(Thanhhoa.dcs.vn): Năm 2022, các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã có những thay đổi tích cực; kết quả xếp hạng thứ 15 trên toàn quốc về CĐS, một số chỉ tiêu thành phần đã có tăng trưởng như Nhận thức số (xếp thứ 1), Hoạt động xã hội số (xếp thứ 3), An toàn thông tin mạng (xếp thứ 6). Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số còn xếp hạng thấp như: Thể chế số xếp thứ 15, Nhân lực số xếp thứ 16, Hoạt động chính quyền số xếp thứ 20, Hoạt động kinh tế số xếp thứ 21, Hạ tầng số xếp thứ 52,...
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu tại Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến năm 2025 tỉnh Thanh Hóa nằm trong nhóm 10 và đến năm 2030 nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố về CĐS; Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 11401/UBND-CNTT ngày 08/8/2023, yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện, các đơn vị có liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ để duy trì, cải thiện và nâng cao chỉ số đánh giá CĐS của tỉnh Thanh Hóa, cụ thể như sau:
1. Đối với Chỉ số “Nhận thức số”: Rà soát, bổ sung nhiệm vụ duy trì, cải thiện, nâng cao chỉ số CĐS của tỉnh vào chương trình, kế hoạch CĐS của các cơ quan, đơn vị; chỉ đạo xây dựng chuyên trang về CĐS trên trang thông tin điện tử; tổ chức chuyên mục riêng về CĐS, tăng tần suất phát về CĐS trên các hệ thống truyền thanh cơ sở ở địa phương ít nhất 01 lần/tuần. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa duy trì các chuyên trang, chuyên mục riêng về CĐS; tăng tần suất phát các chương trình liên quan về CĐS ít nhất 01 lần/tuần.
2. Đối với Chỉ số “Thể chế số”: Tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết chuyên đề, các Kế hoạch theo giai đoạn và hằng năm của tỉnh, của cơ quan, đơn vị về CĐS; đảm bảo nguồn chi cho hoạt động CĐS trong cơ quan, đơn vị. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp tham mưu bố trí vốn cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trên địa bàn tỉnh từ nguồn tiết kiệm chi sự nghiệp trong dự toán ngân sách hằng năm theo đúng quy định hiện hành; tham mưu chính sách bố trí ngân sách đảm bảo chi hằng năm cho CĐS của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình, chính sách về CĐS trên địa bàn tỉnh. Tổ chức hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn phiên bản mới nhất về khung kiến trúc chính quyền điện tử, kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Thanh Hóa.
3. Đối với Chỉ số “Hạ tầng số”: Nghiên cứu đề xuất nâng cấp, bổ sung trang thiết bị, công nghệ cho Trung tâm dữ liệu và an toàn thông tin (ATTT) mạng của tỉnh đáp ứng yêu cầu sử dụng công nghệ điện toán đám mây và kết nối với hệ thống điện toán đám mây của Chính phủ. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện thúc đẩy sử dụng các nền tảng số, phát triển kinh tế số, xã hội số ở ngành, địa phương, nhất là các nền tảng phục vụ CĐS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về ứng dụng, lợi ích khi sử dụng điện thoại thông minh; tăng tỷ lệ các hộ gia đình kết nối Internet băng thông rộng cáp quang. Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh triển khai các giải pháp, sử dụng tối đa các nguồn lực để mở rộng vùng phục vụ điện thoại di động 4G/5G, hạ tầng mạng cáp quang băng thông rộng; có các chương trình khuyến khích các hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet băng thông rộng cáp quang.
4. Đối với Chỉ số “Nhân lực số”: Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện chỉ đạo thành lập, kiện toàn các tổ chức, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về CĐS, ATTT mạng tại cơ quan, đơn vị trực thuộc. Tham mưu UBND tỉnh kế hoạch thúc đẩy tăng Tỷ lệ các cơ sở đào tạo cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông thực hiện CĐS, đảm bảo tỷ lệ theo chương trình CĐS của tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. UBND cấp huyện, UBND cấp xã chỉ đạo hoạt động hiệu quả các Tổ công nghệ số cộng đồng đến thôn, xóm; phối hợp triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho công dân trên địa bàn.
5. Đối với Chỉ số “An toàn thông tin mạng”: Rà soát triển khai quyết định ban hành cấp độ an toàn hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị, địa phương đã được phê duyệt, bảo đảm các hệ thống thông tin được triển khai đầy đủ phương án bảo vệ theo Hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt trong năm 2023. Đảm bảo 100% máy tính làm việc trong các cơ quan nhà nước ở các cơ quan, đơn vị phải cài đặt phần mềm phòng chống mã độc và được kết nối về Trung tâm giám sát ATTT mạng của tỉnh và của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đảm bảo ATTT mạng ở cơ quan, đơn vị và địa phương mình, không để xảy ra tình trạng mất ATTT mạng và nhiễm mã độc; kịp thời chỉ đạo tổ chức trực thuộc xử lý nhiễm mã độc theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông.
6. Đối với Chỉ số “Hoạt động Chính quyền số”: Tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), các TTHC đủ điều kiện thực hiện toàn trình (mức độ 4); tăng tỷ lệ giải quyết TTHC trực tuyến, tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng TTHC trực tuyến. Triển khai đầy đủ và hiệu quả việc liên thông các dịch vụ dữ liệu từ LGSP qua NDXP để khai thác các CSDL của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Các huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai hệ thống hội nghị truyền hình đến cấp xã, tích hợp chung với hệ thống của tỉnh; khuyến khích tăng cường sử dụng hệ thống Hội nghị truyền hình tổ chức họp trực tuyến từ cấp huyện tới cấp xã. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, đẩy mạnh việc triển khai, tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ Bưu chính công ích.
7. Đối với Chỉ số “Hoạt động kinh tế số”: Tham mưu triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy và xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số, tiếp cận và tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; giải pháp tăng số lượng doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; thúc đẩy và xác định tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử hằng năm; xác định các chỉ số như tỷ trọng kinh tế số trong GRDP. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tiếp tục có các chương trình, giải pháp tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nâng cao hiệu quả tham gia chương trình SMEdx, tích cực ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hợp đồng điện tử trong các giao dịch thương mại...
8. Đối với Chỉ số “Hoạt động xã hội số”: Nâng cấp, mở rộng Hệ thống tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân (phanhoi.thanhhoa.gov.vn) đến UBND cấp xã và các đơn vị có liên quan; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng trợ lý ảo để nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết phản ánh, kiến nghị, đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Công an tỉnh chủ trì tiếp tục hỗ trợ người dân tạo danh tính số/tài khoản định danh điện tử trên hệ thống VNelD theo Đề án 06. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kỹ năng số cho người dân thông qua các tổ công nghệ số cộng đồng ở cấp xã; tăng cường các giải pháp tạo sự thuận lợi cho người dân tham gia giải quyết các vấn đề của địa phương trên nền tảng số, không gian mạng; tuyên truyền người dân đăng ký, sử dụng chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng khác theo nhu cầu; phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai địa chỉ số đến các gia đình. Các sở, ban, ngành và các địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý các vấn đề góp ý, thắc mắc của người dân có chất lượng, kịp thời tạo niềm tin cho người dân tham gia xây dựng chính quyền và giải quyết các vấn đề của địa phương trên nền tảng số, không gian mạng nhiều hơn...