(Thanhhoa.dcs.vn): Trong giai đoạn 2013 - 2023, công tác phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, góp phần giảm nhẹ các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, nhất là những địa bàn thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Năng lực chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh được nâng lên; đã tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; trong đó, đã nghiên cứu, chọn tạo thành công 12 giống lúa, 06 giống mía mới bổ sung vào cơ cấu giống lúa chủ lực, phục tráng một số cây trồng đặc sản và du nhập các giống cây trồng mới... Tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho những người dân vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai, có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; rà soát, cập nhật, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai với phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng”, bảo đảm phòng, chống, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả.

Công tác đầu tư nâng cấp các công trình phòng hộ, nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường; đã hoàn thành sửa chữa, nâng cấp 10,7 km đê biển, 435,5 km đê sông và 312 cống dưới đê; xây dựng mới 208 hồ chứa, 115 đập dâng, 93 trạm bơm, 250 tuyến kênh các loại. Ngoài ra, đã đẩy mạnh việc trồng rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển, rừng ngập mặn kết hợp với phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, nâng diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn lên 153.856,47 ha, rừng ngập mặn lên 873,55 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2022 đạt 53,6%, tăng 3,55% so với năm 2012.

Tích cực, chủ động thực hiện việc di dời, sắp xếp các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, giai đoạn 2013 - 2020, Tỉnh đã hoàn thành bố trí, sắp xếp ổn định cho 618 hộ dân; giai đoạn 2021 - 2025, đã phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, với mục tiêu sắp xếp ổn định cho 2.846 hộ dân; đến nay, đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng 04/51 khu tái định cư, các hộ dân đang di chuyển đến nơi ở mới; ngoài ra, bố trí tái định cư xen ghép cho 145 hộ dân. Tại khu vực đô thị, đã chủ động triển khai thực hiện các biện pháp chống ngập lụt như: đầu tư dự án Kè chống sạt lở và nạo vét tiêu thoát lũ Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn; dự án Xây dựng hệ thống thoát nước chống ngập úng cho khu vực xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn); dự án Xử lý sạt lở bờ biển Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn…; hoàn thành Bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong trường hợp bão mạnh và siêu bão trên địa bàn tỉnh để có phương án phòng chống ngập lụt cho các đô thị ven biển.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức, đó là: Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường; tình trạng lũ lụt, mưa bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán, xâm nhập mặn… xảy ra rất bất thường, khó dự báo, gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản; việc triển khai thực hiện các dự án về nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nhất là khu vực miền núi và ven biển gặp nhiều khó khăn, một số dự án thực hiện chậm so với kế hoạch; nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận người dân về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế…

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)