(Thanhhoa.dcs.vn): Sở Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành Kế hoạch số 65/KH-SNN&PTNT về triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu:

(1) 100% người dân sống ở vùng đệm và vùng lõi của vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn loài phải được tuyên truyền về bảo vệ, bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã, nhất là các loài động vật, thực vật hoang dã nhóm IA, IIA, IB, IIB và thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).

(2) Các hành vi vi phạm, tội phạm về khai thác, đánh bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép các loài thực vật, động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh; Đảm bảo tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm đa dạng sinh học, kiến nghị khởi tố đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 90%; 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về đa dạng sinh học phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật.

(3) Phấn đấu 100% cán bộ chuyên trách trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học được đào tạo, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu.

Để bảo đảm các mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đề ra các nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Thủ trưởng các đơn vị, từ cơ quan Sở đến các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức quần chúng khác, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị; ban hành chương trình, kế hoạch hành động, cụ thể hóa các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và có giải pháp phù hợp với từng đơn vị để thực hiện có hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và toàn ngành; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, kịp thời giải quyết những tình huống phức tạp, nổi cộm, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học: Các Chi cục Kiểm lâm, Thủy sản, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên, Vườn Quốc gia Bến En, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn những nội dung có liên quan trong các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, lâm sản như: cấm khai thác tận diệt; nhận diện, phòng, chống các loài ngoại lai xâm hại; bảo tồn, bảo vệ các loài động vật hoang dã, các loài chim di cư,... để tuyên truyền đến công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và nhân dân nơi đứng chân biết, thực hiện. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Sở chỉ đạo các phòng chức năng tham mưu tuyên truyền, phổ biến các văn bản QPPL về phòng, chống tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học; lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, vi phạm về đa dạng sinh học với các nội dung triển khai Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định của cấp trên.

- Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đa dạng sinh học: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi Thú y, Chi cục Phát triển Nông thôn, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, tích cực phối hợp với các lực lượng Công an, Hải quan, Biên phòng, Quản lý Thị trường,. tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo lĩnh vực được phân công liên quan đến đa dạng sinh học, nhất là đối với các hành vi nuôi, nhốt động vật hoang dã, vận chuyển lâm sản trái phép; hoạt động khai thác tận diệt chim hoang dã di cư; sử dụng chất, hóa chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt nông, lâm, thủy sản gây tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học. Chia sẻ thông tin về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học, danh sách cấp phép CITES... nhằm phục vụ cho công tác tra cứu thông tin của các lực lượng khác trong phòng ngừa, xử lý vi phạm.

- Rà soát, góp ý, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống tội phạm đa dạng sinh học: Các Chi cục trực thuộc Sở, thường xuyên rà soát các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của mình có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và xử lý vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học; để kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn hoặc những quan hệ pháp luật mới phát sinh trong thực tiễn những chưa có QPPL điều chỉnh; trên cơ sở đó, đề xuất, góp ý cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện QPPL.

(Nguyễn Ngọc Hưng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)