Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương, đơn vị, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX và đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật đó là:

Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu thu hút đông du khách đến thăm quan. Ảnh: Hoài Anh

Đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách, dự án, đề án, kế hoạch quan trọng về phát triển văn hóa, như: Đề án "Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021 - 2030", Đề án “Xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030", Đề án “Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”, Kế hoạch về thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, Kế hoạch về bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2025, Kế hoạch bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, Dự án một số hạng mục thuộc dự án nhóm 3 di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, dự án bảo tồn tôn tạo một số hạng mục khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, dự án Bảo tồn tôn tạo và xây dựng tượng đài Bà Triệu....

Nhiều chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở vượt kế hoạch, như: tỷ lệ gia đình được công nhận "Gia đình văn hóa" năm 2021 đạt 79,1% (vượt 4,1% kế hoạch), năm 2022 đạt 83,7% (vượt 8,7% kế hoạch); tỷ lệ thôn, khu phố được công nhận "Khu dân cư văn hóa" năm 2021 đạt 80,5% (vượt 2,5% kế hoạch), năm 2022 đạt 83,3% (vượt 5,3% kế hoạch). Năm 2022, toàn tỉnh có 1.613 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa" giai đoạn 2021 - 2025, bằng 90% kế hoạch; có 878/3.798 xã, phường, thị trấn, cơ quan đạt tiêu chí kiểu mẫu, đạt 23,12% (vượt 3,12% kế hoạch)...

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được quan tâm thực hiện. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 79 dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích được chấp thuận chủ trương đầu tư; có 08 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, nâng tổng số di sản được xếp hạng các cấp lên 856 di tích, đạt 91,55% kế hoạch; trong đó: có 01 di sản văn hóa thế giới (Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc); có 05 di tích Quốc gia đặc biệt (Khu di tích Lam Kinh, huyện Thọ Xuân; Khu di tích Bà Triệu, huyện Hậu Lộc; Di tích khảo cổ Hang Con Moong, huyện Thạch Thành; Di tích Đền thờ Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân; Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn); 139 di tích được công nhận di tích cấp Quốc gia (bằng 98% kế hoạch); 711 di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh (bằng 90%kế hoạch). Có 18 di sản phi vật thể của tỉnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia (vượt 03 di tích so với kế hoạch).

Về phát triển thiết thế văn hóa, công trình văn hóa được đẩy mạnh thực hiện; hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 08 thiết chế, công trình văn hóa cấp tỉnh (gồm: Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh, Sân vận động tỉnh, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh), trong đó có 02 thiết chế đạt chuẩn theo quy định, gồm: Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn và Thư viện tỉnh. Có 20/27 huyện, thị xã có Trung tâm văn hóa - thể thao, đạt 74%. Toàn tỉnh có 532/559 xã, phường, thị trấn đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất về văn hóa (Hội trường đa năng và Trung tâm Văn hóa, thể thao) phục vụ cộng đồng, đạt 95,2%; trong đó chỉ có 280 xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, đạt 50,1%. Có 4.214/4.357 thôn, bản tổ dân phố có Nhà văn hóa - Khu thể thao, đạt 96,7%; trong đó có 2.958 Nhà văn hóa -Khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đạt 67,8%.

Tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức thành công Cuộc thi “Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023”. Ảnh: Nguyễn Đạt

Chất lượng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng được nâng cao; đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn tạo ấn tượng tốt với công chúng và du khách, tiêu biểu như: Kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa; Lễ Kỷ niệm 700 năm ngày mất của Nhà Sử học Lê Văn Hưu và khánh thành Đền thờ tại di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu; Lễ hội Lam Kinh năm 2022; Lễ hội Đền Bà Triệu; Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm 2023; Lễ hội Du lịch biển Sầm Sơn; kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào và 55 năm ký kết hợp tác giữa hai tỉnh Thanh Hóa -Hủa Phăn; 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Phối hợp tổ chức thành công cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2023 với sự tham gia của 23 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước… Nhiều cuộc Liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh được tổ chức thành công, tiêu biểu như: Liên hoan Nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh; liên hoan âm nhạc các nước ASEAN, liên hoan Đưa thông tin về cơ sở, Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa,…

Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh tại các địa phương. Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" được đông đảo Nhân dân tham gia tích cực, tự giác, hiệu quả. Phong trào xây dựng gia đình thể thao và CLB TDTT cơ sở ngày càng phát triển. Công tác xã hội hóa TDTT bước đầu thu được kết quả tốt, Nhân dân tự nguyện đóng góp công sức, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT ngày càng nhiều. Đến nay, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 44% dân số; gia đình thể thao đạt 30,5% số hộ; hằng năm tổ chức và phối hợp tổ chức thành công từ 15 đến 20 giải thể thao quần chúng cấp tỉnh; đặc biệt, đã tổ chức thành công Đại hội TDTT tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX.

Về phát triển nguồn nhân lực văn hóa được quan tâm; đến năm 2023, tổng số nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa là 1.842 người, trong đó: cấp tỉnh có 764 người (có 496 người có trình độ đại học trở lên, chiếm 64,9%; có 108 người có trình độ sau đại học, chiếm 21,7%.) Cấp huyện 519 người (có 459 người có trình độ đại học trở lên, chiếm 88,4%; 47 người có trình độ sau đại học, chiếm 10,2%. Cấp xã 559 người (có 513 người có trình độ đại học, chiếm 91,7%).

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng các hoạt động văn hóa, gắn việc đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nghị quyết đại hội đảng các cấp đi sâu vào cuộc sống. Các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành đối với việc nâng cao chất lượng văn hóa, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, thường xuyên, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, phổ biến nội dung Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 481/QĐ-UBND ngày 27/01/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân thông qua nhiều hình thức, như: học tập chuyên đề, tọa đàm, trao đổi; cổ động trực quan; tuyên truyền lưu động; thông tin truyền thông (tin, bài, phóng sự, chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề,...) về phát triển văn hóa.

Người dân khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ tại khu dân cư. Ảnh: Hoài Anh

Ba là, tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; quan tâm xây dựng cơ chế quản lý, phát triển văn hóa cơ sở, bảo vệ di tích văn hóa, di tích lịch sử; chú trọng phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, xây dựng hệ giá trị bền vững trong thời kỳ mới; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá sâu rộng về văn hóa Việt Nam, văn hóa Thanh Hóa. Đưa các chương trình văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu tham gia các lễ hội, liên hoan khu vực và quốc tế nhằm giới thiệu những giá trị đặc sắc của văn hóa Thanh Hóa.

Bốn là, tập trung bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030" và Đề án "Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021 - 2030"; quan tâm đầu tư, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể bằng nguồn ngân sách nhà nước và huy động xã hội hóa, quan tâm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu giá trị các di sản văn hóa của địa phương đến Nhân dân và du khách, đặc biệt quan tâm giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa tới học sinh, thế hệ trẻ trên địa bàn. Nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa dân tộc; đầu tư, bảo tồn một số làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng; đẩy mạnh công tác khoanh vùng, bảo vệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích trên địa bàn tỉnh.

Năm là, coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa đúng thực chất; xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực quản lý văn hóa;  tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về quản lý văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu, tài năng nghệ thuật; khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật. Đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Văn học -Nghệ thuật tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật. Phát huy vai trò, tăng cường sức sáng tạo và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp văn hóa, văn nghệ./.

Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.