(Thanhhoa.dcs.vn): Ban Dân vận Tỉnh uỷ vừa ban hành Hướng dẫn số 26-HD/BDVTU ngày 10/8/2023 về thực hiện công tác tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng các khu tái định cư và các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn.

Mục đích  nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở Khu kinh tế Nghi Sơn, trọng tâm là dự án giải phóng mặt bằng Khu Công nghiệp số 20 và đầu tư xây dựng các Khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp số 20, Khu kinh tế Nghi Sơn, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của các tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường và thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn.

Các nội dung tuyên truyền, vận động, gồm: (1) Tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, quy mô, tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đến nhân dân trong vùng dự án. (2) Tuyên truyền về những cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương hiện hành đang áp dụng khi triển khai thực hiện dự án, nhất là những cơ chế, chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư. Làm cho người dân hiểu cơ bản về luật pháp, những cơ chế, chính sách, hiểu về quy trình, thủ tục các bước trong giải phóng mặt bằng. (3) Vận động để người dân hiểu rõ quyền và lợi ích của mình khi thực hiện giải phóng mặt bằng triển khai xây dựng dự án. Làm cho người dân hiểu rõ quyền của mình khi được hưởng các cơ chế, chính sách trong triển khai dự án, đồng thời cũng làm rõ cho người dân thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. (4) Vận động để người dân thực hiện đúng trách nhiệm khi bị thu hồi đất, nhất là kê khai đúng, đủ, chính xác về nguồn gốc đất đai, vị trí lô đất, tài sản trên đất và thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan Nhà nước có liên quan tới việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng; cung cấp đầy đủ, chính xác các loại giấy tờ có liên quan đến quyền sử dụng đất; nhận tiền đền bù, tiền hỗ trợ, di chuyển đến nơi ở mới và bàn giao mặt bằng theo đúng thời gian qui định. Trường hợp có kiến nghị, khiếu nại tố cáo phải thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Hình thức tuyên truyền, vận động phải đa dạng, linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng dự án, từng địa phương, bảo đảm thực hiện nghiêm Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện; truyền thanh cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Nghiên cứu xây dựng trang thông tin tuyên truyền về công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở Khu kinh tế Nghi Sơn và trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền, vận động phải bảo đảm các yêu cầu sau: (1) Xác định rõ đối tượng tuyên truyền, vận động để có nội dung và hình thức phù hợp. Người đi tuyên truyền, vận động phải hiểu rõ chủ trương, cơ chế, chính sách và những quy định pháp luật hiện hành. (2) Ban Dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp nắm tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc, kiến nghị của người dân, đặc biệt là những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp của dự án. Kịp thời tư vấn, cung cấp cho những hộ gia đình, tổ chức bị thu hồi đất các tài liệu, căn cứ áp dụng trong quá trình thu hồi đất, kiểm đếm tài sản, giá bồi thường tài sản, cây cối hoa màu trên đất... từ đó người dân tin tưởng, tự nguyện chấp hành. (3) Phát huy vai trò nòng cốt của những người có uy tín ở khu dân cư; đề cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong dòng họ để phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của Nhân dân khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. (4) Định kỳ hàng năm, Ban Dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng tổ chức các tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ liên quan cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên, hội viên trực tiếp tham gia công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở.

Về quy trình tuyên truyền, vận động thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách:

(1) Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể phối hợp với Chính quyền, Ban giải phóng mặt bằng cùng cấp thống nhất quy trình tuyên truyền, vận động thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đảm bảo công khai, minh bạch các chủ trương, cơ chế, chính sách để người dân biết về quy mô, ý nghĩa, quyền và lợi ích khi triển khai dự án đối với đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân, trong đó:

Khi triển khai dự án, chính quyền và các cơ quan chức năng cung cấp thông tin cho MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về việc triển khai dự án ngay từ khi chính quyền có chủ trương, hoặc từ khi tổ chức tư vấn nghiên cứu về dự án để thông báo công khai rộng rãi cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng nắm bắt, thực hiện việc tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân về dự kiến triển khai dự án.

Ban Dân vận chủ trì phối hợp với Chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cùng cấp xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động thực hiện giải phóng mặt bằng có nội dung, lộ trình, thời gian cụ thể cho từng dự án; thành lập các Tồ công tác tuyên truyền ở từng cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp, sáng tạo, hiệu quả theo phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, “vận động từng bước, kiên trì thuyết phục”, “mưa dầm, thấm lâu”. Phối hợp rà soát, lập danh sách các gia đình hội viên và Nhân dân bị ảnh hưởng của dự án; nắm rõ từng hoàn cảnh, tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của từng đoàn viên, hội viên, từng hộ gia đình, từng người dân để có phương án vận động phù hợp. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy chế, quy định công khai cơ chế, chính sách để người dân phải được tham gia đóng góp ý kiến ngay từ đầu về chủ trương triển khai dự án và các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân liên quan đến triển khai thực hiện dự án, cũng như tác động ảnh hưởng của dự án sau này đến Nhân dân trong vùng. Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị, đề xuất chính đáng, các vấn đề vướng mắc, phát sinh ở cơ sở để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền và cơ quan có thẩm quyền có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho Nhân dân.

Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể phối hợp với chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức tập huấn, phổ biến cho đội ngũ cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên những kiến thức, nhất là các văn bản pháp luật liên quan đến đất đai, cơ chế, chính sách đền bù, hỗ trợ cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất.

(2) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư, trong đó:

Tập trung vào giám sát quy trình các bước trong triển khai GPMB; Giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức và những người trực tiếp làm nhiệm vụ GPMB; Giám sát việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân trong thực hiện chính sách, pháp luật liên quan.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Thực hiện giám sát tập trung vào các nội dung: Giám sát quy trình các bước trong triển khai GPMB (Mỗi khâu của quy trình cần giám sát xem việc đảm bảo trình tự về thời gian, việc công khai với nhân dân; việc đo đạc, kiểm đếm, chi trả bồi thường...); Giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức và những người trực tiếp làm nhiệm vụ GPMB; Giám sát việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân trong thực hiện chính sách, pháp luật liên quan.

Định kỳ hàng năm có kế hoạch giám sát, phản biện các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên cơ sở thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.

Để thực hiện tốt chức năng giám sát, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần linh hoạt trong phương pháp và cách làm. Thành lập các tổ công tác để giám sát, đồng thời phát huy vai trò giám sát từ người dân ở cơ sở.

Thường xuyên kiện toàn và đưa vào hoạt động có nền nếp ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở theo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nâng cao hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc phát hiện, ngăn ngừa các tiêu cực dễ nảy sinh trong quá trình triển khai các bước, các quy trình thực hiện GPMB.

(3) Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp giải quyết các kiến nghị, đề xuất chính đáng, hợp pháp của Nhân dân theo Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân và Quyết định số 2543- QĐ/TU, ngày 17/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về ban hành Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn tỉnh để giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề phát sinh, hạn chế khiếu kiện đông người, vượt cấp, hình thành điểm nóng ở cơ sở.

Những vụ việc mà chính quyền và các cơ quan chức năng đã triển khai thực hiện đúng các quy định pháp luật trong thực hiện GPMB thì MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải tăng cường tuyên truyền, vận động thuyết phục để nhân dân hiểu rõ và chấp hành chính sách pháp luật.

Những vụ việc phát hiện thấy do áp dụng chưa đúng cơ chế, chính sách, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân thì MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội kiến nghị với chính quyền, các cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo quyền, lợi ích cho người dân.

Cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo nhất là các khiếu nại tố cáo liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng về giải quyết khiếu nại, tố cáo; được tập huấn Luật Khiếu nại Tố cáo, Luật Đất đai và các văn bản dưới luật có liên quan.

(4) Hệ thống dân vận, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, nhất là ở cơ sở thường xuyên nắm chắc tình hình Nhân dân, lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất hợp pháp, chính đáng của Nhân dân để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai trò của những người tích cực, có uy tín trong nhân dân; phải tổ chức lực lượng kiên trì vận động đến từng người dân. Đồng thời vận động nhân dân đấu tranh với những phần tử lợi dụng dân chủ, trục lợi chính sách, gây mất ổn định về an ninh trật tự trên địa bàn.

Đối với phát sinh khiếu kiện đông người, phức tạp, xảy ra “điểm nóng”, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể các cấp có trách nhiệm lắng nghe, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, nắm tình hình, bàn biện pháp giải quyết. Trong quá trình giải quyết “điểm nóng” phải lấy tuyên truyền vận động, giáo dục thuyết phục là chính; phát huy tốt vai trò của cả hệ thống chính trị, vai trò của những người tích cực, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao nhất.

(5) Thường xuyên tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm, phổ biến những kinh nghiệm hay trong công tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để nhân rộng, đồng thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những điển hình tiên tiến trong tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng của địa phương, đơn vị.

Đồng thời, tăng cường nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đời sống, việc làm, thu nhập của người dân khu vực tái định cư để tiếp tục tuyên truyền, vận động và tham mưu giải quyết, hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, sớm ổn định cuộc sống của Nhân dân.

Về công tác tổ chức thực hiện: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, MTTQ, các đoàn thể các cấp tỉnh và Thị ủy Nghi Sơn xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng thực hiện dự thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn, trọng tâm là Khu công nghiệp số 20, Khu kinh tế Nghi Sơn và đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án số 20, Khu kinh tế Nghi Sơn. Tham mưu chỉ đạo các đảng ủy, chính quyền, Khối Dân vận, MTTQ, các đoàn thể các xã bị ảnh hưởng của dự án xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động có hiệu quả.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Ban Dân vận Thị ủy Nghi Sơn tham mưu cho Ban Thường vụ Thị ủy xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động cụ thể cho từng dự án có nội dung, quy trình, thời gian, lộ trình cụ thể; thành lập các Tổ công tác tuyên truyền, vận động; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, đề xuất các chính sách khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt trong công tác tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng và nghiêm túc kiểm điểm, phê bình vơi những khuyết điểm, hạn chế trong quá trình thực hiện.

Định kỳ hằng quý, 6 tháng, năm, Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể cấp tỉnh, Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể thị xã Nghi Sơn báo cáo kết quả thực hiện công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án giải phóng mặt bằng Khu kinh tế Nghi Sơn, trọng tâm là Khu công nghiệp số 20, Khu kinh tế Nghi Sơn và đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ di dân trong Khu kinh tế nghi Sơn để tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)