(Thanhhoa.dcs.vn): Nhận thức rõ công tác tập hợp đoàn kết, chăm lo cho sinh viên, nhất là sinh viên người dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội và công tác dân tộc của tỉnh; trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tập hợp đoàn kết, chăm sóc đoàn viên thanh niên nói chung, sinh viên dân tộc thiểu số nói riêng, đạt một số kết quả quan trọng.
Tỉnh Thanh Hóa nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, có diện tích tự nhiên 11.120 km2, có đường biên giới dài 213,6 km giáp với tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào và 102 km bờ biển; dân số hơn 3,64 triệu người; có 27 huyện, thị xã, thành phố và 559 xã, phường, thị trấn; có 07 dân tộc anh em chủ yếu cùng sinh sống (gồm: Kinh, Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú). Đảng bộ tỉnh có 31 đảng bộ trực thuộc, có 1.462 tổ chức cơ sở đảng với tổng số trên 230.000 đảng viên (đứng thứ 2 cả nước, sau thành phố Hà Nội).
Khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa có diện tích trên 8.000 km2 (chiếm khoảng 75% diện tích toàn tỉnh); dân số trên 1,1 triệu người (chiếm 30,2% dân số toàn tỉnh), trong đó người dân tộc thiểu số có khoảng 700.000 người, sinh sống ở 11 huyện miền núi. Đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi có truyền thống đoàn kết, yêu nước, cách mạng, cần cù, chịu khó, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của địa phương, đất nước; trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện.
Hiện nay, thanh niên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 350.000 người, chiếm 36,3% tổng số thanh niên. Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 15.200 sinh viên người dân tộc thiểu số đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước; trong đó có hơn 10.000 sinh viên có thành tích học tập từ loại khá trở lên (chiếm 66%); qua đó khẳng định, ngày càng có nhiều thanh niên dân tộc thiểu số có đủ năng lực, trình độ và trí tuệ để tiếp thu những tri thức khoa học, rèn luyện kỹ năng sống, năng lực hoạt động xã hội.
Bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 25/12/2013 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới; các chương trình, hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các văn bản chỉ đạo về phát triển kinh tế - văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; trong đó có nội dung về tập hợp đoàn kết, chăm lo cho sinh viên dân tộc thiểu số.
Chỉ đạo HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 408/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 về phát triển thanh niên tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2030; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4873/QĐ-UBND ngày 02/12/2021 về Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, như: Hằng năm, 75% thanh niên vùng dân tộc thiểu số được trang bị kiến thức về quốc phòng, an ninh; Hằng năm, phấn đấu có ít nhất 30% thanh niên làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số và tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến giáo dục pháp luật, phấn đấu đến năm 2030, đạt 100%; Hằng năm, phấn đấu 60% thanh niên vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; hoạt động sinh hoạt cộng đồng ở nơi học tập, làm việc và cư trú…; phân công trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị trong công tác phát triển thanh niên vùng dân tộc thiểu số. Các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch thực hiện, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện công tác tập hợp đoàn kết, chăm lo cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số hằng năm; thường xuyên rà soát các đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ.
Từ năm 2022 đến nay, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 35 chương trình tư vấn giáo dục pháp luật, 02 ngày hội việc làm, tập huấn kĩ năng khởi nghiệp, hướng nghiệp, kĩ năng chuyển đổi số, 11 hoạt động tư vấn mùa thi, 10 chương trình liên hoan văn hoá vùng miền cấp huyện, hội thi văn nghệ… cho hơn 21.000 học sinh, sinh viên tại 11 huyện miền núi và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; thông qua các hoạt động đã đoàn kết tập hợp được học sinh, sinh viên tại địa bàn miền núi là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số trong độ tuổi đến trường đạt 99,5%; cơ sở vật chất trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư, 100% trường THCS, THPT có phòng học kiên cố; 100% học sinh, sinh viên đến trường được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.
Công tác chăm lo cho sinh viên người dân tộc thiểu số được quan tâm; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức 03 lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ Đoàn - Hội - Đội cho cán bộ Đoàn là thanh niên người dân tộc thiểu số, với 300 cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia, góp phần nâng cao trình độ học vấn, trang bị kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên là người dân tộc thiểu số. Từ năm 2020 đến nay, Hội Sinh viên tỉnh đã tổ chức tặng 50 suất học bổng, 20 máy tính bảng cho sinh viên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá gần 200 triệu đồng; tổ chức 01 lớp luyện giọng nói phổ thông cho sinh viên người dân tộc thiểu số với hơn 150 bạn sinh viên tham gia.
