(Thanhhoa.dcs.vn): Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 361/TB-VPCP ngày 31/8/2023 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 của ngành Giáo dục. Cụ thể như sau:

1. Ghi nhận và biểu dương kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm học 2022 - 2023 vừa qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành Giáo dục đã phấn đấu, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, đạt được nhiều kết quả nổi bật: cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo tiếp tục được hoàn thiện tương đối toàn diện, bao quát; đội ngũ giáo viên được quan tâm, cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu mang lại chuyển biến tích cực. Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập thực chất, hiệu quả hơn, nhất là việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học được thực hiện nghiêm túc, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, giảm áp lực, giảm chi phí cho xã hội. Một số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp thứ hạng cao. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện khó khăn được chú trọng phát triển; phong trào xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời được quan tâm.

Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế cần được kịp thời khắc phục như công tác hoàn thiện thể chế cho đổi mới giáo dục và đào tạo triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là đối với tự chủ đại học. Việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa còn một số bất cập. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp nhất là ở khu đô thị, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa dành quỹ đất để xây dựng trường, lớp dẫn đến tình trạng quá tải; sĩ số học sinh/lớp cao hơn nhiều so với quy định, làm gia tăng áp lực trong tuyển sinh đầu cấp, nhất là tuyển sinh vào lớp 10. Điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu; vấn đề nhà vệ sinh trong các trường học còn chưa bảo đảm. Còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bất cập giữa các cấp học, chưa đảm bảo đủ định mức giáo viên theo quy định, đặc biệt là giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Chính sách, chế độ đãi ngộ cần nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp để thu hút được đội ngũ giáo viên. Chất lượng đào tạo nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là những ngành nghề mới, lĩnh vực công nghệ cao. Còn tình trạng mất an toàn, ma túy, bạo lực học đường vẫn diễn ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

2. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương cần khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên; đồng thời, tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó lưu ý thực hiện một số trọng tâm sau:

a) Trước mắt, ngành Giáo dục cần tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời, hiệu quả 06 nhóm vấn đề: (i) phải kiên quyết, kiên trì không cho ma túy, tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường, xâm hại đến sức khỏe, đạo đức và nhân cách của học sinh, sinh viên; (ii) khắc phục bằng được tình trạng bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học cho học sinh, giáo viên trong mọi hoàn cảnh; (iii) hệ thống sách giáo khoa cần được đổi mới nhưng phải bảo đảm chuẩn mực, có tính ổn định tương đối và nghiên cứu phát triển theo yêu cầu thực tiễn; (iv) chú trọng nâng cao chất lượng hơn nữa giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục thường xuyên; (v) rà soát việc dạy và học môn học giáo dục công dân trong trường học phổ thông, bảo đảm chất lượng, thực chất, hiệu quả; (vi) có giải pháp nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, các trường học ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

b) Một số nhiệm vụ trọng tâm năm học tới:

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công điện số 747/CĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên cho năm học 2023-2024.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương:

- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi để thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; Chiến lược phát triển giáo dục; sớm nghiên cứu, công bố Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận xã hội.

- Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương bảo đảm nghiêm túc, khách quan, khoa học, sát thực tiễn, làm cơ sở để tham mưu với Bộ Chính trị ban hành văn bản chỉ đạo phù hợp nhằm tạo đột phá trong đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

- Nghiêm túc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu và thực tiễn đặt ra.

- Đẩy mạnh tự chủ giáo dục trên tinh thần “không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội” với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp với lộ trình cụ thể, rõ ràng để các cơ sở giáo dục tự chủ về chuyên môn, kinh phí nhưng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước theo quy định. Có giải pháp hiệu quả phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất lao động, thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ 4.0, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

- Thúc đẩy xã hội hóa, thu hút nguồn lực cho phát triển giáo dục, đào tạo; khuyến khích doanh nghiệp tham gia từ khâu đào tạo, thực hành đến khâu sử dụng lao động; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt phong trào xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương theo thẩm quyền có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non, trang bị cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học đang bị thiếu, xuống cấp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp từng địa phương. Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các địa phương tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng về đường truyền internet (xóa các điểm lõm về sóng và Internet) tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo; tuyên truyền về những tấm gương giáo viên, học sinh tiêu biểu để tạo sự lan tỏa trong xã hội; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai lệch, xuyên tạc về giáo dục.

(Nguyễn Ngọc Hưng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)