(Thanhhoa.dcs.vn): Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hoá được thành lập năm 2021 trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng nghề Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa vào Trường Cao đẳng Nông Lâm Thanh Hóa. Nhà trường có 02 cơ sở đào tạo: Trụ sở chính tại xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn và cơ sở đào tạo tại địa chỉ 104 đường Bạch Đằng, phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa.

Cơ sở vật chất Nhà trường hiện có 45 phòng học lý thuyết; 16 phòng/xưởng thực hành, thí nghiệm; Ký túc xá học sinh, sinh viên (500 chỗ ở tại trụ sở chính); 01 Hội trường; 01 nhà thư viện; nhà hiệu bộ; nhà làm việc của các phòng, khoa chuyên môn; nhà ăn tập thể; trại thực nghiệm và các công trình phục vụ đào tạo khác. Đa số các hạng mục công trình được xây dựng rất lâu (từ 15 - 50 năm), hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Tổ chức bộ máy của Nhà trường hiện có: Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, Hội đồng Khoa học và Đào tạo, các Hội đồng tư vấn; 10 đơn vị trực thuộc (trong đó 05 phòng, 04 khoa, 01 tổ bộ môn). Đội ngũ cán bộ, giáo viên Nhà trường hiện có 107 người (biên chế 79 người, chiếm 73,8%; lao động hợp đồng 28 người, chiếm 26,2%); trong đó, có 01 Phó Giáo sư; 02 Tiến sĩ; 46 người có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 40 người có thể sử dụng tương đối tốt ngoại ngữ. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 06 giáo viên có chứng chỉ kỹ năng nghề và 01 giáo viên được bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.

Nhà trường được cấp phép đào tạo 13 ngành nghề trình độ cao đẳng, 15 ngành nghề trình độ trung cấp và 26 nghề trình độ sơ cấp. Ngoài ra, còn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên dưới 03 tháng với 36 ngành nghề lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản; liên kết với các học viện, trường đại học tổ chức đào tạo liên thông và phối hợp với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Quy mô đào tạo trung bình hằng năm của Nhà trường giai đoạn 2017 - 2022 đạt 2.139 người học. Trong giai đoạn 2017-2022, đã có 7.301 người học tốt nghiệp các hình thức, trình độ đào tạo tại Nhà trường; trong đó, có một số ngành nghề, trình độ đào tạo có kết quả tuyển sinh cao, như: Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Chăn nuôi - thú y, Điện công nghiệp, Công nghệ thông tin; các nghề bồi dưỡng thường xuyên thu hút đông người học, như: Thuyền, máy trưởng tàu cá, bồi dưỡng và thi nâng bậc cho công nhân thủy nông… Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm hàng năm đạt từ 75-85%, trong đó, số có việc làm đúng hoặc gần ngành nghề đào tạo đạt trên 65%; học sinh, sinh viên tốt nghiệp có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành nghề cơ bản, thích ứng được với môi trường công việc.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)