(Thanhhoa.dcs.vn): Thời gian vừa qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Quan Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Đề án “Giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa bàn các xã biên giới tỉnh Thanh Hóa” năm 2022 (gọi tắt là Đề án 5017), đạt kết quả quan trọng.

Hiền Kiệt là xã biên giới nằm ở phía Tây huyện Quan Hóa với 3,796 km đường biên giới, tiếp giáp với bản Hin Đăm, cụm Nặm Ngà, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Có diện tích 6.199,17 ha, gồm 07 bản, tổng dân số 890 hộ/4.148 khẩu, gồm 02 dân tộc chính sinh sống là Thái và Kinh, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 97% dân số; địa bàn không có cửa khẩu, lối mở qua lại 2 bên biên giới, đời sống kinh tế nhân dân chủ yếu làm ruộng, nương rẫy, khai thác lâm sản phụ và buôn bán hàng tiêu dùng nhỏ lẻ. Tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn xã biên giới Hiền Kiệt có những chuyển biến nhất định, tuy nhiên còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của xã hội. Cơ sở hạ tầng và giao thông đi lại, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, trình độ dân trí thấp, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Là địa bàn có điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi cho ma túy và tội phạm len lỏi xâm nhập, tồn tại nhưng lại khó khăn trong công tác phát hiện, đấu tranh ngăn chặn.

Thực hiện các Chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Chương trình, Quyết định, Đề án của Chính phủ và UBND tỉnh Thanh Hóa về đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, lây nhiễm HIV/AIDS. Huyện ủy, UBND huyện Quan Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy.

Qua chỉ đạo lực lượng chức năng nắm tình hình địa bàn phía ngoại biên, hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn ra, tập trung ở các bản Khằm Nàng, Na Hàm, cụm Nặm Ngà, huyện Viêng Xay - tỉnh Hủa Phăn (Lào). Các địa bàn trên cung cấp nguồn ma tuý chủ yếu cho các đối tượng người Mông ở các xã Nhi Sơn, Trung Lý- huyện Mường Lát; ngoài ra còn có các đối tượng từ nội địa nước ta móc nối với số đối tượng người Mông ở địa bàn nói trên để mua hoặc trực tiếp sang mua, sau đó vận chuyển theo tuyến đường Quốc lộ 15C, Quốc lộ 16 qua địa bàn xã Hiền Kiệt xuống Quan Hoá, Quan Sơn vào nội địa để tiêu thụ. Mặt khác, do nhận thức pháp luật của nhân dân khu vực biên giới, tập trung chủ yếu ở các bản người Mông phía Bạn còn hạn chế, xem việc trồng cây có chứa chất ma túy và việc tàng trữ, sử dụng ma túy như tập quán lâu năm; công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phía Bạn chưa thực sự quyết liệt, triệt để nên tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp.

Địa bàn xã Hiền Kiệt không có cửa khẩu, lối mở qua lại hai bên biên giới, do vậy trong thời gian qua chưa phát hiện hoạt động tội phạm ma túy từ các bản ngoại biên đối diện tác động, thẩm lậu trực tiếp qua biên giới huyện Quan Hóa vào địa bàn. Song với tính chất, đặc điểm địa bàn xã Hiền Kiệt được xác định là cửa ngõ để các đường dây, đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy từ nơi khác qua địa bàn đưa đi tiêu thụ, như: Từ các bản ngoại biên (Khằm Nàng, Na Hàm), cụm Nặm Ngà, huyện Viêng Xay (Lào), các đối tượng vận chuyển qua biên giới vào huyện Mường Lát sau đó đi theo tuyến Quốc lộ 15C qua xã Hiền Kiệt để vào nội địa; từ các xã Na Mèo, Sơn Thủy, huyện Quan Sơn đi theo Quốc lộ 16 (đường vành đai) vận chuyển ma túy qua xã Hiền Kiệt và vào nội địa; tập trung vào số đối tượng ở nội địa lên móc nối với đối tượng ở các xã Trung Lý, Pù Nhi thuộc huyện Mường Lát và địa bàn ngoại biên hình thành các đường dây để mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào qua địa bàn huyện Mường Lát và xã Hiền Kiệt đưa sâu vào nội địa tiêu thụ.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, manh động, khó lường và thường xuyên thay đổi nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Loại ma túy các đối tượng thường mua bán, sử dụng là Heroin và Hồng phiến (ma túy tổng hợp); giá bán thường dao động từ 100.000VNĐ đến 150.000VNĐ/01 tép Heroin; 30.000VNĐ đến 50.000VNĐ/01 viên Hồng phiến, tùy vào số lượng và chất lượng ma túy. Tình hình tệ nạn ma túy, HIV/AIDS, trên địa bàn xã Hiền Kiệt hiện có 01 người nghiện và 16 người nhiễm HIV/AIDS.

