(Thanhhoa.dcs.vn): Ngày 27/6/2023, tại Trụ sở cơ quan Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức Hội nghị ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”. Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và phát biểu tại Hội nghị. Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Thanh Hóa xin giới thiệu lược ghi bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại hội nghị.(Ảnh:baothanhhoa.vn)
Nằm ở cực Bắc Trung bộ, cầu nối giữa Bắc bộ với Trung bộ và là vùng Tây Bắc nối dài, điểm dừng chân trên đường hàng hải quốc tế; cửa ngõ thông thương ra biển gần nhất của khu vực phía Tây Tây Bắc và Đông Bắc Lào; Thanh Hóa nằm ở vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng của khu vực và cả nước. Tỉnh có quy mô diện tích đứng thứ 5 cả nước, với trên 11.129 km2, quy mô dân số đứng thứ 3 cả nước, với trên 3,64 triệu người. Thanh Hóa hội tụ đủ 03 vùng địa lý (miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển); trong đó vùng ven biển của tỉnh trải dài trên địa bàn 06 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Quảng Xương với 45 xã, phường giáp biển. Bờ biển Thanh Hóa tương đối phẳng, có dạng cánh cung dài 102km, với nhiều thắng cảnh và bãi biển đẹp, cùng nhiều đảo, cụm đảo và vùng lãnh hải rộng lớn gần 18.000km2, đã làm nên sự phong phú, đa dạng, giàu tiềm năng của biển Thanh Hóa.
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo đối với công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh; trong những năm qua, bên cạnh việc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, đặc biệt là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, Tỉnh đã triển khai lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó xác định vùng không gian biển của tỉnh là vùng không gian đa chức năng, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm quốc phòng, an ninh, duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển của tỉnh và đất nước; tập trung phát triển cảng biển, trọng tâm là Cảng Nghi Sơn gắn với dịch vụ vận tải và logistics; hệ thống cảng tàu thuyền nghề cá gắn với khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển dịch vụ du lịch biển, gắn với phát triển đô thị du lịch, các khu du lịch sinh thái ven biển. Hàng năm, các cấp, các ngành, các địa phương ven biển đều tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam”, “Ngày Đại dương Thế giới”; phát động các phong trào thi đua, cuộc vận động về biển, đảo, như: “Vì Trường Sa thân yêu”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Triệu trái tim hướng về biển đảo Tổ quốc”,...; đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân; trong những năm qua, kinh tế các địa phương khu vực ven biển của tỉnh tăng trưởng với tốc độ cao. Nhiều dự án lớn có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được triển khai thực hiện; trong đó, lớn nhất là Dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đến nay đã đi vào vận hành ổn định, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực ven biển được đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại; bộ mặt đô thị ven biển có nhiều khởi sắc; đời sống người dân ngày càng được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn giữ vững ổn định. Các lực lượng chức năng của tỉnh thường xuyên tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh trật tự, chống khai thác hải sản bất hợp pháp; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và xử lý các tình huống tìm kiếm cứu nạn trên biển...
Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa và Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” là hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong việc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân trên địa bàn tỉnh và lực lượng Cảnh sát biển trong xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn biển, đảo của Tổ quốc và phát triển bền vững biển, đảo; tăng cường tình đoàn kết quân - dân, tạo thuận lợi để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
Để thực hiện thắng lợi Chương trình phối hợp giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa với Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng, các địa phương, nhất là 06 huyện, thị xã, thành phố ven biển tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; trọng tâm là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kế hoạch số 125-KH/TU ngày 15/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và các Đề án của UBND tỉnh về: Tăng cường bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho Nhân dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025; về đảm bảo an ninh trật tự Khu kinh tế Nghi Sơn, giai đoạn 2021 - 2025; về nâng cao năng lực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiêm cứu nạn trên khu vực biên giới, vùng biển tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2030... nhằm khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ biển, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Thứ hai, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của lực lượng Cảnh sát biển, nhất là Vùng Cảnh sát biển 1 thực hiện tốt các nội dung chương trình phối hợp đã ký kết. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở chương trình phối hợp được ký kết hôm nay, từng ngành, từng địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể; trọng tâm là phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, bảo đảm linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, quần chúng nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của biển, đảo và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân,... chấp hành tốt pháp luật trên biển; khai thác hải sản gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển bền vững...
Thứ ba, tiếp tục phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân của tỉnh yên tâm vươn khơi, bám biển; vận động ngư dân tích cực ủng hộ, đăng ký và sẵn sàng đưa tàu thuyền, nhân lực, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam. Tăng cường phối hợp hỗ trợ ngư dân phát triển các đội tàu đánh bắt cá xa bờ, hỗ trợ trong dịch vụ cảng biển và bảo đảm an toàn cho ngư dân đánh bắt trên biển…
Thứ tư, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Quân sự và các lực lượng chức năng của tỉnh chủ động phối hợp trao đổi tình hình về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng biển của tỉnh với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1; thường xuyên tổ chức tuần tra chung trên biển, kịp thời phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển và xử lý các tình huống tìm kiếm cứu nạn trên biển...
Thứ năm, Tỉnh Thanh Hóa luôn đồng hành và phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Chương trình phối hợp. Giao Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan thường trực, phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 xây dựng và triển khai kế hoạch hàng năm. Định kỳ hàng quý, hai bên thông tin kịp thời tình hình và trao đổi những vấn đề liên quan đến kế hoạch phối hợp để cùng thống nhất thực hiện. Những vấn đề đột xuất phát sinh, kịp thời báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam xem xét xử lý...