Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do nhóm nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện từ năm 2005, nhằm đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh, đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên cả nước thông qua khảo sát, đánh giá của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có các yếu tố sau:(1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; (2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; (3) Môi trường kinh doanh minh bạch; (4) Chi phí không chính thức thấp;(5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; (6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; (7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; (8) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả; (9) Chính sách đào tạo lao động tốt; và (10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả, an ninh trật tự được duy trì.
UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023. “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Ảnh: Minh Hằng
Trong những năm qua, với sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự cố gắng nỗ lực của các ngành, các cấp trong trong tỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh được cải thiện mạnh mẽ; nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành; các thủ tục hành chính được đơn giản hóa và giảm tối đa thời gian giải quyết cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; công tác giải phóng mặt bằng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt; trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ ngày càng nâng cao; những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp được kịp thời tháo gỡ. Chính vì vậy, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Thanh Hóa nhiều năm được xếp trong nhóm tốt và nhóm khá của cả nước (năm 2013, xếp thứ 8; năm 2014, xếp thứ 10; năm 2015, xếp thứ 12; năm 2018, xếp thứ 25; năm 2019, xếp thứ 24), đã đưa Thanh Hóa trở thành một địa phương phát triển năng động, hiệu quả, có môi trường đầu tư thuận lợi, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650 nghìn tỷ đồng; trong đó, có 149 dự án đầu tư trực tiếp FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỷ USD, là tỉnh đứng thứ 8 của cả nước về thu hút vốn FDI. Đặc biệt, năm 2017, thu hút FDI đạt 3.019 triệu USD, đứng thứ 3 cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, quy mô nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa luôn trong top 10 của cả nước. Tiếp nối sự thành công của tỉnh, ngày 05/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, đánh giá Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc với Bắc Trung bộ. Đồng thời, đưa ra mục tiêu xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, tạo thành tứ giác phát triển.
Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, kết quả khảo sát đánh giá của doanh nghiệp do nhóm nghiên cứu của VCCI và USAID thực hiện cho thấy, một số doanh nghiệp đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của tỉnh còn có mặt hạn chế, thể hiện ở các lĩnh vực có chỉ số thành phần giảm điểm số như: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền… dẫn đến Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Thanh Hóa giảm thứ hạng so với những năm trước.
Việc doanh nghiệp đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của tỉnh còn một số mặt hạn chế do có những nguyên nhân khách quan, chủ quan và nhiều khó khăn, hạn chế đối với tỉnh Thanh Hóa, mà nguyên nhân chủ yếu là do: (1) Thiếu một số điều kiện để thu hút đầu tư như: Hạ tầng các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ; thiếu quỹ đất sạch; (2) Lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh đông nhưng phần lớn là lao động phổ thông, tay nghề, chất lượng chưa thực sự cao, trong khi lao động tay nghề cao tập trung ở thành phố lớn, nên việc tuyển dụng lao động chất lượng cao của các doanh nghiệp còn hạn chế, một số doanh nghiệp phải đào tạo lại lao động, ảnh hưởng đến Chỉ số đào tạo lao động;(3) Chỉ số PCI và các chỉ số thành phần được xây dựng chủ yếu trên cơ sở thu thập thông tin dữ liệu điều tra (sử dụng bảng hỏi) từ các doanh nghiệp, nên phụ thuộc nhiều vào cách đặt câu hỏi cũng như lựa chọn các doanh nghiệp để gửi bảng hỏi, thu thập dữ liệu; (4) Theo Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 do nhóm nghiên cứu của VCCI và USAID thực hiện, các phân tích trong báo cáo năm 2022 dựa trên kết quả điều tra các doanh nghiệp, với các chỉ số thành phần được khảo sát liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực (gồm: Cấp các loại giấy phép con, đất đai, môi trường, xây dựng, giáo dục, y tế, Công an, thuế, hải quan, ngân hàng, tòa án, đào tạo nghề, chất lượng giáo dục phổ thông, điểm thi trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thông tin về FTA, thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường, bảo hiểm xã hội, việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quy định của pháp luật…); (5) Các cấp, các ngành có lúc, có việc vẫn còn chưa thực sự năng động, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đối với công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp...; tinh thần, trách nhiệm, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao.
Trong thời gian tới, để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đưa Thanh Hóa trở thành một điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư, thành cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc, các cấp, các ngành trong tỉnh cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Đồng chí Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh giám sát công tác cải cách hành chính tại thị xã Nghi Sơn. Ảnh: Tố Phương
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới nền kinh tế số và xã hội số; giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí không chính thức và chi phí thời gian cho nhà đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn, tạo sự thân thiện, tin tưởng của người dân, doanh nghiệp với chính quyền địa phương. Tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành.
Thứ hai, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thanh Hóa, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Nâng cao chất lượng lập và sớm phê duyệt các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; kiến trúc đô thị theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giữa các ngành, các vùng, các địa phương, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI trao biểu trưng cho các đơn vị top đầu xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) năm 2022 khối các huyện, thị xã, thành phố. Ảnh: Minh Hằng
Thứ ba, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp và phải được thực hiện đồng bộ ở tất cả các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi khảo sát của VCCI như đã nêu trên; duy trì chế độ gặp gỡ, đối thoại trực tiếp định kỳ hằng tháng với doanh nghiệp để nắm bắt, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất, kinh doanh; đảm bảo tốt an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành; rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế, chính sách về sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu tư các hạ tầng thiết yếu. Tập trung huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, nhất là các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Thứ năm, quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật cao để phát huy lợi thế nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng triển khai thực hiện bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa (DDCI) để đánh giá năng lực cạnh trạnh của các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh và vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Thanh Hóa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, tìm kiếm thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh; tăng cường đấu mối chặt chẽ với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để đảm bảo kết quả khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phản ánh đầy đủ, toàn diện, khách quan, công bằng và minh bạch./.