(Thanhhoa.dcs.vn): Nhằm chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cũng như tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực của các ngành, các cấp và người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 202/KH-UBND ngày 11/8/2023 về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đề ra các giải pháp chung và các giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện.
Về các giải pháp chung gồm:
(i) Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiểu tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng Enso chuyển sang trạng thái El Nino từ cuối năm 2023 sang năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến tình trạng hạn hán, thiếu nước và tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm, tính tất yếu của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời phổ biến các phương pháp tưới tiết kiệm, khoa học nhằm tiết kiệm nước; vận động người dân tích cực tham gia làm thủy lợi mùa khô, phát dọn, nạo vét kênh mương, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý.
(ii) Tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí, trữ nước các ao, hồ, kênh mương, các trục kênh tiêu,…; điều hòa phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và có kế hoạch cụ thể, tránh tình trạng tranh chấp nước trên hệ thống, không để hiện tượng thất thoát nước hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí.
(iii) Theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn; kiểm tra, đo đếm, nắm chắc tình hình nguồn nước, đánh giá, cân đối khả năng cấp nước của từng công trình đầu mối, có kế hoạch bố trí lịch thời vụ phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý.
(iv) Làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng công trình; tăng cường công tác làm thủy lợi mùa khô hàng năm, phát dọn, nạo vét kênh mương tưới và trục tiêu đảm bảo dẫn, trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống hạn hán.
(v) Trồng rừng và bảo vệ rừng: Tích cực bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng để tăng khả năng che phủ, tăng khả năng điều tiết nước tự nhiên để giúp bảo vệ an ninh nguồn nước bền vững.
(vi) Tăng cường đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến, từng bước chuyển đổi số để chủ động trong quản lý, khai thác, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm: Lựa chọn, áp dụng cây trồng vật nuôi thích nghi với điều kiện khô hạn và môi trường nước mặn, nước lợ; nâng cao năng lực dự báo mưa, dòng chảy nhằm xây dựng kế hoạch sử dụng nước hiệu quả đối với công trình nước; áp dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng nước tiết kiệm, công nghệ chống thất thoát, lãng phí nước để nâng cao hiệu quả khai thác đối với công trình thủy lợi, công trình cấp nước tập trung và công nghệ sử dụng nước tuần hoàn, tăng hiệu suất quay vòng sử dụng nước đối với các khu công nghiệp, các nhà máy Thủy điện; nghiên cứu công nghệ xử lý nước mặn thành nước ngọt cấp cho vùng ven biển, công nghệ trữ nước phân tán vùng đất dốc phục vụ sinh hoạt vùng miền núi.
Về các giải pháp cụ thể đối với từng vùng:
- Đối với vùng tưới hồ, đập lớn: Chỉ đạo các nhà máy Thủy điện Cửa Đạt, Dốc Cáy vận hành phát điện theo lịch tưới đảm bảo nguồn nước cho các hệ thống Bái Thượng, kênh Bắc sông Chu-Nam sông Mã hoạt động phục vụ sản xuất; có biện pháp điều hòa, bổ sung nguồn nước giữa các công trình, các hệ thống công trình có liên quan như bổ sung nguồn nước tưới giữa hệ thống Bái Thượng về hệ thống sông Mực qua kênh N8, sử dụng trạm bơm tưới Trường Minh để tưới cho vùng đuôi kênh Nam hồ sông Mực, dành nước hồ sông Mực để cấp cho Khu kinh tế Nghi Sơn.
Tăng cường trữ nước từ các công trình, hồ đập: Bố trí kinh phí để thực hiện giải phóng mặt bằng lòng hồ Yên Mỹ nhằm nâng dung tích trữ hồ Yên Mỹ từ cao trình (+18.50) m lên (+20.36) m; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, nghiên cứu nâng cao trình đỉnh đập, tràn, nạo vét các hồ chứa tiềm năng để nâng dung tích trữ của hồ chứa (hồ Cống Khê, huyện Ngọc Lặc; hồ Hao Hao, thị xã Nghi Sơn...); xây dựng mới các công trình hồ, đập ở khu vực miền núi theo quy hoạch để tăng khả năng trữ nước, khai thác nước phục vụ sản xuất; nạo vét các trục dẫn nước, xây dựng các hồ điều hòa: nạo vét các trục tiêu nội đồng tăng khả năng trữ nước mưa và nước hồi quy (nạo vét sông Trà Giang, sông Ấu, kênh Hưng Long, kênh Văn Thắng, kênh Chiếu Bạch) và xây dựng các hồ điều hòa khu vực thấp trũng như vùng Lưu Phong Châu, huyện Hoằng Hóa, vùng Quảng Xương vừa làm nhiệm vụ trữ nước, vừa tiêu thoát nước; nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống thủy nông Bái Thượng và Hoằng Khánh.
