(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6160/UBND-NN về việc triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2022-2025 tỉnh Thanh Hóa trong năm 2023, Sở Xây dựng vừa có Công văn 3149/SXD-QLCL hướng dẫn các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các phường, xã, thị trấn, các cơ quan, tổ chức, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung để tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó trong mùa mưa bão năm 2023; cụ thể như sau:
1. Công tác phân loại nhà ở, công trình hạ tầng và công tác chằng chống nhà cửa khi xảy ra bão mạnh - rất mạnh:
Đối với các công trình nhà hiện hữu, thiết kế và thi công tuân thủ các tiêu chuẩn và các quy định về quản lý xây dựng của Nhà nước (Nhà theo tiêu chuẩn), khi cấp bão lớn hơn cấp thiết kế cần có biện pháp phòng chống và gia cố, đặc biệt đối với các kết cấu bao che và kết cấu mái, trong trường hợp cần thiết cần tiến hành di dân đến nơi trú ngụ an toàn.
Đối với các công trình nhà hiện hữu, không được thiết kế và thi công theo các tiêu chuẩn và các quy định về quản lý xây dựng của Nhà nước (Nhà phi tiêu chuẩn), thực hiện phân loại, hướng dẫn Nhà an toàn theo cấp bão như sau:
- Nhà kiên cố (là nhà có ba kết cấu chính cột, mái, tường đều được làm bằng vật liệu bền chắc): Nằm riêng lẻ ở vị trí trống trải, ven sông, ven biển chịu được bão đến cấp 10, khi xảy ra bão đến cấp 11 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 11, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn. Nhà kiên cố xây dựng thành cụm, ở vị trí có che chắn chịu được bão đến cấp 11, khi xảy ra bão đến cấp 12 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà, khi bão trên cấp 12, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn.
- Nhà bán kiên cố (là nhà có hai trong ba kết cấu chính cột, mái, tường đều được làm bằng vật liệu bền chắc): Nằm riêng lẻ ở vị trí trống trải, ven sông, ven biển chịu được bão đến cấp 8, khi xảy ra bão từ cấp 9 đến cấp 10 cần có biện pháp 3338 22/05/2023 phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 10, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn. Nhà bán kiên cố xây dựng thành cụm, ở vị trí có che chắn chịu được bão đến cấp 9, khi xảy ra bão từ cấp 10 đến cấp 11 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 11, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn.
- Nhà thiếu kiên cố (là nhà có một trong ba kết cấu chính cột, mái, tường đều được làm bằng vật liệu bền chắc): Nằm riêng lẻ ở vị trí trống trải, ven sông, ven biển chịu được bão đến cấp 7, khi xảy ra bão từ cấp 8 đến cấp 9 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 9, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn. Nhà thiếu kiên cố xây dựng thành cụm, ở vị trí có che chắn chịu được bão đến cấp 8, khi xảy ra bão từ cấp 9 đến cấp 10 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 10, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn;
- Nhà đơn sơ (là nhà có cả ba kết cấu chính cột, mái, tường đều được làm bằng vật liệu không bền chắc): Nằm riêng lẻ ở vị trí trống trải, ven sông, ven biển chịu được bão đến cấp 6, khi xảy ra bão từ cấp 7 đến cấp 8 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 8, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn. Nhà đơn sơ xây dựng thành cụm ở vị trí có che chắn chịu được bão đến cấp 7, khi xảy ra bão từ cấp 8 đến cấp 9 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 9, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn.
Đối với các công trình có kết cấu chịu lực chính được thiết kế và thi công tuân thủ các tiêu chuẩn nhưng các kết cấu mái, tường làm bằng tôn, fibro xi măng hoặc các vật liệu tương tự không được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn (Các loại nhà khác), khi cấp bão lớn hơn cấp bão trong giới hạn thiết kế kết cấu cần có biện pháp chống gia cố, với cấp bão từ cấp 8 đến 9 trở lên phải có biện pháp phòng chống và gia cố chống sập đổ và tốc mái đối với các kết cấu bao che và kết cấu mái. Trong trường hợp cần thiết cần tiến hành di dân đến nơi trú ngụ an toàn.
2. Về tuyên truyền, hướng dẫn: Sở Xây dựng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến sâu rộng một số biện pháp, phòng, tránh, ứng phó thiên tai trên địa bàn đến mọi người dân trên địa bàn, nhất là các hộ dân đang sinh sống trên các khu vực xung yếu, vùng thấp trũng, ven sông, ven biển, trong những căn nhà đơn sơ không đảm bảo an toàn, ngư dân hoạt động nghề cá... giúp cho người dân, cơ quan, tổ chức tham khảo để chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra.
3. Công tác đảm bảo an toàn cho các nhà, xưởng, chung cư cũ xuống cấp khi xảy ra bão mạnh - rất mạnh: Chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý công trình tổ chức thực hiện bảo trì công trình tổ chức đánh giá định kỳ về an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình trong quá trình khai thác, sử dụng đối với các công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng. Khi cấp bão lớn cần có biện pháp phòng chống và gia cố, đặc biệt đối với các kết cấu bao che, kết cấu mái, các thiết bị lắp đặt bên ngoài công trình (như bồn nước, dàn nóng máy lạnh, cột ăng-ten, kim thu sét...).
4. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện đảm bảo an toàn thi công xây dựng, lắp đặt, sử dụng giàn giáo, đà giáo cốt pha, vận hành cần trục tại các công trình: UBND các huyện, thị xã, thành phố các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư tăng cường tổ chức kiểm tra việc thực hiện đảm bảo an toàn thi công xây dựng tại các công trình xây dựng được phân công quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về lắp đặt, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn cần có biện pháp đảm bảo an toàn đối với các cần trục tháp, trường hợp không đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận, cần tổ chức tháo dỡ kịp thời để đảm bảo an toàn.
Các chủ đầu tư, nhà thầu khi thi công khi lắp đặt, sử dụng giàn giáo phải có thiết kế, nghiệm thu, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu theo tiêu chuẩn TCXDVN 296:2004; khi lắp đặt cốt pha và đà giáo trong thi công các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép toàn khối phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu theo tiêu chuẩn TCVN 4453:1995 để thiết kế, kiểm tra và nghiệm thu.