Thông qua các chương trình, đề án hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các hoạt động của các cấp bộ đoàn trong tỉnh, nhiều sinh viên người dân tộc thiểu số đã phát huy được năng lực, sở trường, nỗ lực rèn luyện, tích cực lao động, làm giàu cho bản thân, cho gia đình, là nguồn cảm hứng thành công cho bản làng, người dân tộc thiểu số nói riêng và các tầng lớp thanh niên trong tỉnh nói chung. Điển hình như: Nguyễn Lê Ngọc Linh, người dân tộc Thổ, xã Hoá Quỳ, huyện Như Xuân, cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã phát triển thành công mô hình "Hợp tác xã Bản Thổ"; mang lại thu nhập từ 500 triệu-1,5 tỷ/ năm; giải quyết việc làm cho 20 người dân địa phương. Bùi Anh Sơn, dân tộc Mường, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh đã xây dựng thành công Mô hình khôi phục các nghề truyền thống, các trò chơi, các phong tục, làn điệu hát ru Mo, xường của dân tộc Mường… .
Đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định vấn đề dân tộc, đặc biệt phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tích cực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang tổ chức các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam, với những thủ đoạn tinh vi nhằm vào mọi thành phần, lực lượng xã hội, nhất là thế hệ trẻ. Một số sinh viên vùng dân tộc thiểu số điều kiện sống và học tập còn khó khăn, nhất là trang bị thiết bị học tập; một bộ phận sinh viên người dân tộc thiểu số vẫn còn tâm lý thụ động, trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, e ngại tham gia các hoạt động nhóm, hoạt động chung của Đoàn, Hội… Kỹ năng, kinh nghiệm công tác của một bộ phận cán bộ Đoàn, Hội sinh viên còn hạn chế, chưa nắm bắt kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên dân tộc thiểu số để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, giải quyết.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tập hợp đoàn kết, chăm lo cho sinh viên dân tộc thiểu số trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, sâu rộng, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh niên, công tác dân tộc. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thanh niên và công tác thanh niên trong việc đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên, nhất là thanh niên, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để cùng phấn đấu, cống hiến, đóng góp trí tuệ, sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tố quốc; khuyến khích và tổ chức cho thanh niên dân tộc thiểu số tham gia tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và các hoạt động ích nước, lợi nhà, hướng thiện; khơi dậy khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho sinh viên; đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình an ninh chính trị tại các địa bàn biên giới của tỉnh, những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới. Các đoàn thể chính trị xã hội, đặc biệt là các tổ chức đoàn cần linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong việc lồng ghép tổ chức các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị với các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi, hội thi, hội diễn phù hợp với đặc điểm của đoàn viên và đặc thù của mỗi cơ quan, đơn vị, giúp cho đoàn viên, thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số "thấm nhuần hơn, hiểu rõ hơn, nhớ lâu hơn" về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương đất nước, để "không nghe theo, không làm theo và không bị lừa gạt" bởi những thông tin xấu, độc.
Ba là, Hội sinh viên, các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh đổi mới nội dung, đa dạng phương thức đoàn kết tập hợp sinh viên dân tộc thiểu số, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Tăng cường phương thức tập hợp sinh viên trên không gian mạng theo hướng xây dựng, hoàn thiện và kết nối các nhóm của các chi hội, câu lạc bộ sinh viên các trường, các tỉnh. Từng bước khai thác các ứng dụng, tiện ích của các mạng xã hội có số lượng thành viên đông để truyền tải thông tin, nắm bắt dư luận, kịp thời định hướng, giáo dục cho sinh viên. Thiết kế, lựa chọn các phong trào sinh viên trên cơ sở nguyện vọng của sinh viên và yêu cầu của địa phương, đảm bảo tính rộng khắp và bền vững.
Bốn là, các cấp ủy đảng, chính quyền rà soát, nghiên cứu, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, dành nguồn lực phù hợp cho việc phát huy tài năng trẻ từ sinh viên dân tộc thiểu số; hỗ trợ xây dựng các mô hình khởi nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, phát huy vai trò xung kích của sinh viên trong việc tham gia thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch cán bộ tại các địa phương từ sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu, tạo tác động lan tỏa đến thanh niên và Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.