Bước vào ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII đã đánh giá sát, đúng và khách quan thành quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, tập trung bàn thảo, hoạch định những đường hướng cho chặng đường tiếp theo với nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Đặc biệt, kỳ họp đã đi đến cùng những vấn đề “nóng”, “gai góc” trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, qua đó củng cố thêm niềm tin của cử tri đối với cơ quan dân cử.

Đại biểu Lê Văn Châu chất vấn Giám đốc Sở GĐ&ĐT. Ảnh: Minh Hiếu.

Công tâm và trách nhiệm

Buổi sáng ngày làm việc thứ 2, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận, phân tích cụ thể, đánh giá toàn diện những dấu ấn nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023. Đồng thời, thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong khâu tổ chức thực hiện, từ đó hoạch định những đường hướng cho chặng đường phát triển mới.

Đại biểu Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: Minh Hiếu.

Đúng như tinh thần được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nêu tại phiên khai mạc kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, dựa trên thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình, tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm.

Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức đan xen nhưng Thanh Hóa đã nỗ lực vượt khó và đạt được kết quả khá toàn diện. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm đạt 7%, cao nhất khu vực Bắc Trung bộ. Các lĩnh vực sản xuất đều có bước phát triển, công nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá; một số lĩnh vực du lịch tăng trưởng mạnh; sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng trưởng ổn định, năng suất lúa vụ chiêm xuân đạt cao nhất từ trước đến nay… Để Thanh Hóa tiếp tục có bước chuyển mình mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm 2023, bên cạnh những thuận lợi, đại biểu Lê Minh Nghĩa cũng đã chỉ ra không ít trở ngại, thách thức mà Thanh Hóa cần phải tiếp tục quan tâm tháo gỡ, đồng thời đề xuất những nhóm giải pháp lớn để tỉnh triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Minh Hiếu.

Bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả hết sức ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với nhiều chỉ tiêu quan trọng đứng ở tốp đầu của cả nước, đại biểu các sở, ngành và các địa phương đều cho rằng, thành quả ấy sẽ tạo nền tảng vững chắc để tỉnh ta thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của cả năm 2023. Đồng thời, tạo dựng niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đại biểu Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu thảo luận. Ảnh: Minh Hiếu.

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, xem xét các vấn đề một cách khách quan, đa chiều, nhiều đại biểu HĐND tỉnh cũng đã nói thẳng, nói thật, nói trúng vào những khâu yếu, những mặt còn tồn tại trong quá trình thực thi chính sách tại cơ sở. Liên quan đến tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, đại biểu Nguyễn Quốc Tiến, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nông Cống thẳng thắn chỉ ra 3 lý do khiến Chỉ số PCI của Thanh Hóa tụt sâu trên bảng xếp hạng, đứng thứ 47 cả nước, đó là: Thanh Hóa chưa có mặt bằng sạch để thu hút đầu tư; vai trò, chức năng của các sở, ngành chưa phát huy hết hiệu quả, công tác tham mưu cho tỉnh chưa tốt; đặc biệt tình trạng “bôi trơn” khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho doanh nghiệp vẫn diễn ra. Cùng chung quan điểm này, đại biểu Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh đến biểu hiện của cán bộ 3 không hiện nay là “Không nói, không tham mưu đề xuất, không làm” (có làm thì cầm chừng, vừa làm, vừa nghe ngóng). Một số cán bộ, công chức, viên chức ở một số địa phương, đơn vị có lúc, có việc, có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh.

Đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát biểu thảo luận. Ảnh: Minh Hiếu.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chỉ ra “cơn bão ngầm trong hành chính” khi một bộ phận cán bộ, công chức có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền, vì thế đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn. Theo đại biểu Cao Tiến Đoan, trước đây, các sở, ngành nỗ lực, cố gắng để được giao nhiều việc, nhưng bây giờ thì ngược lại, khi được giao việc lại đùn đẩy (càng không giao việc càng tốt) làm trì trệ trong khâu giải quyết TTHC, dẫn đến nhiều công trình, dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng cuối năm 2023 là rất cao, song không vì thế mà điều chỉnh mục tiêu, mà phải quyết tâm phấn đấu để đạt được và vượt mục tiêu đề ra. Còn nếu không đạt được thì cũng phải cố gắng ở mức cao nhất”. Phải làm gì, làm thế nào, làm ra sao? là nội dung được các đại biểu xoáy sâu bàn thảo để thực hiện chỉ đạo này của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng. Bên cạnh những giải pháp luôn đúng phải kiên trì thực hiện, với bản lĩnh và trí tuệ của mình, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã “hiến kế”, đề xuất nhiều giải pháp mới để tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm chính trị ở mức cao nhất.

