(Thanhhoa.dcs.vn): Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của từng địa phương, đơn vị.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh tới cơ sở. UBND tỉnh đã kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá; ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột, gồm: xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số. Tại 48/48 sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện; đặc biệt có 03 ban thường vụ cấp ủy cấp huyện đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chuyển đổi số của địa phương. 20/20 sở, ban, ngành thành lập Tổ giúp việc chuyển đổi số và 27/27 UBND cấp huyện thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số; toàn tỉnh thành lập 4.233 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 14.500 thành viên, có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, khu phố.
Hạ tầng số trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, bảo đảm dòng chảy dữ liệu liên tục, thông suốt, tốc độ cao giữa các thực thể trong nền kinh tế số, chính quyền số, xã hội số. Đến nay, mạng di động băng rộng 3G, 4G phủ sóng trên 99,7% dân cư; toàn tỉnh có trên 2,36 triệu thuê bao Internet băng rộng, đạt mật độ 64,3 thuê bao/100 dân, đạt chỉ tiêu đề ra; 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị trực thuộc cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện kết nối đường truyền Internet tốc độ cao và triển khai sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử được đẩy mạnh. Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện xử lý công việc trên môi trường điện tử; chữ ký số được triển khai tới 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị sự nghiệp. Văn bản điện tử thay thế văn bản giấy, tạo môi trường làm việc hiện đại, công khai, tiết kiệm; trong năm 2022, có trên 3,4 triệu lượt văn bản điện tử trao đổi, xử lý trên hệ thống, tỷ lệ ký số cá nhân đạt 98,72%, ký số cơ quan đạt 99,07%. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan đảng, đoàn thể được quan tâm, kết nối liên thông với chính quyền, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối đến tất cả UBND cấp huyện, cấp xã. Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, 48 trang thông tin điện tử của các cơ quan hành chính nhà nước và 559/559 UBND cấp xã hoạt động ổn định, cung cấp thông tin tình hình hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ các dịch vụ công cho người dân.
Chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực được quan tâm, triển khai nhiều nền tảng, ứng dụng, cơ sở dữ liệu phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh cung cấp 732 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 205 dịch vụ công trực tuyến một phần; từ đầu năm 2022 đến ngày 30/3/2023, Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa của tỉnh đã tiếp nhận gần 1,1 triệu hồ sơ; giải quyết đúng và trước hạn đạt 98%. Phần mềm Phản hồi Thanh Hóa đã tiếp nhận, xử lý 1.208 phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân; các cơ quan, đơn vị được giao xử lý đã giải quyết, công khai trả lời công dân đúng hạn đạt trên 94%.
Kinh tế số từng bước phát triển sâu rộng, đến nay, 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai việc sử dụng và thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế, an sinh xã hội; hỗ trợ trên 650.600 tài khoản thanh toán các dịch vụ thiết yếu không dùng tiền mặt. Đến nay, 100% các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử và thực hiện khai báo, nộp thuế thông qua phần mềm Etax Mobile. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; đến nay, toàn tỉnh đã có 70 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử voso.vn, postmart.vn và 712 sản phẩm đưa lên Cổng kết nối cung cầu nông sản an toàn tỉnh Thanh Hóa; cung cấp trên 58.500 tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng của các địa phương.
Xã hội số tiếp tục có chuyển biến tích cực. Các cơ sở giáo dục phổ thông đã chủ động, linh hoạt triển khai hiệu quả hình thức dạy học trực tuyến, xây dựng các bài giảng điện tử đưa vào kho dữ liệu dùng chung toàn ngành, phục vụ đổi mới phương pháp dạy học; 100% học sinh lớp 12 có tài khoản đăng ký thi trên hệ thống thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có trên 330.000 hồ sơ người có công được số hóa thông tin (đạt 100%), phục vụ tra cứu thông tin, giải quyết các chế độ, chính sách; kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin của gần 70.000 người cao tuổi, trên 60.000 người có công, trên 67.000 hộ nghèo và trên 86.000 hộ cận nghèo. 100% bệnh viện tuyến huyện kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương; đẩy mạnh sử dụng thẻ CCCD trong khám chữa bệnh, thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT giấy tại 671/673 cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh trên địa bàn.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, việc thực hiện chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như: Nhận thức và trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số của một số cấp ủy, chính quyền, đơn vị, doanh nghiệp và một bộ phận Nhân dân còn hạn chế, một số đơn vị còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện; một số thôn, bản chưa có hạ tầng băng rộng; tỷ lệ thuê bao băng rộng còn thấp; nhân lực hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế số tại các huyện còn thiếu; mức độ tiếp cận, sử dụng công nghệ số của người dân chưa đồng đều, còn có sự chênh lệnh lớn giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền núi; kỹ năng số của người dân chưa cao, mới chỉ tập trung chủ yếu ở giới trẻ; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chưa đồng bộ...
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU; cụ thể hóa, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ hằng năm và cả giai đoạn đến năm 2030 của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị, bảo đảm thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, chú trọng xây dựng chính quyền điện tử, hình thành chính quyền số để dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng các đô thị thông minh.
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể để đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh.
Thứ hai, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia các nhiệm vụ chuyển đổi số; hướng dẫn, phổ biến tới đông đảo người dân kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số, nhất là việc ứng dụng các công cụ số trong sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống hằng ngày.
Thứ ba, tập trung huy động, bố trí các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng số, nhất là nguồn lực xã hội hóa để thực hiện chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức tham mưu công tác chuyển đổi số cho cấp ủy, chính quyền.
Thứ tư, có giải pháp và lộ trình phù hợp, từng bước phát triển kinh tế số để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm, các doanh nghiệp và nền kinh tế của tỉnh; phát triển xã hội số, góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, tiến bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Thứ năm, tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo mật thông tin trong thực hiện chuyển đổi số, trong đó tập trung xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan đảng, nhà nước trên địa bàn tỉnh./.