(Thanhhoa.dcs.vn): Trong năm 2023, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, đạt một số kết quả tích cực.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được quan tâm; đã phát 972 tin bài về chuyển đổi số trên hệ thống truyền thanh của thành phố và phường xã;  đăng 884 tin bài tuyên truyền hướng dẫn, phổ biến về công tác chuyển đổi số trên Trang Thông tin điện tử thành phố và các phường, xã. UBND thành phố phối hợp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số trực tuyến cho 1.895 cán bộ, công chức của 34 phường, xã. Tập trung triển khai xây dựng và nhân rộng Mô hình “3 không” (gồm: không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công; không dùng tiền mặt trong một số các dịch vụ thiết yếu; không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền); đến nay, có 28/34 phường, xã đã triển khai, tập huấn đến Ban chỉ đạo chuyển đổi số phường, xã và các Tổ công nghệ số cộng đồng.

Thành phố Thanh Hóa là đơn vị hành chính có hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và viễn thông có chất lượng cao, đồng bộ và hiện đại, với nhiều tiện ích tiên tiến nhất so với các địa phương trong tỉnh.Mạng cáp quang băng thông rộng đã được được triển khai rộng khắp đến 100% các phường, xã đến. Hạ tầng mạng thông tin di động được phủ sóng đến 100% trung tâm các phường, xã tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 100%. Việc triển khai diện rộng các trạm BTS công nghệ băng rộng di động 3G, 4G tới 100% dân cư đã đảm bảo mức độ sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Đảng, nhà nước và nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet chất lượng cao của các doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn.

Hạ tầng kỹ thuật CNTT trên địa bàn thành phố Thanh Hóa được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng việc ứng dụng CNTT, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố; đảm bảo cung cấp dịch vụ, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Các trang thiết bị và hạ tầng CNTT của thành phố và phường, xã đảm bảo an toàn thông tin, kết nối ổn định, thông suốt; 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy vi tính; 100% các đơn vị đã có mạng LAN, các máy tính được kết nối mạng Internet băng thông rộng phục vụ công tác chuyên môn. Hệ thống Hội nghị truyền hình: Hiện có 37 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến (02 điểm cầu thành phố; 34 điểm cầu tại UBND phường, xã; một số các phường, xã đã triển khai các điểm cầu 1 chiều cấp phố, thôn) phát huy hiệu quả, tạo môi trường hội họp hiện đại, thuận tiện, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, đảm bảo triển khai các cuộc họp nhanh chóng, nhất là trong các tình huống khẩn cấp như phòng chống dịch bệnh, bão lụt, thiên tai....

Các dữ liệu số trên địa bàn Thành phố đã và đang thực hiện theo chủ trương của Trung ương, các bộ ban ngành và của tỉnh như: định danh điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, BHYT, địa chỉ số, đất đai…Đối với hoạt động của Cơ quan Nhà nước: 100% các TTHC đã được niêm yết công khai trên các trang thông tin điện tử thành phố và Trang thông tin điện tử của phường, xã. Tình hình ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tại thành phố dưới dạng số hoá dữ liệu gồm có: 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định) được thực hiện trên môi trường mạng; Tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt trên 100%; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố.

Việc triển khai các nền tảng số trên địa bàn thành phố Thanh Hóa được thực hiện theo định hướng của UBND tỉnh, các hệ thống nền tảng đang được ứng dụng trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố phục vụ cho phát triển Chính quyền điện tử trên địa bàn như: Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc (TD Office); Hệ thống một cửa điện tử thành phố, hệ thống một cửa phường, xã liên kết với Cổng Dịch vụ công của tỉnh, Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Hệ thống Hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp; Hệ thống trang Thông tin điện tử thành phố, trang Thông tin điện tử phường, xã; Hệ thống Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ trong kiểm soát thủ tục hành chính; Hệ thống báo cáo tổng hợp của Thanh tra Chính phủ....

