(Thanhhoa.dcs.vn): Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 27/3/2023 về tiếp tục tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Mục đích nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh khiếu kiện; đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật; tiếp nhận, kịp thời xử lý, giải quyết vụ việc, hạn chế tối đa khiếu kiện phức tạp, đông người, vượt cấp trước, trong và sau thời gian diễn ra các kỳ họp của Trung ương Đảng khóa XIII, Quốc hội khóa XV, các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh và Thủ đô Hà Nội. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, nhất là các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh, địa điểm tiếp công dân của các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND cấp xã, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân định kỳ, phát huy hiệu quả công tác tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp công dân định kỳ đầy đủ theo đúng quy định kể từ năm 2023; phát hiện những thiếu sót, tồn tại trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời chấn chỉnh, xử lý.

Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: (1) Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chấp hành nghiêm việc tiếp công dân theo quy định, duy trì thực hiện tốt công tác tiếp công dân đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Trụ sở Tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân các cấp, các ngành; ngoài việc tiếp công dân cần làm tốt công tác dân vận, giải đáp, hướng dẫn, tuyên truyền để công dân hiểu đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. (2) Tập trung chỉ đạo tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, gắn công tác tiếp công dân với xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện đúng trình tự, thủ tục, xác minh đầy đủ, chính xác, khách quan, áp dụng đúng pháp luật; tăng cường tiếp, đối thoại với công dân ngay từ khi phát sinh vụ việc, nhất là các vụ khiếu kiện phức tạp, đông người, vượt cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự để kịp thời xử lý, giải quyết dứt điểm vụ việc thuộc thẩm quyền, đảm bảo khách quan, đúng quy định của pháp luật, không để vụ việc diễn biến phức tạp; phát huy tối đa hiệu quả việc đối thoại và xem xét, vận dụng chính sách pháp luật, giải quyết thấu tình, đạt lý để chấm dứt vụ việc; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, văn bản xử lý tố cáo, các kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật. Những vụ việc đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng phát sinh tình tiết mới, công dân tiếp tục gửi đơn hoặc khi cơ quan thẩm quyền phát hiện việc giải quyết chưa thấu tình, đạt lý thì phải chủ động kiểm tra, rà soát lại vụ việc để xem xét, giải quyết đảm bảo quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, công dân, khách quan, đúng quy định. (3) Tiếp tục phát huy những ưu điểm, kết quả, thành tích đã đạt được, đồng thời khẩn trương rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện nghiêm các nội dung kiến nghị, kết luận, chỉ đạo tại các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường thanh tra, kiểm tra về quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng; khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, cụ thể làm phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến quản lý vận hành nhà chung cư, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng… ; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, khiếu kiện nhằm hạn chế tham nhũng, khiếu kiện. (4) Lập danh sách và xây dựng kế hoạch rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, các vụ đông người, phức tạp, kéo dài, nổi cộm, bức xúc trong xã hội được cử tri và nhân dân quan tâm, nhất là các vụ việc công dân thường xuyên tập trung khiếu kiện lên tỉnh, ra Trung ương hoặc đến nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh. (5) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và pháp luật về đất đai…, nhất là những nơi đang triển khai các dự án liên quan đến việc thu hồi đất nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, hiểu biết pháp luật của cán bộ, công chức và nhận thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân. (6) Rà soát, thống kê, làm rõ trách nhiệm và có biện pháp khắc phục những bất cập, hạn chế, sai sót trong thi hành Luật Khiếu nại đã được chỉ ra (nếu có); tổng hợp, báo cáo Thanh tra Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh. (7) Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai công tác kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy cơ quan làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đảm bảo đúng quy định, phù hợp thực tế; đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, tuyển chọn cán bộ, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, phù hợp với điều kiện thực tiễn và đặc thù công tác đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả, chất lượng chuyên môn theo hướng chuyên nghiệp và ổn định. (8) Chủ động, thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa địa phương với các cơ quan Trung ương; giữa các cơ quan hành chính với cơ quan tư pháp; giữa các cơ quan tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo, trao đổi, cung cấp thông tin, kết quả giải quyết vụ việc; chủ động phòng ngừa, xử lý các tình huống phức tạp, kịp thời phát hiện sớm những điểm, những nơi phát sinh khiếu kiện đông người, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự để kịp thời kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền có biện pháp xử lý dứt điểm vụ việc, ngăn chặn việc lợi dụng khiếu kiện để kích động, lôi kéo gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và không để phát sinh “điểm nóng”. (9) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo việc thực hiện kết quả rà soát, giải quyết các vụ đông người, phức tạp, kéo dài, tiếp tục tham mưu thực hiện việc kiểm tra, rà soát theo Quyết định 1489/QĐ-TTg ngày 17/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 và các văn bản chỉ đạo  của Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh; phân loại, cập nhật thông tin, dữ liệu kết quả rà soát vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh  (10) Tổ chức rà soát các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để hướng dẫn thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, tránh mâu thuẫn, chồng chéo; đánh giá lại các văn bản của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh quy định về quy trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (nếu có) để đảm bảo thống nhất, phù hợp với thực tiễn; tập trung đánh giá các quy định về tổ chức tiếp công dân của người đứng đầu, mô hình tiếp công dân của Ban Tiếp công dân, việc tiếp công dân trực tuyến, báo cáo Thanh tra Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét, xử lý những khó khăn, vướng mắc, hạn chế (nếu có) hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. (11) Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc chấp hành, thực hiện quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém; đồng thời, đánh giá, làm rõ trách nhiệm, sai phạm (nếu có) của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các tập thể, cá nhân, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh, người có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện. Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Tiếp công dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị; tổng hợp, báo cáo Thanh tra Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/5/2023.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)