(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030”; Công văn số 5370/BNN-TY ngày 07/8/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức triển khai Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 22/8/2023 về triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 - 2030, với các nội dung sau:

1. Mục tiêu chung: Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật; chủ động ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh, đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững hướng đến xuất khẩu, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP) trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; động vật thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu. Xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu. Kiểm soát thuốc, vắc xin thú y bảo đảm đạt yêu cầu chất lượng, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý chuyên ngành thú y các cấp nhằm góp phần xây dựng thành công Chính quyền điện tử, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Về tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người giai đoạn 2023 - 2030: Đẩy mạnh công tác xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản ATDB theo quy định của Việt Nam và hướng tới theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) để hướng tới xuất khẩu (đến năm 2025, xây dựng được 120 cơ sở chăn nuôi, 04 vùng cấp xã đạt ATDB theo quy định của Việt Nam. Đến năm 2027, các cơ sở vùng đã đạt ATDB tiếp tục được duy trì; xây dựng được 01 vùng cấp huyện đạt ATDB Dại động vật (thành phố Thanh Hóa) theo quy định của Việt Nam. Từ năm 2027 trở đi, có kế hoạch và lộ trình cụ thể để thực hiện tiếp tục được duy trì các cơ sở vùng đã đạt ATDB và mục tiêu 100% cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đạt ATDB theo quy định của Việt Nam).

Thực hiện đầu tư xây dựng và trang thiết bị phục vụ công tác xét nghiệm cho Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật - Chi cục Chăn nuôi và Thú y đảm bảo đáp ứng yêu cầu chẩn đoán xét nghiệm, phòng, chống dịch, kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y và giám sát ATDB, ATTP trên địa bàn tỉnh.

Xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật: Phát triển chăn nuôi gà theo hướng quy mô lớn, công nghệ cao, tạo vùng nguyên liệu, đảm bảo ATDB phục vụ tiêu thụ trong nước và định hướng xuất khẩu các sản phẩm thịt gà, trứng gà. Xuất khẩu được thịt lợn sang Malaysia, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore và các thị trường khác. Xuất khẩu được sữa, sản phẩm sữa và mật ong, sản phẩm ong sang các thị trường quốc tế. Xuất khẩu tổ yến các sản phẩm từ yến sang Trung quốc.

- Về tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật: Thực hiện đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết, nguồn lực để tổ chức hoạt động có hiệu quả các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng quy định của pháp luật. 100% động vật đưa vào cơ sở giết mổ tập trung được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. 100% các chương trình giám sát ATTP đối với thịt lợn, thịt gia cầm, trứng và các sản phẩm trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và sản phẩm mật ong, tổ yến được tổ chức triển khai thực hiện.

- Về nâng cao năng lực quản lý, thuốc, vắc xin thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả: Hằng năm, có ít nhất 10% thuốc, vắc xin thú y lưu hành trên thị trường được giám sát chất lượng, đánh giá hiệu lực; phấn đấu trên 50% các cửa hàng buôn bán thuốc thú y được kiểm tra, giám sát.

- Về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y: Phối hợp với các cơ quan liên quan Trung ương tổ chức triển khai kịp thời các ứng dựng công nghệ thông tin trong lĩnh vực chăn nuôi thú y.

3. Kế hoạch đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tổ chức thực hiện gồm: (1) Nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai doạn 2023 - 2030; (2) Nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mô, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật, giai đoạn 2023 - 2030; (3) Nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để nâng cao năng lực quản lý sử dụng, kinh doanh thuốc, vắc xin thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, giai đoạn 2023 - 2030; (4) Nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y, giai đoạn 2023 - 2030...

(Nguyễn Ngọc Hưng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)