(Thanhhoa.dcs.vn): Vừa qua, Thanh tra tỉnh ban hành Công văn số 1992/TTTH-VP ngày 14/8/2023, đề nghị Thanh tra các sở, ngành, cấp tỉnh, Thanh tra các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc Thanh tra tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra; việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật qua thanh tra và thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên Thanh tra tỉnh đề nghị Trưởng các phòng nghiệp vụ, Chánh Văn phòng Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra các sở, ngành cấp tỉnh, Chánh Thanh tra cấp huyện trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan cùng cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra và thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh. Hoạt động thanh tra phải tuân thủ quy định của pháp luật; không được vi phạm những điều cấm trong hoạt động thanh tra và những điều cán bộ, công chức không được làm; không được giao lưu văn hoá, thể thao, du lịch, ăn uống cùng đối tượng thanh tra trong thời gian đang tiến hành thanh tra để trục lợi; quán triệt tinh thần thanh tra phải phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào". Cán bộ, công chức thanh tra bên cạnh việc chấp hành đúng quy định của pháp luật về thanh tra, cần phải thực hiện nghiêm những nội dung sau:
Việc tham mưu dự thảo Kế hoạch thanh tra: Tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật như đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, thuế, xây dựng, quản lý tài sản công, công tác cán bộ…
Việc chuẩn bị thanh tra: Tiến hành thu thập thông tin, tài liệu từ đối tượng thanh tra, báo chí, qua việc giải quyết đơn thư, qua báo cáo đánh giá của các cơ quan quản lý hoặc sử dụng nghiệp vụ thanh tra để nắm bắt thông tin phục vụ cho việc ban hành quyết định thanh tra, xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra trong đó, phải làm rõ nội dung, đối tượng, thời kỳ, thời hạn thanh tra, có trọng tâm, trọng điểm, tính khả thi, đồng thời dự kiến nhân sự Đoàn thanh tra là những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không xung đột lợi ích, phù hợp với yêu cầu của cuộc thanh tra.
Việc thực hiện thanh tra trực tiếp: Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, qua thanh tra phải kết luận rõ các vi phạm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với từng vi phạm và kiến nghị xử lý đồng bộ, toàn diện cả về thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát, bị chiếm đoạt, chiếm dụng, sử dụng trái phép do hành vi vi phạm pháp luật và kiến nghị xử lý hành chính; đối với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến Cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến lúc kết thúc thanh tra mới chuyển. Bám sát kế hoạch được phê duyệt, thanh tra đúng nội dung, đối tượng, phạm vi thanh tra; tập trung thu thập, nghiên cứu thông tin, tài liệu, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra; yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, giải trình; làm rõ hành vi vi phạm pháp luật, củng cố chứng cứ và lập biên bản ghi nhận các hành vi vi phạm pháp luật; trên cơ sở đó, kiến nghị ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Xử lý vi phạm trong quá trình thanh tra: Người tiến hành thanh tra phải áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền được quy định tại Luật Thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan để ngăn chặn hành vi vi phạm, kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; trong trường hợp vi phạm của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thuộc thẩm quyền xử lý của mình thì Trưởng đoàn thanh tra kiến nghị Chánh thanh tra hoặc Thủ trưởng cơ quan cùng cấp xử lý theo thẩm quyền. Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì phải xem xét áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, tiến hành xử phạt ngay theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà không phải đợi kết luận thanh tra. Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo để Chánh thanh tra xem xét, quyết định ngay việc chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan cùng với văn bản kiến nghị khởi tố cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết.
Đối với vụ việc phức tạp phải tổ chức cuộc họp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp để phân tích, đánh giá hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, thống nhất xác định dấu hiệu tội phạm trước khi chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra. Khi thấy cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra báo cáo Chánh thanh tra áp dụng các biện pháp ngăn chặn để đối tượng thanh tra không có thời gian, cơ hội tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tiền, tài sản đã chiếm đoạt. Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật thì Báo cáo Ban Thường vụ Cấp ủy quản lý cán bộ, đảng viên vi phạm đề nghị kiểm tra, kết luận, xử lý theo quy định của Đảng.
Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Người được giao thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra. Trường hợp phát hiện Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra vi phạm pháp luật hoặc kiến nghị xử lý không tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm thì báo cáo Chánh thanh tra xem xét, kiểm tra, kết luận, xử lý theo quy định của pháp luật.
Giai đoạn kết thúc thanh tra: Đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra, tham mưu Chánh thanh tra ban hành kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý chính xác, kịp thời, khách quan, đúng pháp luật, không được bao che, bỏ qua bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào của đối tượng thanh tra, nhất là các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Đối với việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, Chánh thanh tra các sở, ngành, Chánh thanh tra cấp huyện phải có văn bản kiến nghị Giám đốc sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo việc thực hiện nội dung của kết luận thanh tra. Việc theo dõi được thực hiện thông qua việc tổng hợp kết quả thực hiện, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra báo cáo về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra và cung cấp tài liệu kiểm chứng để đánh giá việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tiến độ và kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra. Việc đôn đốc được thực hiện bằng hình thức gửi văn bản đến với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, yêu cầu đối tượng báo cáo giải trình về việc chưa hoàn thành việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; yêu cầu đối tượng thực hiện các biện pháp cụ thể để hoàn thành thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra và báo cáo kết quả việc thực hiện các biện pháp đó.
Trường hợp đối tượng thanh tra không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ theo yêu cầu của việc theo dõi, đôn đốc; Cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được đôn đốc nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nội dung kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; đối tượng thanh tra có hành vi cản trở, tẩu tán tài sản, tiêu hủy tài liệu, không hợp tác thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra thì phải kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; kiến nghị việc xử lý người có hành vi vi phạm, kiến nghị các biện pháp, giải pháp để thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, kiến nghị việc thanh tra lại khi có đủ căn cứ theo quy định, kiến nghị xem xét lại các kết luận, kiến nghị về thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra…