(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xây dựng chương trình phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, ngành Tài nguyên và Môi trường với tổ chức tôn giáo ở các tỉnh, thành phố về thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp với về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2018 - 2022.

Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã lồng ghép triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp gắn với nhiệm vụ công tác Mặt trận, trọng tâm là: Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020" và "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025"; hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng úng "Tháng hành động vì môi trường" và Ngày Môi trường thế giới 05/6... Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các tổ chức tôn giáo lồng ghép tuyên truyền các nội dung Chương trình phối hợp đến các chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp, như: Phối hợp với Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh lồng ghép tuyên truyền cho các vị Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh trong Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng và tổng kết năm; phối hợp với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh lồng ghép tuyên truyền đến các Tăng Ni, Phật tử tại các lớp Hạ mùa An cư Kiết hạ...

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tín đồ các tôn giáo nói riêng và Nhân dân trong tỉnh nói chung chấp hành Luật Bảo vệ môi trường và nỗ lực hành động nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm nhẹ thiên tai bằng hành động cụ thể trong sinh hoạt, lao động, sản xuất, kinh doanh hằng ngày. Phối hợp, giúp đỡ các tôn giáo chủ động triển khai và đưa nội dung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động hàng năm của tôn giáo mình.

Các vị chức sắc, chức việc tôn giáo tích cực tuyên truyền nội dung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đến tín đồ của mình trong các dịp lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, rao giảng giáo lý, thuyết pháp, trong các lớp bồi dưỡng do các tổ chức tôn giáo tổ chức. Tuyên truyền, vận động các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo tích cực tham gia bảo vệ môi trường, khắc phục những phong tục, tập quán sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh, môi trường; tổ chức cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường, không gây ra những tác nhân làm gia tăng biến đổi khí hậu như: phá rừng, khai thác cát bừa bãi; sử dụng chất cấm, chất kích thích và chất bảo vệ thực vật không đúng quy định trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến, dịch vụ gây hại cho con người và môi trường...; xây dựng kỹ năng tự ứng phó, giúp nhau giải quyết nhũng rủi ro thiên tai phù hợp với địa bàn dân cư và tôn giáo mình. Giáo hội Phật giáo tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Ban Trị sự Phật giáo các huyện, thị, thành phố tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Tăng Ni và Phật tử về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào xây dụng "Chùa cảnh tinh tiến, gương mẫu" gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện việc tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức; hướng dẫn tín đồ phật tử và khách thập phương đến lễ chùa loại bỏ mê tín dị đoan, hạn chế đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự gây ảnh hưởng đến môi trường. Các chùa trong tỉnh luôn giữ gìn cơ sở thờ tự bảo đảm môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Trụ trì các chùa đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các buổi thuyết giảng kinh Phật tại các trường hạ, khóa tu, nhất là giới trẻ nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội chung tay bảo vệ môi trường. Vận động tín đồ Phật tử tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương nơi mình đang sinh sống, tham gia dọn dẹp vệ sinh trong khuôn viên và các khu vực lân cận nơi thờ tự. Vào các dịp Lễ Vu lan, ngày môi trường thế giới một số chùa đã phát động ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, khơi thông kênh mương, cống rãnh, phát quang, trồng nhiều cây xanh trong khu vực cơ sở thờ tự và khu dân cư để tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp.

Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã tuyên truyền đến đồng bào giáo dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong tình hình mới. Tổ chức hướng dẫn, giúp đỡ việc xây dựng và nhân rộng các mô hình giáo xứ, giáo họ thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong giáo phận. Tuyên truyền sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường; ăn uống hợp vệ sinh, xây dựng các công trình nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch đảm bảo vệ sinh môi trường; trồng và bảo vệ cây xanh nơi ở, khu vực nhà thờ và nơi công cộng. Tuyên truyền, vận động tín đồ, người dân không sử dụng những vật tư, phương tiện tạo ra những sản phẩm độc hại, không sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, như: khai thác cát, sỏi, vật liệu xây dựng không đúng quy định; sử dụng chất cấm, chất kích thích và chất bảo vệ thực vật trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến, dịch vụ gây hại cho con người và môi trường.

Tại một số giáo xứ, giáo họ, Hội đồng mục vụ đã chủ động phối hợp với các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn tới giáo dân, cộng đồng dân cư trên địa bàn loại bỏ những phong tục, tập quán sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh môi trường; truyền thông về việc bỏ rác đúng nơi quy định, bảo vệ cây xanh, vệ sinh chuồng trại trong chăn nuôi; tổ chức phát động bà con giáo dân khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, thu gom và tiêu hủy rác thải. Nhiều giáo xứ, giáo họ tổ chức tuyên truyền cho giáo dân xây dựng ý thức không vứt rác bừa bãi, ăn uống họp vệ sinh, dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, khu dân cư. Hướng dẫn cho bà con giáo dân về kỹ năng tự ứng cứu và giúp nhau xử lý tại chỗ những rủi ro bất thường do thiên tai bão, lũ, hạn hán, hỏa hoạn xảy ra...

