(Thanhhoa.dcs.vn): Theo kết quả đánh giá của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện công tác PCTN năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa, điểm đánh giá công tác PCTN tỉnh đạt 72/100 điểm, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành; là một trong 15 địa phương đạt từ 70 điểm trở lên; vẫn duy trì kết quả khá tốt, nằm trong nhóm có điểm số cao so với bình quân chung của cả nước (cao hơn điểm bình quân chung cả nước là 5,94 điểm), điểm số cao hơn so với năm 2021. Cụ thể:
(1) Kết quả đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN: Chỉ số thành phần việc lãnh đạo, chỉ đạo đạt điểm tuyệt đối; việc tổ chức thực hiện cũng đạt điểm gần như tuyệt đối.
(2) Kết quả đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng: Thanh Hóa là một trong các địa phương có điểm cao nhất trong phòng ngừa tham nhũng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước. Các chỉ số thành phần của 03 nội dung mới theo Bộ chỉ số lần đầu được đánh giá như: (i) Kết quả thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; (ii) Kết quả thực hiện quy tắc ứng xử, đạt điểm tuyệt đối và (iii) Việc chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI năm 2022) cũng đạt kết quả tốt. Ngoài ra, các chỉ số thành phần (i) Thực hiện định mức, chế độ, tiêu chuẩn; (ii) Kiểm soát xung đột lợi ích; (iii) Kiểm soát tài sản thu nhập; (iv) Chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; (v) Thực hiện Chỉ thị 10/TTg của Thủ tướng Chính phủ đều đạt điểm tuyệt đối. Chỉ số cải cách hành chính (PAR 2022) và kết quả thực hiện công khai, minh bạch theo quy định tại Điều 10 Luật PCTN 2018 đạt kết quả tốt.
(3) Kết quả đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng: Chỉ số thành phần (i) Phát hiện hành vi tham nhũng qua điều tra, truy tố, xét xử; (ii) phát hiện hành vi tham nhũng qua phản ánh, tố cáo; (iii) Xử lý kỷ luật hành chính đối với cá nhân; (iv) Kết quả xử lý hình sự người có hành vi tham nhũng; (v) Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào mức độ của vụ việc tham nhũng; (vi) Kết quả xử lý vi phạm quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; (vii) Kết quả xử lý vi phạm quy định về xung đột lợi ích; (viii) Kết quả xử lý vi phạm quy định về báo cáo, xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng, có chuyển biến tích cực và hiệu quả hơn so với kỳ trước.
(4) Kết quả đánh giá việc thu hồi tài sản tham nhũng: Chỉ số thành phần Kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đạt điểm số tuyệt đối; các chỉ số thành phần (i) Kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công tác điều tra, truy tố, xét xử và (ii) Kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án, tiếp tục được giữ vững, hiệu quả hơn so với kỳ trước.
Tuy nhiên, còn một số chỉ số thành phần đạt thấp, chủ yếu tập trung vào các chỉ số, như: (i) Chỉ số về kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; (ii) Chỉ số về phát hiện và xử lý tham nhũng; (iii) Chỉ số về thu hồi tài sản tham nhũng.
Nhằm đánh giá đúng, khách quan và khuyến khích những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị và địa phương trong công tác PCTN, tiêu cực, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực; khắc phục những hạn chế, tồn tại dẫn đến điểm chỉ số thành phần thấp, ảnh hưởng đến kết quả công tác PCTN của tỉnh; đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp PCTN, tiêu cực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, cải thiện kết quả xếp loại công tác PCTN, tiêu cực của tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 288/KH-UBND ngày 04/12/2023 về khắc phục hạn chế, tồn tại trong đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Theo đó, UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ và giải pháp khắc phục, gồm:
(1) Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản về PCTN, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực các cấp.
