(Thanhhoa.dcs.vn): Trong những năm qua, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo tinh thần Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành 24 văn bản, chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW; Liên đoàn Lao động tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW. Hằng năm xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể, nội dung tập trung giám sát việc thực hiện chế độ chính sách (BHXH, BHYT, BHTN, hợp đồng lao động, xây dựng thang bảng lưong, điều kiện làm việc...); giám sát thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở, công tác an toàn về sinh lao động, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường; giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68-NQ/CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ...; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước. Qua đó, đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nội quy cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cho đoàn viên, CNVCLĐ.
Chỉ đạo các cấp Công đoàn thường xuyên giám sát và tích cực phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật; chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền, chuyên môn cùng cấp giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Định kỳ, hai tháng một lần Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban với các doanh nghiệp FDI có đông công nhân lao động, mời đại diện lãnh đạo các cơ quan: BHXH tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh, Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh; đại diện Chủ sử dụng lao động và Chủ tịch Công đoàn các doanh nghiệp FDI tham gia Hội nghị. Nội dung Hội nghị nhằm nắm bắt những vướng mắc, khó khăn của người lao động về việc giải quyết các chế độ chính sách, đặc biệt là các chế độ chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp để có biện pháp giải quyết kịp thời. Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ trì tổ chức giám sát và mời đại diện Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh phối hợp tham gia 22 đợt giám sát các chế độ chính sách cho CNVCLĐ và thực hiện quy chế dân chủ tại 38 đơn vị, doanh nghiệp và 33 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Các cấp Công đoàn đã tổ chức giám sát 1.417 cuộc; nội dung tập trung giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật an toàn vệ sinh lao động, Luật Công đoàn, về hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, về việc làm, tiền lương, điều kiện làm việc, công tác bảo hộ lao động, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo vệ môi trường trong đơn vị, doanh nghiệp; việc thực hiện các gói hỗ trợ Covid-19 cho người lao động; quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; giám sát việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh; giám sát việc giải quyết những vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong đoàn viên, CNVCLĐ. Tổng hợp đầy đủ, chi tiết những đề xuất, kiến nghị của đơn vị được giám sát, chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp thu, giải quyết kịp thời những kiến nghị của đoàn viên, người lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức Công đoàn đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Nhà nước được tập hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Nhiều đề xuất, kiến nghị được cấp có thẩm quyền tiếp thu, xem xét giải quyết như: Đã phối hợp khôi phục sổ BHXH cho 298 người tại Công ty TNHH một thành viên Yên Mỹ; đề nghị Ngân hàng lắp thêm cây ATM, đề nghị Ngành Điện ưu tiên cấp điện cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp Lễ Môn; đề nghị ngành Công an tăng cường bảo đảm an ninh các khu công nghiệp Hoàng Long, phối hợp giải quyết dứt điểm chế độ nghỉ dưỡng sức cho 168 công nhân lao động tại Công ty TNHH Winners Vina (huyện Nga Sơn); Đề nghị Công ty TS Vina chi trả trên 700 triệu tiền nghỉ ốm, thai sản cho công nhân; Phối họp với các cơ quan chức năng giải quyêt dứt điềm 02 cuộc ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Ivory Việt Nam (huyện Hậu Lộc) và Công ty TNHH Công nghệ thể thao Victory, thị trấn Sao Vàng (huyện Thọ Xuân) để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, giữ vững ồn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông qua hoạt động giám sát đã nắm được tình hình, từ đó có cơ sở kiến nghị với các doanh nghiệp quan tâm đến chất lượng và giá trị bữa ăn ca, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh nhà ăn; đến nay đã có 301 doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca cho người lao động, trong đó có 254 doanh nghiệp có chất lượng bữa ăn ca trên 18.000 đồng/bữa.
Các cấp Công đoàn đã phối hợp với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan chức năng cùng cấp tổ chức giám sát trên 10.000 cuộc; tham gia phối hợp giám sát theo kế hoạch của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh tại 05 huyện, thành phố, 08 xã và 08 thôn của các xã...
Các công đoàn cơ sở đã tập trung chỉ đạo Ban Thanh tra nhân dân kiện toàn nhân sự, xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai hoạt động giám sát. Qua đó đã phản ánh và kiến nghị kịp thời với cấp uỷ Đảng, người đứng đầu đơn vị khắc phục những hạn chế, tồn tại; xây dựng ý thức dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác lãnh đạo, điều hành và quản lý tại đơn vị. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ngày càng hiệu quả, phát huy được vai trò, chức năng của mình. Nhiều kiến nghị, đề xuất được giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của CBCC, VC và người lao động, góp phần tăng cường tính công khai, dân chủ trong các cơ quan, đơn vị.
Công tác phản biện xã hội được chú trọng thực hiện thường xuyên. Ban Thường vụ Liên đoàn lao động tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn tổ chức cho đoàn viên, CNVCLĐ tham gia phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng, sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế, các quy định, chế độ, chính sách có liên quan tới đoàn viên, CNVCLĐ. Đặc biệt là tham gia góp ý vào các dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh Lao động, Luật tố tụng Hình sự, Dân sự; Bộ luật Luật lao động, Luật Việc làm... và các Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền đồng cấp. Các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức phản biện 125 cuộc; thông qua phản biện đã kịp thời góp ý xây dựng kế hoạch, chương trình công tác và chủ trương chính sách liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp của người lao động; thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có những hạn chế, khó khăn: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Công tác giám sát, phản biện xã hội ở một số đơn vị vẫn còn hình thức; việc nắm bắt thông tin, tình hình ở cơ sở còn hạn chế. Chế độ báo cáo của một số đơn vị còn chậm, chưa kịp thời, dẫn đến kết quả giám sát và phản biện chưa cao, nội dung phản biện xã hội còn chung chung, thiếu giải pháp khắc phục hiệu quả. Công tác phối hợp giám sát của một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có lúc chưa chặt chẽ, phản biện chưa kịp thời. Tình hình nợ đọng, vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp còn diễn ra. Việc đăng ký tham gia BHXH cho người lao động ở nhiều doanh nghiệp chưa đầy đủ, một số doanh nghiệp việc chi trả chế độ ốm đau, thai sản cho công nhân chưa kịp thời. Còn nhiều doanh nghiệp không thực hiện quy định về nghĩa vụ đóng kinh phí Công đoàn; chưa thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể. Việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động chưa phù hợp với trình độ tay nghề, năng suất lao động. Khi được các cấp Công đoàn giám sát nhắc nhở vẫn còn tình trạng chây ì, chậm khắc phục. Phản biện xã hội chủ yếu thực hiện trên hình thức góp ý kiến là chính; tính chủ động của đoàn viên, CNVCLĐ trong việc góp ý chưa cao...