Năm 2023, trên địa bàn xã Hiền Kiệt do làm tốt công tác tuyên truyền, công tác phòng ngừa nên đã hạn chế vụ việc vi phạm pháp luật ra xảy ra, cụ thể: Trong năm xảy ra 05 vụ/10 đối tượng, trong đó Đồn Biên phòng Hiền Kiệt xử lý 04/09 đối tượng về hành vi tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép, vào khu vực biên giới không đăng ký lưu trú và phối hợp với Công an xã Hiền Kiệt xử lý 01 vụ/01 đối tượng có hành vi đánh người gây thương tích. Các vụ việc xảy ra các đơn vị đã chủ động phối hợp giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài.

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác đối ngoại Biên phòng năm 2023, Đồn Biên phòng Hiền Kiệt và Chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới của Bạn thường xuyên tổ chức các đoàn công tác gặp gỡ, trao đổi tình hình giữa hai bên và tặng qùa chúc mừng nhân dịp ngày lễ, tết, truyền thống và các sự kiện trọng đại của 2 nước, cụ thể: Ta thăm, chúc mừng Bạn 06 lần, trị giá quà tặng trên 95 triệu đồng. Bạn thăm, chúc mừng ta 04 lần, giá trị quà tặng hơn 04 triệu đồng; tổ chức tuần tra song phương được 05 đợt/120 lượt người tham gia; qua công tác nắm tình hình và tổ chức tuần tra, kiểm soát đường biên, mốc quốc giới còn nguyên trạng, không phát hiện hoạt động xâm canh, xâm cư, vi phạm quy chế biên giới. Nhân dân hai bên biên giới chấp hành nghiêm hiệp định về quy chế biên giới. Qua các lần gặp gỡ hai bên đã trao đổi tình hình và thống nhất một số nội dung, nhiệm vụ trong thời gian tới có liên quan đến công tác bảo vệ ANBG giữa 2 bên. Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện Chương trình nâng bước em tới trường do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, hiện Đồn Biên phòng Hiền Kiệt đang đỡ đầu, giúp đỡ 01 học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học tại bản Hin Đăm (Lào), mỗi tháng 500.000đ. Qua hoạt động công tác đối ngoại Biên phòng luôn được chính quyền địa phương và lực lượng bảo vệ biên giới đối diện ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, trách nhiệm trong kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án của các thành viên Ban chỉ đạo Đề án có mặt còn hạn chế. Công tác phối hợp, triển khai thực hiện kế hoạch Đề án của một số cơ quan, đơn vị chưa được chú trọng dẫn đến hiệu quả công tác, đặc biệt là công tác tuyên truyền có thời điểm chưa được đồng bộ, phương pháp tuyên truyền phổ biến đến từng người dân, để dân nghe, dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật có thời điểm còn chưa tập trung, hiệu quả, nhất là những địa bàn còn xa, đi lại khó khăn, nơi trình độ dân trí thấp. Nhận thức pháp luật, hiểu biết về hậu quả, tác hại về tội phạm và tệ nạn ma túy của một bộ phận quần chúng nhân dân còn hạn chế, đời sống kinh tế khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện Đề án. Kinh phí đảm bảo cho thực hiện Đề án còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình hiện nay...

(Lê Đức Hùng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)