch số 109/2009/LTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Giáo dục & Đào tạo - Bộ Tài chính; thanh tra Đề án xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững tại một số đơn vị.
(xi) Sở Y tế: Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với một số đơn vị trực thuộc. Thanh tra khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập; thanh tra việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc lựa chọn giới tính thai nhi tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập.
(xii) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Sở trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thanh tra công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản trên địa bàn các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
(xiii) Sở Giáo dục và Đào tạo: Thanh tra việc triển khai, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông; việc thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách, các khoản đóng góp hỗ trợ tự nguyện; công tác tổ chức các hoạt động giảng dạy, công tác tuyển sinh, công tác quản lý dạy thêm, học thêm, hoạt động liên kết đào tạo trong các cơ sở giáo dục; công tác quản lý văn bằng chứng chỉ; kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia.
(xiv) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về nhiệm vụ quyền hạn; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính một số đơn vị trực thuộc. Thanh tra việc xác lập hồ sơ bệnh binh và hồ sơ thương binh; việc chấp hành các quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp.
(xv) Sở Tư pháp: Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở. Thanh tra chuyên ngành lĩnh vực công chứng; đấu giá tài sản; Luật sư.
(xvi) Sở Thông tin và Truyền thông: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động bưu chính chuyển phát; sử dụng tần số vô tuyến điện; sử dụng dịch vụ Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng (game online); việc chấp hành pháp luật về hoạt động báo chí; Trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội.
(xvii) Đối với sở, ngành không thành lập cơ quan thanh tra: Thực hiện theo điểm đ khoản 1 Điều 23 Luật thanh tra năm 2022.
(2) Đối với thanh tra các huyện, thị xã, thành phố:
Tăng cường thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND xã, thị trấn trong việc tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại tố cáo, PCTN, tiêu cực, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Thanh tra việc quản lý, sử dụng ngân sách; thanh tra các khoản thu đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại UBND xã, phường, thị trấn.
Thanh tra công tác quản lý Nhà nước về đất đai đối với UBND các xã, thị trấn, trọng tâm là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với các hộ gia đình, cá nhân và việc quản lý, sử dụng đất công ích.
*Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Tiếp tục tham mưu cho Cấp uỷ Đảng, Chính quyền thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11- QĐ/TW ngày 18/12/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 08/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung xác minh đơn thư; giải quyết kịp thời, có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
*Về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực:
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 26/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ; Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 10/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước”; Kế hoạch số 20-KH/TU ngày 21/7/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 05- KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kế hoạch số 21-KH/TU ngày 22/7/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, sử dụng trái phép trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Hướng dẫn số 25- HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương hướng dẫn một số nội dung về phòng, chống tiêu cực.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung lãnh đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
(Ngoài các nhiệm vụ trên; các cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được giao, đề xuất các nội dung thanh tra khi xét thấy cần thiết)