Hiện nay, tại thành phố và các phường, xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của thành phố và Ban chỉ đạo chuyển đổi số 34 phường, xã (560 thành viên); mỗi ban chỉ đạo có từ 10-15 thành viên; toàn Thành phố đã thành lập 311 Tổ công nghệ số cộng đồng với 1508 thành viên tham gia. UBND thành phố Thanh Hóa đã tổ chức 03 lớp tập huấn về Chuyển đổi số, kỹ năng số cho đối tượng là cán bộ lãnh đạo Chính quyền, Đoàn thanh niên và các đoàn thể thành phố và 46 lớp tổ chức cho Ban chỉ đạo chuyển đổi số các phường xã và các cán bộ trực tiếp làm công tác chuyển đổi số cấp xã và 311 tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương (Trong đó có 19 lớp tập huấn về chuyển đổi số và 28 lớp tập huấn và mô hình “3 KHÔNG”), ngoài ra các phường, xã tiếp tục phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng,…. Phối hợp với Viễn thông Thanh Hóa tổ chức cho hơn 500 đoàn viên Thanh niên tập huấn, nâng cao nhận thức Chuyển đổi số, Kỹ năng số.

Với mục tiêu xây dựng Chính quyền số để dẫn dắt chuyển đối số trên địa bàn thành phố, trong năm 2023 các cấp lãnh đạo đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển chính quyền số. Đến nay, 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố Thanh Hoá được kết nối, sử dụng Hệ thống TD-Office phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. 100% cán bộ, công chức đã thực hiện tiếp nhận, luân chuyển, xử lý văn bản đi/đến, dự thảo, xin ý kiến, trình duyệt, ký số, phát hành văn bản trên phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; 100% văn bản và hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạng. Tổng số lượt văn bản trao đổi, xử lý trên môi trường điện tử năm 2023 là 342.558 văn bản (215.558 văn bản đến; 126.618 văn bản đi); tỷ lệ văn bản được ký số đạt 100% giúp cho hoạt động của cơ quan, phòng, ban, đơn vị công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước; 100% cán bộ, công chức tại phòng chuyên môn thành phố đã được cấp tài khoản thư công vụ của tỉnh; 100% sử dụng thư điện tử công vụ trong giải quyết công việc hàng ngày.

Về kinh tế số, các cơ quan chức năng đã hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử voso.vn, postmart.vn, trong đó đã hỗ trợ 23/23 sản phẩm OCOP đã đưa lên sàn thương mại điện tử. Một số cơ sở (như các phường: Điện Biên, Trường Thi, Đông Vệ, Đông Sơn, Quảng Thắng, Lam Sơn, Quảng Thịnh, Đông Hương) đã tổ chức triển khai xây dựng mô hình "Chợ 4.0" - hộ kinh doanh thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn các hộ tiểu thương cách tạo mã QR code, hướng dẫn nhân dân cách thanh toán không dùng tiền mặt bằng Smart banking, Mobile money,…

Trong thời gian tới, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp Đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Tuyên truyền các văn bản từ Trung ương đến địa phương về phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử, đặc biệt là các chủ trương của tỉnh, của thành phố.

Hai là, phát triển mô hình kết hợp giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; tăng cường phối hợp với Viễn thông Thanh Hóa, Viettel Thanh Hoá theo văn bản thảo thuận hợp tác đã được ký kết về phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố như: vận hành khai thác Trang thông tin điện tử Thành phố, Trang thông tin điện tử các phường, xã; Hệ thống phòng họp không giấy VNPT-e Cabinet, hỗ trợ trong triển khai chuyển đổi số trên địa bàn... - Phát triển hạ tầng viễn thông đồng bộ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông, CNTT và các hạ tầng khác cho thành phố - Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn đáp ứng yêu cầu; xây dựng hạ tầng quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật dùng chung; mạng lưới giao thông, cấp điện, nước, viễn thông - công nghệ thông tin.

Ba là, nghiên cứu, hợp tác để ứng dụng hiệu quả các công nghệ Triển khai nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, các giải pháp tích hợp, sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử trên cơ sở các danh mục sản phẩm ứng dụng CNTT được Bộ Thông tin và Truyền Thông, UBND tỉnh hướng dẫn sử dụng và được triển khai ứng dụng tại các cơ quan nhà nước của tỉnh Thanh Hóa.

Bốn là, đẩy mạnh thu hút nguồn lực CNTT - Tăng cường phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp Viễn thông, Công nghệ thông tin bồi dưỡng kỹ năng nâng cao, chuyên sâu về Chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức. - Sử dụng cán bộ, công chức có năng lực, cống hiến, công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nghiên cứu mở các lớp tập huấn, đào tạo nhân lực cán bộ công nghệ thông tin; các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công chức, viên chức trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước theo lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

(Lê Đức Hùng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)