(Thanhhoa.dcs.vn): Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân hằng năm cho các đầu mối đơn vị nhận quân, chất lượng đảm bảo theo yêu cầu. Các đơn vị, địa phương đạt kết quả nổi bật trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; các huyện: Triệu Sơn, Nông Cống, Hà Trung, Nga Sơn, Bá Thước, Thường Xuân, Mường Lát, Thạch Thành, Quảng Xương, Hoằng Hóa.
Công tác đăng ký nghĩa vụ quân sự, quản lý nguồn công dân sẵn sàng nhập ngũ được thực hiện khoa học, hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, đã rà soát 167.751 công dân nam đủ 17 tuổi trở lên thuộc đối tượng trong nguồn thực hiện nghĩa vụ quân sự (chiếm 4,51% dân số), trong đó: thuộc diện đăng ký 163.657 người (đã thực hiện đăng ký 163.395 người); không thuộc diện đăng ký 4.094 người.
Chất lượng thanh niên nhập ngũ ngày càng được nâng lên; tỷ lệ chiến sĩ có ngành nghề đào tạo chuyên môn phục vụ quân đội trước khi nhập ngũ luôn đạt 5% trở lên; trong 8 năm, toàn tỉnh đã tuyển được 1.515 thanh niên có trình độ đào tạo cao đẳng, đại học nhập ngũ vào các đơn vị quân đội, công an.
Công tác sơ tuyển, xét duyệt, phân loại ở cơ sở được thực hiện bài bản; xây dựng kế hoạch khám sức khỏe ở cấp huyện với số lượng hợp lý (gọi khám không quá 04 người/01 chỉ tiêu nhập ngũ), góp phần giảm được chi phí ngân sách khám tuyển; nhiều địa phương đã tổ chức từ 02 đến 03 điểm khám theo cụm, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đi khám tuyển, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn. Việc tổ chức khám và kết luận sức khoẻ từng công dân thực hiện theo đúng quy định; trong 8 năm, đã điều động 116.419 công dân đi khám sức khỏe; có 54.422 công dân trúng tuyển, đạt tỷ lệ 46,75%, trong đó: sức khỏe loại 1 có 8.702 người, chiếm 15.99%, loại 2 có 25.598 người, chiếm 47,04 %, loại 3 có 20.122 người, chiếm 36,97%.
Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện đã hiệp đồng với đơn vị nhận quân thống nhất nội dung về số lượng, chất lượng để chốt quân số, phát lệnh gọi nhập ngũ theo đúng quy định, tỷ lệ dự phòng không quá 5% so với chỉ tiêu nhập ngũ. Từ năm 2016 đến nay, đã phát lệnh gọi nhập ngũ 31.193 công dân, bằng 105% so với chỉ tiêu nhập ngũ được giao; đã tuyển chọn và gọi 29.708 công dân nhập ngũ, bằng 100% chỉ tiêu giao quân, trong đó: (1) về tuổi đời: từ 18 - 21 tuổi có 24.412 người, chiếm 82,17%; từ 22 - 24 tuổi có 4.735 người, chiếm 15,94%; từ 25 - 27 tuổi có 561 người, chiếm 1,89%; (2) về sức khỏe: loại 1 có 6.706 người, chiếm 22,57%, loại 2 có 16.434 người, chiếm 55,32%, loại 3 có 6.568 người, chiếm 22,11%; (3) về trình độ văn hóa: Trung học cơ sở 6.498 người, chiếm 21,87%; Trung học phổ thông 21.695 người, chiếm 73,03%; Trung cấp, Cao đẳng, Đại học 1.515 người, chiếm 5,1%; (4) về chính trị: đảng viên 312 người, chiếm 1,05%; đoàn viên thanh niên 29.396 người, chiếm 98,95%; dân tộc thiểu số 7.854 người, chiếm 26,44%.
Các chế độ, chính sách và công tác hậu phương quân đội được thực hiện đầy đủ, đúng quy định; đã đón nhận và đăng ký vào ngạch dự bị động viên 27.120 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự (đạt 91,29% so với chỉ tiêu nhập ngũ), trong đó có 628 đồng chí được đào tạo sĩ quan dự bị và 1.218 đồng chí được kết nạp vào Đảng trước khi xuất ngũ; 100% quân nhân xuất ngũ được cấp thẻ học nghề. Các địa phương đã chủ động phối hợp với Trung tâm xúc tiến việc làm, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ; đã có 11.567 đồng chí (chiếm 42.65%) đăng ký và được đào tạo tại các cơ sở dạy nghề; 1.576 đồng chí đi xuất khẩu lao động; 4.145 đồng chí được đào tạo hệ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học ngành quân sự cơ sở, trong đó 985 đồng chí đang đảm nhiệm chức danh chỉ huy trưởng và phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: công tác quản lý nguồn công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự ở một số địa phương còn hạn chế, chưa chặt chẽ, nhất là ở cấp cơ sở; còn tình trạng nhiều công dân đi xuất khẩu lao động nhưng chính quyền thôn, xã không nắm được. Việc giao chỉ tiêu tuyển quân cho Quân đội thường sớm hơn giao chỉ tiêu cho Công an, làm phát sinh các vướng mắc trong việc thực hiện tuyển quân “tròn khâu” ở địa phương. Chế độ, chính sách đãi ngộ trong thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự chưa thực sự thu hút được nhiều công dân có trình độ cao vào phục vụ trong lực lượng quân đội và công an. Công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong việc kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện còn chưa chặt chẽ; một số nơi còn biểu hiện giao khoán, coi đây là nhiệm vụ riêng của cơ quan Quân sự, Công an. Ý thức, trách nhiệm của một bộ phận công dân trong độ tuổi nhập ngũ chưa cao, còn có biểu hiện trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự; chất lượng sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự ngày càng giảm, tỷ lệ mắc các tật khúc xạ về mắt, bị tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch ngày càng nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và công tác tuyển quân hàng năm...