Đồng chí Lê Tiến Lam, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tham gia thảo luận. Ảnh: Minh Hiếu.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, tâm huyết và trách nhiệm, các đại biểu HĐND tỉnh đã mang đến kỳ họp một lượng thông tin phong phú, mang đậm tính thực tiễn được ghi nhận từ chính quá trình vận hành, chuyển động, phát triển của ngành mình, địa phương mình. Khép lại phần thảo buổi sáng luận tại hội trường, đồng chí Lê Tiến Lam, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao ý kiến của các đại biểu. Trong 18 ý kiến thảo luận, có nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết, làm nổi bật những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với Thanh Hóa, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Từ những khó khăn, hạn chế đã được chỉ ra, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm, từ đó đề ra được những giải pháp khắc phục cho hiệu quả.

Đi đến cùng những vấn đề “nóng”

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Minh Hiếu.

Trong mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường luôn là phiên họp “nóng” nhất, nhận nhiều sự quan tâm, kỳ vọng của đông đảo cử tri và Nhân dân. Từ việc lựa chọn đúng, trúng những vấn đề “nóng”, những vấn đề “gai góc” liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội, cử tri và Nhân dân mong muốn các đại biểu HĐND tỉnh sẽ đi đến cùng bản chất vấn đề, bằng sự công tâm, khách quan và trách nhiệm.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Minh Hiếu.

Để đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu chất vấn phải nêu câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng trọng tâm, đúng nội dung chất vấn. Đối với Giám đốc hai ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), tài nguyên và môi trường (TN&MT) trả lời chất vấn phải đi thẳng vào trọng tâm vấn đề mà đại biểu nêu lên, làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm, lộ trình khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Đất đai là nguồn lực quan trọng cho phát triển, đây cũng là lĩnh vực “nóng” nhất hiện nay. Xuất phát từ yêu cầu đó, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh đã lựa chọn những khía cạnh “gai góc” nhất hiện nay để đưa vào phiên chất vấn, đó là: Nhiều dự án được UBND tỉnh giao đất, qua nhiều năm đã gia hạn nhiều lần nhưng nhà đầu tư vẫn không thực hiện hoặc triển khai chậm; tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), tình trạng phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong thực hiện cấp GCNQSDĐ gây bức xúc trong Nhân dân; tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện rất chậm.

Đại biểu Hoàng Anh Tuấn chất vấn đồng chí Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở TN&MT. Ảnh: Minh Hiếu.

Liên quan đến nội dung này, các đại biểu Hoàng Anh Tuấn, Đinh Ngọc Thúy, Cao Tiến Đoan, Đỗ Ngọc Duy… đã tập trung chất vấn đồng chí Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở TN&MT: Vì sao số dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật đất đai tăng so với trước đây; vì sao nhiều dự án chậm tiến độ vẫn chưa bị thu hồi? giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ và xử lý triệt để tình trạng phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong thực hiện cấp GCNQSDĐ? tình trạng lãng phí tài nguyên khi nhiều nhà đầu tư không triển khai hoặc chậm triển khai dự án đã giao đất?...

Đồng chí Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở TN&MT trả lời chất vấn. Ảnh: Minh Hiếu.

Với tinh thần trách nhiệm cao, trả lời chất vấn các đại biểu, đồng chí Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở TNMT cho biết: Từ tháng 7-2014 đến nay, qua thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất, có 339 dự án không thực hiện hoặc thực hiện đầu tư dự án chậm tiến độ, chủ yếu là các dự án hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ. Làm rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến thực trạng này, đồng chí Lê Sỹ Nghiêm đã nhấn mạnh các giải pháp trước mắt và lâu dài, cương quyết và mạnh mẽ để khắc phục. Đặc biệt, trên tinh thần không lảng tránh những vấn đề “nhạy cảm”, ví như tình trạng đòi “bôi trơn” trong giải quyết TTHC lĩnh vực cấp GCNQSDĐ, đồng chí Giám đốc Sở TN&MT thẳng thắn cho biết: Văn phòng đăng ký đất đai đã ban hành 28 văn bản chấn chỉnh, 45 văn bản phê bình tập thể, cá nhân liên quan đến việc giải quyết TTHC. Ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức “buộc thôi việc” đối với 1 viên chức, “cảnh cáo” 2 viên chức, “khiển trách” 4 viên chức. Để chấn chỉnh tình trạng này, đồng chí Giám đốc Sở TN&MT cam kết sẽ tiếp tục xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm hoặc có hành vi gây phiền hà, tiêu cực đối với tổ chức, công dân.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu, làm rõ hơn một số vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Ảnh: Minh Hiếu.