Chi Hội thánh Tin Lành Thanh Hóa thường xuyên kết hợp, lồng ghép trong các giờ lễ để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở tín hữu nâng cao nhận thức, cách làm, hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên, môi trường; quan tâm gìn giữ, bảo vệ môi trường sống cho chính mình và cho cộng đồng, xã hội... vào bài giảng của các mục sư, truyền đạo. Giáo dục cho các tín hữu là các cháu thiếu niên, nhi đồng về ý thức bảo vệ môi trường; kêu gọi tín hữu cùng đóng góp với địa phương trong việc giúp đỡ người nghèo, quan tâm đến cộng đồng dân cư.

Công tác xây dựng mô hình điểm về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong đồng bào có đạo được quan tâm, đạt kết quả tích cực. MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai xây dựng nhiều mô hình điểm về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu như: 243 mô hình "Khu dân cư Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn", 115 mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường tại các huyện, thị, thành phố; phối hợp với Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh xây dựng Khu dân cư bảo vệ môi trường tại 02 thôn có 100% người Công giáo là thôn 7, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân và thôn 2, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn; xây dựng và phát huy hiệu quả 200 mô hình "Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm" trên địa bàn toàn tỉnh.

Đồng bào tôn giáo trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai xây dựng nhiều mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả, thiết thực. Tiêu biểu như: Đồng bào tôn giáo huyện Yên Định đã triển khai mô hình "Cộng đoàn/tổ đoàn kết/tổ tự quản tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu", mô hình "Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các gia đình, cơ sở tôn giáo", mô hình "Hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự", mô hình "Câu lạc bộ giáo dân tham gia bảo vệ môi trường vào thứ 6 hàng tuần", mô hình "Giáo dân thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa"; mô hình "Xứ đạo bình yên"; mô hình "Tuyến đường tự quản về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu"; phong trào "Ngày chủ nhật xanh". Huyện Quảng Xương xây dựng các mô hình: "Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu"; "Tuyến đường tự quản về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu", "Thắp sáng đường quê"; "Camera an ninh", "Dòng sông không rác thải" đạt hiệu quả cao. Tại huyện Nga Sơn, Hội đồng mục vụ giáo xứ Tam Tổng đã phối hợp xây dựng 04 nhà tang lễ, trị giá 1,6 tỷ đồng để thực hiện lễ nghi tôn giáo cho người đã khuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của Nhân dân. Đồng bào Công giáo thành phố Thanh Hóa tích cực tham gia giữ gìn "Khu dân cư Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp", duy trì phong trào tổng vệ sinh đường, ngõ phố vào các ngày thứ 7 hàng tuần, nhiều tuyến phố đạt kiểu mẫu như: Họ Tân Thảo, phố Tây Sơn 1, phường Phú Sơn; phố Minh Trại, phường Quảng Thành; phố Trường Thi 1, phường Trường Thi; phố Nam Sơn, phường Nam Ngạn. Thị xã Nghi Sơn phát động trong Nhân dân, các hộ gia đình giáo dân chủ động xây dựng lò đốt rác mini nhằm giảm thiểu khối lượng rác thải sinh hoạt tập kết ra các bãi rác tập trung. Mô hình khu dân cư "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn" tại các huyện: Đông Sơn, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Như Thanh... tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần tạo được sự chuyển biến về nhận thức, làm thay đổi thói quen của Nhân dân ở cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhằm đánh giá, biểu dương những việc làm tốt, cách làm hay trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của đồng bào tôn giáo, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện sống "Tốt đời, đẹp đạo" góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức nhiều Hội nghị biểu dương các chức sắc, chức việc tôn giáo, như: Hội nghị tổng kết 20 năm và biểu dương điển hình phong trào xây dựng "Chùa cảnh tinh tiến, gương mẫu" trong đồng bào Phật giáo tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2001 - 2021 bằng hình thức trực tuyến tại 22 điểm cầu với 450 đại biểu tham dự; biểu dương 120 điển hình (trong đó, có 19 tập thể và 21 cá nhân được Chủ tịch UBND tặng Bằng khen, 18 tập thể và 21 cá nhân được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng Bằng khen); Hội nghị biểu dương "Người tốt, việc tốt" trong đồng bào Công giáo tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2020 - 2022, biểu dương khen thưởng 02 tập thể và 121 cá nhân trong phong trào sống tốt đời, đẹp đạo (trong đó: Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 110 cá nhân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 111 cá nhân).