(2) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đầy đủ các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực; tiếp tục chỉ đạo nâng cao năng lực, đổi mới cách thức thực hiện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PCTN, tiêu cực đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm với nhiệm vụ được giao; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị và địa phương về công tác PCTN, tiêu cực thuộc phạm vi quản lý nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng theo quy định; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực… phát huy vai trò xã hội, hội viên, đoàn viên và Nhân dân trong công tác PCTN, tiêu cực.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi phạm nhũng, tiêu cực, xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản thu nhập; xử lý, ngăn chặn tình trạng "tham nhũng vặt"; triển khai công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực; thực hiện thu hồi triệt để tiền, tài sản tham nhũng về ngân sách nhà nước…
Đối với việc xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, các cấp ủy, chính quyền cần chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiên quyết chuyển cơ quan chức năng xem xét để xử lý hình sự đối với cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu cơ quan đơn vị khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Bên cạnh các biện pháp xử lý nghiêm minh và kịp thời, cũng cần sự phối hợp giữa các biện pháp hành chính và các biện pháp tư pháp để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng qua các biện pháp thi hành án; triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra tại Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
- Đơn vị thực hiện: Các sở, ban, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
(3) Thanh tra tỉnh chủ trì, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế công tác đánh giá PCTN cấp tỉnh năm 2022 của UBND tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác đánh giá PCTN cấp tỉnh trong những năm tiếp theo; tiến hành đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị và địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ tại Kế hoạch PCTN, tiêu cực hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh; tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo đánh giá công tác PCTN hàng năm để báo cáo Thanh tra Chính phủ. Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố. Thời gian thực hiện: Trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
(4) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành để triển khai thực hiện pháp luật về PCTN, tiêu cực. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN, tiêu cực trong phạm vi quản lý ngành. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN, tiêu cực kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố. Thời gian thực hiện: Trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
(5) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của UBND tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCTN, tiêu cực bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm và tình hình cụ thể, bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Trung ương và của Tỉnh. Tiếp tục tham mưu việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước. Đơn vị phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố. Thời gian thực hiện: Trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
(6) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh và đánh giá kết quả cải cách hành chính hàng năm đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; thường xuyên kiểm tra việc công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và chỉ đạo việc xử lý kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kỷ luật hành chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng. Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố. Thời gian thực hiện: Trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
(7) Sở Tài chính chủ trì, hướng dẫn thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, mua sắm tài sản công... Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ, định mức, tiêu chuẩn; việc thực hiện công khai, minh bạch trong bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác để kịp thời phát hiện và báo cáo UBND tỉnh xử lý các trường hợp vi phạm; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, tài sản công, việc thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh. Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố. Thời gian thực hiện: Trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
(8) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ quy định của pháp luật về đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện việc công khai minh bạch về lĩnh vực đầu tư công theo quy định. Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố. Thời gian thực hiện: Trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
(9) Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa chủ trì, công khai danh sách các Tổ chức tín dụng; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các tổ chức tín dụng theo quy định tại các Điều 53, 54, 55 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ thực hiện công tác PCTN, tiêu cực tại đơn vị mình theo đúng quy định pháp luật. Thời gian thực hiện: Trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
(10) Đề nghị Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh: Trên cơ sở chức, nhiệm vụ, tăng cường phối hợp trong công tác PCTN; chú trọng việc phát hiện và xử lý đối với hành vi tham nhũng, tội phạm kinh tế, chức vụ theo Kết luận số 50-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án tham nhũng, tập trung truy xét, thu hồi tài sản cho Nhà nước; nâng cao hiệu quả tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm liên quan đến tham nhũng và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự. Phối hợp với Thanh tra tỉnh thực hiện công tác đánh giá, chấm điểm xếp loại công tác PCTN của tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo ở một số nội dung, gồm: (i) Công an tỉnh chủ trì tham mưu đánh giá kết quả điều tra tội phạm tham nhũng; (ii) Viện Kiểm sát nhân tỉnh chủ trì tham mưu đánh giá kết quả truy tố tội phạm tham nhũng; (iii) Tòa án nhân dân tỉnh chủ trì tham mưu đánh giá kết quả xét xử tội phạm tham nhũng; (iv) Cục thi hành án Dân sự tỉnh chủ trì tham mưu đánh giá kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua thi hành án. Thời gian thực hiện: Trong năm 2024 và các năm tiếp theo.