(Thanhhoa.dcs.vn): Vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với chủ đề “Nước an toàn và đầy đủ cho mọi người”. Kết quả triển khai Tuần lễ đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cải thiện môi trường sống, nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư về nước sạch và vệ sinh môi trường.
UBND các huyện, thị xã, thành phố phát động chiến dịch truyền thông bằng các hình thức như: Treo 2.385 băng rôn, biểu ngữ, pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền; tổ chức 2.684 lần phát thanh trên hệ thống các đài truyền thanh, truyền hình. Tập trung tuyên truyền về thông điệp và hoạt động hưởng ứng Tuần lễ; hướng dẫn, phổ biến sâu rộng, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về nước sạch và vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch hợp lý, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để nâng cao sức khỏe và phòng chống dịch bệnh.
Tùy điều kiện cụ thể, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức hưởng ứng Tuần lễ nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả. 27/27 huyện, thị xã, thành phố và 416/559 xã, phường, thị trấn lập kế hoạch hành động và tổ chức ra quân triển khai thực hiện. Toàn tỉnh đã tổ chức 341 buổi ra quân, tọa đàm, biểu điễn văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng về chủ đề nước sạch, vệ sinh môi trường. Các đơn vị thành lập 92 đoàn kiểm tra thực tế việc tổ chức triển khai thực hiện tại 312 đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh.
Qua các hoạt động hưởng ứng, có 2.170 công trình cấp nước sinh hoạt hộ gia đình được cải tạo, nâng cấp, làm mới trên toàn tỉnh; 35.124 nhà tiêu nhà tiêu hợp vệ sinh được cải tạo, nâng cấp và làm mới; 14.214 chuồng trại gia súc, gia cầm được cải tạo, nâng cấp và làm mới; thu gom, giải quyết 335 tụ điểm tồn đọng rác trái phép; khơi thông 1.539,47 km cống rãnh; trồng mới trên 1,5 triệu cây xanh.
Đến hết Quý II năm 2023, toàn tỉnh có 741.105 hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; 546.688 hộ gia đình được sử dụng nước sạch; 630.212 hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; 179.406 hộ gia đình có chuồng trại hợp vệ sinh; 1.429 trường học có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; 306 trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Một số đơn vị tổ chức chỉ đạo chưa tốt, không có nhiều hoạt động hưởng ứng Tuần lễ, nhiều hoạt động mang tính hình thức, không tạo được sự lan tỏa đến cộng đồng. Công tác thông tin, tuyên truyền ở một số địa phương chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Vẫn còn hiện tượng vứt rác sinh hoạt bừa bãi ở nơi công cộng, ven sông suối, ao hồ; xảy ra các trường hợp tắm giặt, xả thải vào nguồn nước thô của các nhà máy cấp nước. Nhận thức và hành vi của một bộ phận người dân nông thôn, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa về nước sạch và vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế; một số tập quán sinh hoạt và sản xuất lạc hậu của người dân vẫn tồn tại. Vẫn còn nhiều tụ điểm rác thải, chất thải không đúng quy định, nhiều địa phương gặp khó khăn về vị trí bãi đổ rác, chưa có biện pháp phân loại rác thải, công nghệ xử lý còn đơn giản dẫn đến hiệu quả còn hạn chế, gây ảnh hưởng tới môi trường...