(Thanhhoa.dcs.vn): Dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số cơ bản và quan trọng nhất của chính phủ điện tử, chính phủ số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) phục vụ kết nối, đo lường dịch vụ công trực tuyến một cách tự động, theo thời gian thực. Việc thực hiện giám sát, đo lường, đánh giá hiệu quả, mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua Hệ thống EMC là nhiệm vụ quan trọng, mang tính bắt buộc theo quy định của pháp luật .

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện kết nối, hoặc chưa thực hiện kết nối đầy đủ, toàn diện, hoặc chưa thực hiện đối soát dữ liệu, hoặc có lúc bị gián đoạn. Điều này dẫn đến kết quả đo lường, giám sát, đánh giá hiệu quả, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa phản ánh chính xác với thực tế. Ngày 24 tháng 11 năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông có Văn bản số 5901/BTTTT-CĐSQG, đề nghị Thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở việc tuân thủ quy định của pháp luật về giám sát, đánh giá hiệu quả, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua Hệ thống EMC, cụ thể như sau:

1. Việc kết nối đầy đủ, toàn diện, liên tục với Hệ thống EMC là bắt buộc theo quy định của pháp luật. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ định kỳ giám sát, kiểm tra, thanh tra và công bố danh sách các bộ, ngành, địa phương vi phạm quy định của pháp luật về kết nối để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

2. Việc kết nối đầy đủ, toàn diện, liên tục với Hệ thống EMC là một yếu tố quan trọng trong kết quả đánh giá, xếp hạng các bộ, ngành, địa phương về chuyển đổi số, chính quyền số. Việc không tuân thủ quy định này dẫn đến ảnh hưởng tới xếp hạng mức độ chuyển đổi số, chính quyền số của bộ, ngành, địa phương.

3. Việc kết nối đầy đủ, toàn diện, liên tục với Hệ thống EMC là kênh thông tin độc lập do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện, giúp Lãnh đạo các cấp, đặc biệt là Lãnh đạo các Bộ, ngành và Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có thêm một góc nhìn chính xác, khách quan, minh bạch về chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương mình. Qua đó, giúp Lãnh đạo các bộ, tỉnh có thêm công cụ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hiệu quả hơn.

(Nguyễn Ngọc Hưng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)