Sáng 13-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 6 của Ban Chỉ đạo, nhằm kiểm điểm kết quả phiên họp lần thứ 5 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy thực hiện các công trình, dự án.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông - vận tải, phát biểu khai mạc phiên họp (Ảnh baochinhphu.vn).

Dự phiên họp có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo.

Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông - vận tải.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông - vận tải, phát biểu khai mạc phiên họp (Ảnh baochinhphu.vn).

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng là rất cao, trong khi quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức chống chịu với các tác động bên ngoài còn hạn chế, do đó phải nỗ lực, tự lực, tự cường, “biến không thành có, biến không thể thành có thể”. Lúc này rất cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tạo việc làm, sinh kế cho người dân, giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Với tinh thần trách nhiệm cao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp, các Ban quản lý dự án, nhà thầu cùng vào cuộc tích cực vì lợi ích quốc gia, dân tộc, hành động quyết liệt, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. Thủ tướng yêu cầu các đại biểu góp ý thẳng thắn, chỉ rõ vấn đề phải giải quyết; dứt khoát đã ra nghị quyết phải thực hiện, ai không thực hiện thì phải phê bình, góp ý, “không có vùng cấm”, “không để những cái sai nhỏ tích tụ thành cái sai lớn”.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ Giao thông Vận tải thông tin, sau cuộc họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có nhiều chỉ đạo, điều hành tại các cuộc họp chuyên đề; trực tiếp kiểm tra hiện trường các dự án, kịp thời ban hành các văn bản, chỉ thị, công điện chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành giao thông - vận tải, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu xây dựng cho dự án.

Đến nay, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đó là các cấp chính quyền địa phương đã thay đổi rất lớn trong tư duy, đổi mới cách làm, xác định việc hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đồng thời cùng vào cuộc, quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án. Phối hợp với các chủ đầu tư trong triển khai các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng; tăng cường kiểm tra hiện trường để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án.

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng có 12 địa phương có Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua đã bàn giao mặt bằng 624,34/721,2 km, đạt 87% kế hoạch. Đồng thời, hoàn thành 38 khu tái định cư, đang xây dựng 106 khu tái định cư; hoàn thành thủ tục thỏa thuận hồ sơ thiết kế 53/71 vị trí di dời đường dây 220-500kV, đang tiến hành thi công 33/71 vị trí; đã hoàn thành thủ tục thỏa thuận hồ sơ thiết kế 1.067/1.163 vị trí các đường dây 110kV và trung hạ áp, đã hoàn thành di dời 17 vị trí, đang tiến hành thi công 197/1.163 vị trí.

Bên cạnh đó, 14 địa phương có 3 Dự án cao tốc Đông - Tây và 2 đường vành đai đã triển khai giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ khởi công. Trong đó có các tỉnh, thành phố triển khai tốt như: Hà Nội, Đồng Nai, Hậu Giang và TP Hồ Chí Minh đạt trên 85%. Hiện các tỉnh, thành phố trên đang tích cực triển khai giải phóng mặt bằng phần còn lại để hoàn thành trước 31-12-2023. Đồng thời có 12/14 tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản 3 Dự án cao tốc trục Đông - Tây và 2 đường vành đai đã nỗ lực triển khai để khởi công các dự án thành phần trước ngày 30-6-2023 theo đúng yêu cầu của Chính phủ, nâng tổng số đường cao tốc được khởi công từ đầu năm đến nay lên 1.332 km. Hiện nay, các tỉnh, thành phố đang chỉ đạo nhà thầu, chuẩn bị công trường, huy động máy móc, lập thiết kế bản vẽ thi công, chuẩn bị nguồn vật liệu... để thi công.

Đến nay đã khai thác 9 mỏ khai thác vật liệu xây dựng; xác nhận bản đăng ký kế hoạch khai thác được 26 mỏ. Trong đó, một số địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi đã thực hiện tốt việc xác nhận các thủ tục khai thác vật liệu xây dựng, tạo điều kiện để nhà thầu sớm khai thác…

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Tại Thanh Hóa, theo Quyết định 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ có 3 dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông - vận tải đi qua địa bàn gồm: Dự án đường Hồ Chí Minh; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đến nay, các dự án đường Hồ Chí Minh và đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam chưa triển khai. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông qua địa phận tỉnh có tổng chiều dài 98,8 km. Với tầm quan trọng của Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nên ngay từ những ngày đầu, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc; chỉ đạo các ban, sở, ngành và các địa phương khẩn trương, tập trung, quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết những khó khăn về nguyên vật liệu xây dựng, qua đó tạo điều kiện để các nhà thầu triển khai thi công dự án. Đến nay, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa giá trị xây lắp đạt 90,2%.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông - vận tải, phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh baochinhphu.vn).

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; kiên quyết thực hiện nguyên tắc giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh.

Ảnh baochinhphu.vn.

Trong đó các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo cần quyết liệt, đôn đốc các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức thi công “3 ca 4 kíp” để bảo đảm tiến độ thi công các dự án đã cam kết và đáp ứng kế hoạch giải ngân; đặc biệt hoàn thành 3 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 và Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2023. Kiên quyết xử lý các nhà thầu yếu kém, vi phạm tiến độ hợp đồng theo đúng các quy định. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tháo gỡ các khó khăn thuộc thẩm quyền, kịp thời báo cáo các nội dung vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền. Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục khai thác các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ việc triển khai thi công các dự án. Đây là điều kiện tiên quyết và “điểm nghẽn” lớn nhất cần được tháo gỡ để các công trình trọng điểm ngành giao thông - vận tải hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các địa phương có các dự án đang triển khai thi công cần quyết liệt, tập trung đẩy nhanh và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; triển khai ngay các thủ tục liên quan đến khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho nhà thầu thi công.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu chỉ đạo sau phiên họp.

Phát biểu sau phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát các mỏ vật liệu xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh đưa vào đấu giá khai thác phục vụ các dự án. Cùng với đó, Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương, các Ban Quản lý dự án rà soát lại các hạng mục phát sinh do bổ sung thiết kế các đường gom, các đường kết nối với toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa, kịp thời phát hiện những bất cập. Trên cơ sở đó, tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất, báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải có giải pháp điều chỉnh, xử lý, tránh để ảnh hưởng đến giao thông đi lại và đời sống của Nhân dân hai bên tuyến đường. Đồng thời, yêu cầu các Ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải.

(Nguồn:Baothanhhoa.vn)