(Thanhhoa.dcs.vn): Tính đến ngày 30/6/2023, trên địa bàn tỉnh có trên 20.127 doanh nghiệp đang hoạt động, gồm: 78 doanh nghiệp có vốn nhà nước, 119 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 19.930 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 390.500 người, trong đó số lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước khoảng 13.800 người, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 194.200 người, doanh nghiệp ngoài quốc doanh khoảng 182.500 người. Thu nhập của người lao động khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 6,4 triệu đồng; khối doanh nghiệp dân doanh khoảng 5,5 triệu đồng; khối doanh nghiệp có vốn nhà nước khoảng 6,6 triệu đồng.
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH); tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan BHXH thực hiện các nhiệm vụ mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, đạt được kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 480.210 người tham gia BHXH, trong đó có 400.001 người tham gia BHXH bắt buộc và 80.209 người tham gia BHXH tự nguyện (chưa bao gồm số người tham gia BHXH bắt buộc ở ngoài tỉnh, ngoài nước và trong lực lượng vũ trang); chiếm 28,55% lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các chính sách BHXH. Các ngành có liên quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Bưu điện tỉnh, Cục thuế tỉnh, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh... thường xuyên phối hợp, trao đổi, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ các quy định pháp luật không còn phù hợp; trao đổi, cung cấp thông tin về việc tham gia, tình hình chậm đóng BHXH; giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại trong giải quyết các chế độ BHXH; tăng cường các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách BHXH; thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành, xử phạt vi phạm hành chính về BHXH...
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH tới người lao động, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện, triển khai đồng bộ; chú trọng đổi mới phương pháp, nội dung truyền thông theo hướng linh hoạt, phù hợp thực tiễn theo từng thời điểm; áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí…), trực tiếp thông qua tập huấn, đối thoại doanh nghiệp và áp dụng phương thức tuyên truyền mới qua mạng xã hội (Facebook, Zalo…). Qua đó, tạo sự đồng thuận, tin tưởng và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tính nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH.
Trong giai đoạn từ 01/01/2020 - 30/6/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 23 hội nghị tập huấn triển khai Luật BHXH, Bộ luật Lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành cho 740 lượt người là chủ sử dụng lao động, cán bộ nhân viên làm công tác lao động, tiền lương và BHXH, an toàn vệ sinh lao động, cán bộ công đoàn cơ sở tại 283 doanh nghiệp; 453 lượt cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố, cán bộ công đoàn cấp huyện, hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động; in, phát hành 20.000 tờ rơi tuyên truyền về các chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn 27 doanh nghiệp về thực hiện chính sách BHXH; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và địa phương xây dựng phóng sự, bản tin, chuyên đề tuyên truyền về công tác BHXH; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động trong thực hiện chính sách BHXH... Thông qua các hoạt động tuyên truyền, đã tạo được sự chuyển biến về vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH; đồng thời, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động và người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm và quyền lợi của việc tham gia BHXH; góp phần xây dựng và củng cố quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH được quan tâm thực hiện thường xuyên. Nội dung thanh tra, kiểm tra chủ yếu là thanh tra về đóng BHXH; thanh tra liên ngành về thực hiện pháp luật BHXH; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH. Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, trong đó kết hợp thanh tra, kiểm tra về BHXH với thanh tra, kiểm tra pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động. Trong giai đoạn từ ngày 01/01/2020 - 30/6/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện 134 cuộc thanh tra có nội dung về BHXH tại 134 doanh nghiệp. Công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra về BHXH được quan tâm, chú trọng. Năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BXH, BHTN, BHYT, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/07/2021 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ tại 06 doanh nghiệp; chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT tại 10 doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT; tổ chức làm việc với 03 đơn vị nợ BHXH, BHTN, BHYT kéo dài không còn hoạt động trên địa bàn tỉnh. Nhờ công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra về BHXH, BHTN giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan đã chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế và đôn đốc doanh nghiệp thực hiện các kiến nghị, kết luận thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả hơn. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện một số sai phạm về BHXH của các doanh nghiệp như: chưa tham gia BHXH cho người lao động đầy đủ, ghi sai chức danh tham gia BHXH so với hợp đồng lao động, tiền lương đóng BHXH chưa đúng quy định, đã trừ tiền đóng BHXH của người lao động vào lương nhưng chưa trích nộp cho cơ quan BHXH; chậm nộp BHXH (thường là chậm 01 tháng)...
