(Thanhhoa.dcs.vn): Ngày 15/8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 11820/UBND-KSTTHCNC chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư.
Theo đó, trong thời gian qua, tình hình cháy, nổ có xu hướng diễn biến phức tạp; theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an, trong 06 tháng đầu năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 881 vụ cháy, làm 45 người chết, 43 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính hơn 87 tỷ đồng và 149 ha rừng. Riêng tại Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 54 vụ cháy, làm 05 người chết, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 2,1 tỷ đồng; đáng chú ý là một số vụ cháy tại các khu dân cư, dẫn đến những cái chết thương tâm, nhất là đối tượng người già và trẻ em.
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 01/CT-TTg) về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình hình mới; Kế hoạch 05/KH-UBND ngày 15/01/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu: “Phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Đề cao hơn ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong PCCC và CNCH”; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức thành viên, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh:
Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn cho 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý; trong đó cần tập trung quán triệt, yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên gương mẫu, đi đầu trong việc tham gia, xây dựng phong trào Toàn dân PCCC tại khu dân cư, cụ thể: Vận động mỗi hộ gia đình cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải tự trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy (hoàn thành xong trước ngày 30/9/2023). Nhà chưa có lối thoát nạn thứ 2, phải tạo lối thoát nạn thứ 2 (bằng cách như: Phá dỡ lưới sắt bảo vệ gắn xung quanh căn hộ trên nhà cao tầng, tạo lối thoát khẩn cấp qua lô gia, ban công, lối lên mái…, hoàn thành xong trước ngày 30/9/2023). Tham gia mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng” tại khu dân cư khi có yêu cầu. Tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC và diễn tập phương án chữa cháy, CNCH tại khu dân cư. Tự kiểm tra, đảm bảo an toàn PCCC trong gia đình, tuyên truyền cho người thân, nhân dân nơi cư trú các kỹ năng, biện pháp chữa cháy và thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
Giao Công an tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tại khu dân cư đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tiếp tục chỉ đạo Công an các địa phương chủ động tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác PCCC và CNCH tại khu dân cư; trong đó cần tập trung thực hiện đảm bảo đạt yêu cầu, chỉ tiêu đề ra theo Kế hoạch 05/KH-UBND ngày 15/01/2023 của UBND tỉnh; chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng tại địa phương, xây dựng mới, duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”; tổ chức thực tập phương án chữa cháy, CNCH tại khu dân cư, giả định tình huống cháy, nổ và xử lý tình huống của mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”; tập huấn kiến thức, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn cho người lao động tại cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, người dân tại các khu dân cư. Chủ trì, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện của các đơn vị, địa phương, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hoá, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thanh Hoá Tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh tuyên tuyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCCC; kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH và thoát nạn; các mô hình, điển hình tiên tiến về PCCC (“Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”…); công tác vận động hộ gia đình trang bị bình chữa cháy, tạo lối thoát nạn thứ 2.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị phối hợp với lực lượng Công an: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức kỹ năng về PCCC cho thành viên hộ gia đình tại khu dân cư, bảo đảm 100% các gia đình có ít nhất 01 thành viên được tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC và CNCH; vận động mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy (hoàn thành trong năm 2023, trong đó đến hết tháng 9/2023 phải đạt tối thiểu 50%). Tiếp tục tổ chức rà soát, vận động 100% hộ gia đình chưa có lối thoát nạn thứ 2 phải tạo lối thoát nạn thứ 2 (duy trì thường xuyên). Tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH tại các khu dân cư có mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng” (hoàn thành trước ngày 30/9/2023). Có phương án hỗ trợ từ ngân sách địa phương, xã hội hóa việc trang bị bình chữa cháy cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo trên địa bàn quản lý. Thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả công tác triển khai thực hiện trách nhiệm của UBND các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị trong hoạt động PCCC và CNCH tại khu dân cư.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh phối hợp với chính quyền các cấp để triển khai hiệu quả công tác PCCC và CNCH tại khu dân cư.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các nội dung nêu trên; thông tin, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 15/12/2023.