(Thanhhoa.dcs.vn): Ngày 30/8/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3061/QĐ-UBND về Phê duyệt Phương án ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, với các nội dung chính sau.
Qua công tác điều tra cơ bản của các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay có tổng số 77 cơ sở có nhà cao từ 10 tầng trở lên. Trong đó: 55 cơ sở thuộc lĩnh vực khách sạn; 02 cơ sở thuộc lĩnh vực bệnh viện, cơ sở y tế; 10 cơ sở thuộc lĩnh vực trụ sở làm việc, văn phòng; 08 cơ sở thuộc lĩnh vực nhà tập thể, nhà chung cư và 02 cơ sở thuộc lĩnh vực nhà đa năng. Nhà cao tầng thường có diện tích không gian sử dụng lớn, công năng sử dụng phức tạp, mật độ con người tập trung đông, tồn chứa nhiều khối lượng vật tư, thiết bị hàng hóa, chất dễ cháy. Lối thoát nạn chính là các buồng thang bộ (giao thông theo trục đứng) nên khi xảy ra sự cố, mật độ dòng người thoát nạn tăng nhanh khiến cho tốc độ và lưu lượng thoát nạn gặp nhiều khó khăn và chậm hơn so với di chuyển theo phương ngang, dẫn tới thời gian thoát nạn kéo dài. Khi có cháy tại các chung cư cao tầng, toàn bộ các tầng ở trên tầng bị cháy sẽ bị đe dọa bởi các yếu tố như lửa, khói, khí độc bốc lên từ đám cháy lan truyền dọc theo chiều cao công trình. Tốc độ, áp lực của gió càng trên cao càng lớn làm tăng tốc độ cháy lan và mức độ phức tạp của đám cháy. Hành lang giữa và các buồng thang bộ trong nhà cao tầng nếu không có giải pháp bảo vệ sẽ là các con đường lan truyền lửa, khói, hơi nóng, khí độc từ đám cháy lên các tầng trên và lan ra toàn nhà, đồng thời cản trở việc thoát nạn và đe doạ tính mạng những người chưa thoát kịp ra khỏi toà nhà.
Bên cạnh đó, lực lượng và phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tỉnh Thanh Hóa hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đối với chữa cháy nhà cao tầng đặc biệt là khả năng tiếp cận những đám cháy ở trên tầng cao, vì vậy sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi có sự cố cháy nổ xảy ra tại các công trình này. Nếu không xử lý vụ cháy kịp thời thì nhiệt độ cao trong thời gian dài có thể phá vỡ cấu trúc các cấu kiện xây dựng gây sụp đổ công trình dẫn đến thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 01 Khu kinh tế Nghi Sơn và 08 Khu công nghiệp, trong đó: 08/08 KCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được phê duyệt quy hoạch sau ngày Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực và 04 KCN trong Khu kinh tế Nghi Sơn có diện tích >50 ha. Với việc tăng cường công tác PCCC tại các KCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, cho thấy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện công tác PCCC của các chủ đầu tư Khu kinh tế và các KCN đã từng bước chuyển biến tích cực, như: các chủ đầu tư quan tâm lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy; thành lập đội PCCC cơ sở, chuyên ngành; xây dựng phương án chữa cháy; trang bị xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy; bố trí địa điểm doanh trại của Cảnh sát PCCC và CNCH đang hoạt động; nhiều vụ cháy trong và ngoài Khu kinh tế và các KCN được lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành Khu kinh tế và các KCN tích cực tham gia, phối hợp với lực lượng PCCC cơ sở tại các doanh nghiệp tổ chức chữa cháy kịp thời. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số chủ đầu tư Khu kinh tế và các KCN còn chủ quan trong việc thực hiện công tác PCCC.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 4.354 Khu dân cư trong đó có 296 Khu dân cư nguy cơ cháy nổ cao, tập trung chủ yếu ở các địa bàn có số lượng dân cư đông như thành phố Thanh Hóa. Trong các khu đô thị mới, đường giao thông bên trong các khu đô thị rộng, đảm bảo cho các phương tiện chữa cháy tiếp cận và triển khai chiến đấu dễ dàng. Tuy nhiên, đối với các khu dân cư cũ, được hình thành và phát triển trong thời gian từ hàng chục năm trước thì công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng đa phần không thực hiện bài bản; qua thời gian dân số tăng lên, người dân cải tạo, sửa chữa, lấn chiếm đã làm thay đổi về thiết kế, quy hoạch dẫn đến nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác chữa cháy. Qua khảo sát, phần lớn các khu dân cư, nhà dân được xây dựng, phân bổ ở các đô thị, xung quanh các chợ, các tuyến phố kinh doanh mua bán các loại hàng hóa dễ cháy như quần áo, giày dép, bông vải sợi, vàng mã, hóa chất, thu mua phế liệu, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, cửa hàng tiện ích...
Theo Đề án, UBND tỉnh dự kiến thực hiện phương án giả định thảm họa cháy lớn nhà cao tầng tại Vincom plaza Trần Phú Thanh Hóa, địa chỉ: 27 đường Trần Phú, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa. Giả định thảm họa cháy lớn khu công nghiệp tại Công ty TNHH Giầy SUNJADE Việt Nam, địa chỉ tại Khu C, Khu công nghiệp Lễ Môn. Giả định thảm họa cháy lớn khu đô thị, khu dân cư tại Chung cư thương mại 21 tầng Ruby Tower, địa chỉ tại Khu đô thị xanh, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện phương án…