(Thanhhoa.dcs.vn): Các Bộ: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản trả lời các kiến nghị của cử tri Thanh Hóa gửi tới trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, do Ban Dân nguyện chuyển đến. Cụ thể như sau:

*Nội dung kiến nghị: Cử tri kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 14, Điều 23 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp theo hướng rõ trình tự, thủ tục, xây dựng, thành phần hồ sơ, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt cho thuê môi trường rừng, phương pháp xác định doanh thu để làm cơ sở xác định mức giá khởi điểm trong trường hợp đấu giá quyền thuê môi trường rừng; giá thuê môi trường rừng trong thời gian Dự án chưa phát sinh doanh thu (giai đoạn xây dựng chưa đưa vào hoạt động) và tổ chức thực hiện Dự án đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đối với từng phương thức thực hiện, làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau: Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì xây dựng “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ- CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp” (dự thảo Nghị định), trong đó có sửa đổi, bổ sung Điều 14, Điều 23 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP. Theo đó, dự thảo Nghị định đã bổ sung các nội dung theo đề nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa về trình tự, thủ tục, hồ sơ thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án cho thuê môi trường rừng; phương pháp xác định doanh thu được xác định trong hồ sơ đăng ký của tổ chức, cá nhân; giá cho thuê môi trường rừng, mẫu hợp đồng cho thuê môi trường rừng; quy định tổ chức thực hiện dự án dự án thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí... Đến nay, dự thảo Nghị định đã được lấy ý kiến Thành viên Chính phủ tại Phiếu số 227/PLYK/2023 ngày 06/7/2023 của Văn phòng Chính phủ.

*Nội dung kiến nghị: Đề nghị Bộ Nội vụ xem xét việc cắt giảm biên chế sự nghiệp (2%/1 năm) là chưa phù hợp với thực trạng thiếu giáo viên của tỉnh Thanh Hoa như hiện nay quy định số lượng cụ thể công chức làm việc tại Phòng Giáo dục đào tạo, hướng dẫn và ban hành các mẫu hợp đồng theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐCP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ Nội vụ trả lời như sau:

- Về việc tinh giản biên chế sự nghiệp:

Tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải thực hiện, bảo đảm giai đoạn 2022-2026 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 theo Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Để bảo đảm thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp", Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 về quản lý biên chế của hệ thống chính trị; Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022- 2026, trong đó đã bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022-2026, riêng đối với năm học 2022-2023 bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương, còn 38.130 biên chế giáo viên sẽ được bổ sung cho các địa phương trong các năm học tiếp theo đến năm 2026. Trong thời gian tới, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ Nội vụ sẽ cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến với Ban Tổ chức Trung ương để phân bổ biên chế giáo viên cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Mặt khác, theo Quy định số 70-QĐ/TW, Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị thì Ban Tổ chức Trung ương trực tiếp quản lý biên chế các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương (bao gồm cả biên chế của chính quyền địa phương); Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp quản lý biên chế được giao, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai giao biên chế cho các cơ quan, địa phương, đơn vị bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định. Do vậy, đề nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa có ý kiến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa để có văn bản đề nghị Ban Tổ chức Trung ương xem xét lộ trình giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2026 đối với tỉnh Thanh Hóa.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm: (1) Xây dựng định mức giáo viên trong các cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến phổ thông trung học, phù hợp với điều kiện, đặc điểm vùng, miền; (2) Hướng dẫn xây dựng mức học phí đào tạo một học sinh của từng bậc học theo từng vùng, miền, làm cơ sở cho các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng dự toán kinh phí hoạt động phù hợp với quy mô tuyển sinh theo từng năm học để báo cáo các cấp quản lý phân bổ ngân sách theo cơ chế đặt hàng và (3) phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc đổi mới phương thức cấp phát ngân sách theo số lượng biên chế sang đặt hàng theo quy mô học sinh phù hợp với từng bậc học, từng vùng, miền theo yêu cầu của Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục xây dựng Đề án tự chủ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức độ tự chủ về tài chính được xác định phù hợp với tỷ lệ nguồn thu sự nghiệp (mức học phí x quy mô học sinh) theo cơ chế đặt hàng tổng chi thường xuyên của cơ sở giáo dục, phù hợp với lộ trình tính đủ giá, phí theo quy định của Chính phủ. Theo đó, từng bước thực hiện cơ cấu lại theo hướng giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính theo Đề án tự chủ.

Khi thực hiện được đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ thực hiện được mục tiêu: (1) Nâng cao được chất lượng giáo dục; (2) Bố trí đủ giáo viên theo định mức, bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp” và giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 19-NQ/TW; (3) Thực hiện được phổ cập giáo dục trung học cơ sở và thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo tại một số tỉnh, thành phố; (4) Nâng cao mức độ tự chủ của các cơ sở giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục chủ động, linh hoạt bố trí nhân lực, khắc phục triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên do biến động về quy mô học sinh giữa các năm học như hiện nay (các cơ sở giáo dục chủ động ký hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập).

- Về quy định số lượng cụ thể công chức làm việc tại Phòng Giáo dục đào tạo: Thực hiện Quy định số 70-QĐ/TW, Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành quyết định giao biên chế đối với từng địa phương. Do vậy, đề nghị địa phương xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện các quy định, quyết định nêu trên của Bộ Chính trị và quyết định giao biên chế của Ban Tổ chức Trung ương để bố trí biên chế công chức làm việc tại Phòng Giáo dục và Đào tạo cho phù hợp, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Về hướng dẫn và ban hành các mẫu hợp đồng theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP: Thực hiện Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, ngày 03/5/2023 Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/TT-BNV hướng dẫn mẫu hợp đồng dịch vụ và mẫu hợp đồng lao động đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Do vậy, đề nghị địa phương căn cứ Nghị định số 111/2020/NĐ- CP và Thông tư số 05/TT-BNV để chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)