Phối hợp, đấu mối với các Bộ, ngành Trung ương để sớm nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi Cẩm Hoàng cấp nước cho vùng Bắc sông 8 Mã và hạ du sông Bưởi; hệ thống chuyển nước từ hồ Cửa Đạt cấp nước cho vùng ven đường Hồ Chí Minh; chuyển nước từ hồ Cửa Đạt phục vụ công nghiệp, sinh hoạt cho Khu kinh tế Nghi Sơn và dọc Quốc lộ 47.
- Đối với vùng tưới hồ, đập, công trình thủy lợi nhỏ: Tăng cường trữ nước, khai thác, sử dụng nước: Nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo tích, trữ nước, giảm khả năng khai thác so với thiết kế; đầu tư xây dựng các công trình mới để tăng cường khả năng tích, trữ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Tăng cường công tác quản lý, vận hành để tiết kiệm nước; thực hiện tưới theo kế hoạch dùng nước đã lập và phê duyệt từng vụ, tiết kiệm ngay từ đầu vụ để dành nước cho thời gian cuối vụ Đông Xuân và đầu vụ Mùa; các hồ chứa tích chưa đầy nước, cần cân đối, rà soát diện tích tưới để có kế hoạch chuyển đổi sang trồng màu hoặc cây trồng khác sử dụng ít nước. Chủ động lắp đặt máy bơm dã chiến để bơm nước phục vụ công tác chống hạn, khi mực nước trong các hồ chứa xuống thấp hơn mực nước chết.
- Đối với vùng tưới bằng trạm bơm điện: Xây dựng các công trình ngăn mặn, giữ ngọt: Phối hợp, đấu mối để sớm hoàn thiện dự án Hệ thống thủy lợi sông Lèn; tiếp tục nghiên cứu các công trình ngăn mặn, giữ ngọt ở các cửa sông để cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường công tác quản lý, vận hành, khai thác:
+ Phối hợp chặt chẽ với ngành điện đảm bảo ưu tiên nguồn điện cho các trạm bơm lớn, trạm bơm chịu ảnh hưởng của thủy triều, xâm nhập mặn vận hành, nhất là các trạm bơm Hoằng Khánh, Xa Loan, Cống Phủ, Châu Lộc, Đại Lộc và hệ thống cấp nước Đông kênh De bơm nước tiếp nguồn; đồng thời, tranh thủ thời gian có điện, kể cả ban đêm, vận hành các trạm bơm khi mực nước cho phép và không nhiễm mặn, bơm trữ vào kênh tiêu và ruộng để đảm bảo đủ nguồn nước chống hạn.
+ Căn cứ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn và kinh nghiệm trong quản lý tưới, làm tốt công tác dự báo, dự đoán tình hình, có phương án vận hành đối với các trạm bơm khó khăn về nguồn nước, đồng thời tăng cường bơm nước vào giờ thấp điểm, tranh thủ bơm nước trữ vào đồng để tránh tình trạng gây hạn giả tạo vào thời kỳ đổ ải tập trung và thời kỳ khô hạn cuối tháng 3, đầu tháng 4 của vụ Đông Xuân kéo dài cho đến đầu vụ Mùa; đóng, mở cống ở các cửa sông, cửa biển hợp lý để giữ nước ngọt, ngăn nước mặn; kiểm tra độ mặn để có kế hoạch lấy nước tưới phù hợp.
+ Phối hợp với các nhà máy Thủy điện để chủ động vận hành các trạm bơm trên dòng chính các sông đảm bảo thời gian và đầu nước bể hút để lấy nước và trữ nước phục vụ tưới và chống hạn.
+ Tiếp tục triển khai thực hiện công tác nạo vét kênh dẫn, cửa lấy nước để bơm nước phục vụ công tác tưới và chống hạn; chủ động tham mưu quyết định 9 thời điểm đắp đập tạm trên kênh tiêu, sông nội địa để lấy và dâng nước cho các trạm bơm hoạt động.
+ Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị của các trạm bơm điện để xem xét, quyết định việc tháo dỡ các trạm bơm nhỏ dự kiến được tưới thay thế bằng hệ thống kênh Bắc sông Chu-Nam sông Mã và giữ lại một số trạm bơm cần thiết sẵn sàng phục vụ tưới hỗ trợ chống hạn khi cần.
+ Khi mực nước xuống thấp hơn mực nước kiệt thiết kế của các trạm bơm điện, căn cứ tình hình thực tế cần hạ thấp cao trình đáy bể hút và nối ống hút sẵn sàng phục vụ tưới, có kế hoạch lắp đặt bổ sung máy bơm dầu, dã chiến để bơm chuyền, bơm tiếp nguồn. Đối với các trạm bơm không còn khả năng bơm, cần có phương án lắp đặt máy bơm có cột nước cao thay thế các máy bơm cũ để kịp thời bơm nước chống hạn.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện với Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT. Các Sở, ban, ngành, đơn vị khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.