Các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác Mặt trận, các tổ chức thành viên, cộng đồng tôn giáo được chú trọng. Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn hệ thống MTTQ tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, Ngày làm cho thế giới sạch hơn; Phối hợp với UBND huyện Vĩnh Lộc, huyện Lang Chánh tổ chức các hoạt động mít tinh, ra quân tổng dọn vệ sinh, tặng thùng đựng rác tại các xã, thị trấn; đồng thời phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và cán bộ MTTQ các cấp thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội nghị gặp mặt chức sắc tôn giáo. Tiêu biểu như: Tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm và thăm quan thực tế xây dựng mô hình khu dân cư "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn"; tổ chức 156 lớp tập huấn cho 19.050 lượt người tham gia; tổ chức 21 lớp cho 110 Ban điều hành mô hình "Khu dân cư tự quản về An toàn thực phẩm", 90 lớp tập huấn kiến thức trồng trọt, vệ sinh an toàn thực phẩm cho 15.000 đại biểu ở khu dân cư; tổ chức ký cam kết cho trên 27.000 hộ dân về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường...

Tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động giám việc sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ năm 2019 đến nay, trong Chương trình giám sát hàng năm của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều có nội dung giám sát liên quan đến bảo vệ môi trường, cụ thể như: Năm 2019, 2020, tổ chức giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải, rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật của cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, đơn vị tại UBND các huyện: Thiệu Hóa, Như Thanh, Hậu Lộc, Cẩm Thủy, Nông Cống và thành phố Thanh Hóa; năm 2021, giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại UBND các huyện: Triệu Sơn, Yên Định, Như Xuân, Thọ Xuân, Quan Hóa; năm 2022, 2023 giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật của cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tại Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, UBND các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Ngọc Lặc, Thường Xuân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2022 còn một số hạn chế, khó khăn, đó là: Công tác phối hợp giữa MTTQ và ngành Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, thường xuyên; sự tham gia của ngành Tài nguyên và Môi trường mới chỉ dừng lại ở việc ký kết, chưa có sự phối hợp thường xuyên trong tổ chức các hoạt động. Hàng năm, các đơn vị chưa xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể; chưa lựa chọn hoạt động trọng tâm để tổ chức thực hiện và triển khai đồng bộ đến cơ sở. Các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng trong công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế. Một số cơ sở tôn giáo mới chỉ dựng lại ở công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của chức sắc, chức việc và tín đồ trong phạm vi cơ sở thờ tự và khu dân cư, chưa phát động triển khai thành phong trào thi đua về bảo vệ môi trường; chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch hành động cụ thể phù họp với đặc điểm, điều kiện của tôn giáo. Việc bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước để triển khai thực hiện Chương trình phối hợp còn khó khăn...

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng và các tổ chức tôn giáo tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đến các tầng lớp nhân dân; vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phát động; tạo sự chuyến biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lóp nhân dân hưởng ứng các nội dung về môi trường và biến đổi khí hậu. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các tôn giáo; hỗ trợ các tổ chức tôn giáo xây dựng và nhân rộng những mô hình điểm nhằm nâng cao ý thức chú động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hai là, ngành Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp hỗ trợ các hoạt động thông tin, tuyên truyền, biên soạn, cung cấp các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ Mặt trận và đoàn thể. Trên cơ sở đó, cung cấp các thông tin, trao đổi, chia sẻ những nội dung phù hợp với mỗi tôn giáo để các tổ chức, cá nhân tôn giáo triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo có hiệu quả hơn. Hằng năm, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách để Mặt trận Tổ quốc tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong đồng bào các tôn giáo. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường; hỗ trợ thiết bị để nâng cao hiệu quả hoạt động thu gom, xử lý rác thải tại cộng đồng dân cư.

Ba là, các tổ chức tôn giáo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ nâng cao ý thức, trách nhiệm, tổ chức các hoạt động cụ thể trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù họp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của mỗi tôn giáo. Tiếp tục đưa nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động hàng năm, các khóa bồi dưỡng giáo lý, giáo luật của các tôn giáo để triển khai tuyên truyền, vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo nâng cao ý thức, hành động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Kịp thời biểu dương và khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bốn là, Ủy ban MTTQ các cấp chủ động phối hợp với các tổ chức tôn giáo vận động đồng bào có đạo đoàn kết, thi đua thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở cộng đồng dân cư. Xây dựng các mô hình tự quản về môi trường ở khu dân cư có đông đồng bào theo các tôn giáo gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các sáng kiến về môi trường; biểu dương và khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Bốn là, quan tâm thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, phản ánh ý kiến Nhân dân, góp ý xây dựng hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức tôn giáo, các tổ chức thành viên đẩy mạnh hoạt động giám sát thường xuyên, đột xuất việc chấp hành pháp luật của các cơ quan chức năng và tập thể, cá nhân có trách nhiệm về bảo vệ môi trường, kịp thời phản ánh đến các cấp có thẩm quyền để giải quyết.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)