(Thanhhoa.dcs.vn): Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đạt được kết quả quan trọng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trọng tâm là: Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo", Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực", Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 "Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân", Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… Từ năm 2021 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức 119 hội nghị, lớp tập huấn với 13.693 lượt người tham dự; in ấn, phát hành 14.245 tài liệu, ấn phẩm; phát sóng, đăng tải 225 tin, bài, 210 chuyên mục tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình của tỉnh và Báo Thanh Hóa về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết và bảo vệ người tố cáo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, đối thoại với công dân định kỳ hoặc đột xuất. Từ năm 2021 đến nay, cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 25.079 cuộc tiếp dân định kỳ/27.514 lượt người. Thông qua hoạt động tiếp dân, đã giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết 5.046 vụ khiếu nại, tố cáo; trong đó: Số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp là 3.559 vụ (đã giải quyết 3.160 vụ, đang giải quyết 399 vụ); số vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết là 1.487 vụ (687 vụ chuyển cơ quan, người có thẩm quyền; 235 vụ hướng dẫn và trả lời công dân; 565 vụ lưu đơn theo quy định). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước và tổ chức, công dân 41.472,5 triệu đồng và 24.785,7 m2 đất; đề nghị các cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm 57 cá nhân có sai phạm; bảo vệ quyền lợi 182 cá nhân và 06 tổ chức; chuyển cơ quan điều tra 02 vụ việc.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra về tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và bảo vệ người tố cáo được quan tâm thực hiện; tập trung rà soát, tổng hợp, phân loại các vụ việc phức tạp, kéo dài, nhằm giải quyết dứt điểm, hạn chế tối đa tình trạng công dân tập trung khiếu kiện đông người, vượt cấp, không để hình thành và phát sinh điểm nóng.

Việc thực hiện bảo vệ người tố cáo tuân thủ theo đúng quy định của Luật Tố cáo năm 2018. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 04 người tố cáo yêu cầu được bảo vệ, đã được cơ quan chức năng áp dụng biện pháp bảo vệ; không có người bị trả thù, trù dập do tố cáo; không có người bị xử lý do trả thù, trù dập hoặc để xảy ra tình trạng trả thù, trù dập người tố cáo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, bảo vệ người tố cáo và các văn bản pháp luật có liên quan còn hạn chế, chưa thường xuyên, liên tục. Công tác tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số đơn vị cấp xã chưa thực hiện đầy đủ theo quy định; việc phân loại, xử lý đơn, giải quyết một số vụ việc còn lúng túng, áp dụng các quy định của pháp luật chưa đầy đủ, thiếu chính xác, dẫn đến phát sinh khiếu kiện vượt cấp. Việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật vẫn còn trường hợp chưa kịp thời, dẫn đến tiếp tục phát sinh khiếu kiện. Một số trường hợp công dân cố tình gây áp lực nhằm mục đích để lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải gặp gỡ, tiếp công dân đột xuất, không thực hiện việc đăng ký để được sắp xếp, bố trí tiếp công dân định kỳ theo lịch; có trường hợp thiếu tôn trọng, không lắng nghe giải đáp, hướng dẫn của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, có phản ứng tiêu cực, không chấp hành nội quy, quy định; lạm dụng dân chủ, xúc phạm, đe dọa, hành hung người làm công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo...

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)