(Thanhhoa.dcs.vn): Từ năm 2021 đến nay, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện Nông Cống đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp Chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, đạt kết quả tích cực. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm của ngành nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2023 đạt 4,3%; tổng sản lượng lương thực có hạt hằng năm đều đạt trên 125 nghìn tấn, vượt mục tiêu đề ra. Huyện Nông Cống được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí xã nông thôn mới cho 28/28 xã; đã có 5/14 xã nông thôn mới nâng cao; có 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu (xã Trường Sơn).

Đến tháng 6/2023, tổng diện tích tích tụ, tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao trên địa bàn huyện đạt 1.409,7 ha, vượt 40,7% chỉ tiêu đại hội Đảng bộ huyện (trong đó: trồng trọt 738 ha; chăn nuôi 600 ha; thủy sản 71,7ha); diện tích liên kết trong sản xuất đạt trên 3.016,6 ha. Hình thành nhiều mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ từ 1,5 đến 2 lần, làm thay đổi tư duy canh tác nhỏ lẻ, từ truyền thống sang hướng sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với thị trường tiêu thụ. Các mô hình, chuỗi liên kết mang lại giá trị kinh tế cao trong sản xuất trên địa bàn các xã, thị trấn như: mô hình sản xuất liên kết bao tiêu sản phẩm (diện tích 250 ha) sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, giá trị thu nhập từ 150-160 triệu đồng/ha; mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (diện tích 500 ha) sản xuất lúa nếp hương, lúa thuần, giá trị thu nhập từ 130-150 triều đồng/ha; mô hình sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP (diện tích 37 ha), giá trị thu nhập bình quân từ 180-200 triệu đồng/ha/năm; mô hình nhà kính, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao (diện tích 02ha) đạt tiêu chuẩn VietGAP, giá trị thu nhập từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm; mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng tưới nước tiết kiệm, giá trị thu nhập từ 300-380 triệu đồng/ha...

Duy trì, phát triển ổn định các vùng sản xuất tập trung: (1) về trồng trọt: duy trì, nâng cao giá trị vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao với 5.000 ha diện tích gieo trồng; phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung được 290 ha, bằng 48,3% kế hoạch; vùng trồng cây thức ăn chăn nuôi trên 800 ha, bằng 57,1% kế hoạch; vùng thâm canh cói 390 ha. (2) về chăn nuôi: hình thành các chuỗi sản phẩm an toàn, có lợi thế như: chuỗi chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của Công ty TNHH 2 TV thực phẩm nông nhiệp công nghệ cao Yên Mỹ tại xã Yên Mỹ giai đoạn 1, tổng đàn hiện nay là 1.410 con; chăn nuôi vịt an toàn sinh học liên kết với công ty CP tại xã Vạn Thắng quy mô 36.000 con... (3) về thủy sản: phát triển vùng nuôi thủy sản nước lợ 260 ha; nhân rộng các mô hình nuôi tôm, cua nước lợ ứng dụng công nghệ cao với 22 mô hình nuôi trồng thủy sản...

Tuy niên, quá trình thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế như: (1) Trong sản xuất trồng trọt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng dụng công nghệ cao vẫn phổ biến ở hình thức sản xuất nông hộ; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; việc xây dựng thương hiệu, xây dựng mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu, quảng bá sản phẩm còn chậm và ít; các chính sách hỗ trợ sản xuất chưa đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư. (2) Trong sản xuất chăn nuôi: tình hình dịch bệnh trên trâu, bò đã phát sinh một số thời điểm gây thiệt hại lớn; nhiều trang trại, hộ gia đình đã phải dừng chăn nuôi, chuyển đổi hình thức sản xuất nên việc khôi phục sản xuất chăn nuôi gặp khó khăn; tình hình giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và vật tư xây dựng chuồng trại ngày càng tăng cao, trong khi giá thịt hơi giảm sâu, nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ dẫn đến tình trạng bán tháo, bỏ trống chuồng. (3) Việc thực hiện chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt tỷ lệ thấp; 12 xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao nhưng chưa đáp ứng tiêu chí nước sạch tập trung nên khả năng khó hoàn thành; bộ tiêu chí mới về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 mới được ban hành, trong đó, có nhiều tiêu chí cao hơn so với bộ tiêu chí cũ nên khó khăn trong triển khai thực hiện...

(Nguyễn Ngọc Hưng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)