Phát biểu, làm rõ hơn một số vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh về lĩnh vực đất đai, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang khẳng định: UBND tỉnh cam kết sẽ thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật đất đai, nhất là các dự án đã được gia hạn nhiều lần nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện. Đối với việc cấp GCNQSDĐ, sẽ tiến hành phân loại, những hồ sơ đủ điều kiện sẽ sớm giải quyết cho tổ chức, cá nhân; những hồ sơ chưa đủ điều tiếp tục rà soát, bổ sung; những trường hợp trái thẩm quyền thẳng thắn trả lời tổ chức, công dân không thực hiện được. Đối với Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 sẽ khẩn trương hoàn thiện để có cơ sở thực hiện các dự án tiếp theo.

Đại biểu Trịnh Thị Hoa chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức. Ảnh: Minh Hiếu.

Khách quan nhìn nhận, thực trạng giáo dục Thanh Hóa lâu nay vẫn luôn tồn tại 2 gam màu sáng – tối, với nhiều thành tựu đã được khẳng định và cả những hạn chế, bất cập cần sớm được giải quyết. Nhằm “mổ xẻ” để làm rõ những mặt hạn chế, những bất cập còn tồn tại trong giáo dục hiện nay, các đại biểu Nguyễn Tuấn Tưởng, Lê Văn Châu, Trịnh Thị Hoa... đã tập trung chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức về: Tình trạng thiếu giáo viên chậm được khắc phục? vì sao chất lượng dạy và học ngoại ngữ của tỉnh còn thấp? giải pháp chủ yếu nào để thu hẹp chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trong tỉnh?...

Không phải đến bây giờ câu chuyện thiếu giáo viên mới “nóng” trên nghị trường mà nhiều năm qua, thực trạng này vẫn lặp đi lặp lại. Nhấn mạnh thực trạng này, đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, ngoài trách nhiệm của các huyện, thị xã, thành phố còn có phần trách nhiệm của Sở GD&ĐT do chưa tham mưu được với UBND tỉnh các giải pháp có tính đột phá để khắc phục. Về định hướng trong thời gian tới, Giám đốc Sở GD&ĐT đưa ra 4 nhóm giải pháp lớn; còn về lâu dài Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh kiến nghị với Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT tham mưu cho Chính phủ giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng lên.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức trả lời chất vấn. Ảnh: Minh Hiếu.

Nắm vững quyền tranh luận để truy vấn, phản biện, các đại biểu tiếp tục chất vấn, đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT nêu rõ các giải pháp mang tính đột phá và quyết tâm của ngành nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ cũng như để kéo gần khoảng cách giáo dục giữa miền núi – miền xuôi?. Đồng chí Giám đốc Sở cho rằng, giải pháp căn cơ nhất là phải có sự đầu tư nguồn lực thỏa đáng, có chính sách đãi ngộ tốt và nhất là có đội ngũ giáo viên chất lượng. Để làm rõ hơn thực trạng, giải pháp huy động sức mạnh toàn dân, công tác xã hội hóa để giúp đỡ giáo viên, đặc biệt là học sinh tại các xã không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sáng mai (12-7), các đại biểu sẽ tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT về nội dung này.

Việc “đối thoại” giữa đại biểu chất vấn và đại biểu được chất vấn, cùng với sự định hướng, gợi mở của chủ tọa kỳ họp đã đưa hoạt động chất vấn tại kỳ họp đi đến “tận cùng” vấn đề theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Trên tinh thần cầu thị, khách quan, không vòng vo, không né tránh, các đại biểu được chất vấn đã trả lời rõ ràng, thuyết phục “đúng” và “trúng” nội dung chất vấn, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các vị đại biểu HĐND tỉnh và nguyện vọng cử tri.

(Nguồn:Baothanhhoa.vn)