Bên cạnh việc phát triển người tham gia và thực hiện tốt công tác thu nộp BHXH, BHTN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH tại các doanh nghiệp, tăng cường đôn đốc trích nộp BHXH. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 30/6/2023, trên địa bàn tỉnh còn 5.399 đơn vị chậm đóng BHXH, với tổng số tiền chậm đóng là 518,940 tỷ đồng, gồm: Tiền chậm đóng BHXH là 402,663 tỷ đồng (đối tượng và đơn vị chậm đóng là 367,011 tỷ đồng; NSNN chậm đóng 35,652 đồng) và tiền lãi chậm đóng là 116,277 tỷ đồng.
Thống kê tình hình chậm đóng BHXH từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/6/2023 cho thấy: Số tiền lãi chậm đóng BHXH chiếm khoảng 22-26% tổng tiền chậm đóng (năm 2020 là 24,26%, năm 2021 là 26,05%, năm 2022 là 25,02% và hết tháng 6/2023 là 22,40%); tỷ lệ tiền BHXH chậm đóng so với số tiền BHXH phải thu giao động trên 6% (năm 2020 là 6,56%, năm 2021 là 6,40%, năm 2022 là 6,58% và hết tháng 6/2023 là 13,95%). Số tiền chậm đóng BHXH khó thu tăng nhanh qua các năm, cụ thể: năm 2020 là 56,116 tỷ đồng (chiếm 16,13% tổng số tiền chậm đóng BHXH); năm 2021 là 69,157 tỷ đồng (chiếm 18,39% tổng số tiền chậm đóng BHXH); năm 2022 là 105,607 tỷ đồng (chiếm 23,97% tổng số tiền chậm đóng BHXH); hết tháng 6/2023 là 117,939 tỷ đồng (chiếm 22,73% tổng số tiền chậm đóng BHXH). Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra 30 doanh nghiệp có nội dung về BHXH, trong đó: Đã thu được 01 tỷ đồng tiền chậm đóng BHXH, xử phạt 01 doanh nghiệp về BHXH; chưa phát sinh hồ sơ cần chuyển cơ quan Công an về hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Một số địa phương chưa quan tâm và nhận thức một cách đầy đủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn; thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc nên hiệu quả đạt thấp; nhiều doanh nghiệp vi phạm không được chấn chỉnh kịp thời. Việc xác định số lao động tham gia BHXH bắt buộc tại các đơn vị sử dụng lao động gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp thực hiện khai báo tình hình sử dụng lao động chưa thường xuyên, không kịp thời, thiếu chính xác; một số chủ sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc việc ký hợp đồng lao động với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (không ký hợp đồng với người lao động mà chỉ thỏa thuận miệng). Hiện tượng trốn nộp BHXH, nộp không đúng quy định vẫn còn phổ biến, chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sử dụng lao động mùa vụ hoặc sử dụng dưới 10 lao động. Người lao động làm việc ở các doanh nghiệp phần lớn xuất thân từ nông nghiệp, chưa am hiểu nhiều về pháp luật lao động; bên cạnh đó, công tác tuyên truyền tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng do kinh phí có hạn, việc tuyên truyền chưa thường xuyên nên còn nhiều người lao động chưa nắm được chính sách, chế độ BHXH. Mặt khác, do tình hình sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, một số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả nên tình trạng chậm đóng BHXH ngày càng tăng, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ cho người lao động...