Quy hoạch chung Đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 17/3/2023, với phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn (tổng diện tích khoảng 22.821ha).
Hội nghị công bố Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Ảnh: Minh Hiếu
Tính chất, chức năng Đô thị là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, đô thị tỉnh lỵ với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật của Tỉnh; là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và vùng phía Nam Bắc Bộ; là đầu mối giao lưu của tỉnh Thanh Hóa với cả nước và quốc tế; có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh; đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh dịch vụ và công nghiệp, nhất là dịch vụ chất lượng cao; phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, phát huy bản sắc văn hóa Xứ Thanh. Quy mô dân số Đô thị dự báo đến năm 2030 khoảng 780 - 800 nghìn người; đến năm 2040 khoảng 01 triệu người. Định hướng không gian Đô thị Thanh Hóa phát triển theo mô hình “tập trung, đa tâm”, lấy trung tâm đô thị hiện hữu làm hạt nhân, hình thành khung cấu trúc đô thị “03 trục phát triển - 06 trung tâm - 01 hành lang sinh thái tự nhiên”, với 12 khu vực phát triển, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng khu vực.
Quyết định số 259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển đô thị; mở ra triển vọng phát triển mới cho thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, đồng thời là động lực quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa trong tiến trình vươn tới mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc [5].
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Quy hoạch chung Đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tập trung quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch chung Đô thị Thanh Hóa đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, nhất là trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức, để từ đó có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn theo chức năng, nhiệm vụ cần làm tốt công tác truyền thông, công bố, công khai các nội dung quy hoạch theo quy định, như: Công bố thông tin quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; trưng bày bản vẽ, mô hình, hệ thống cơ sở dữ liệu về quy hoạch tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; in ấn, phát hành rộng rãi bản đồ quy hoạch đô thị… Qua đó để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các nhà tư vấn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và Nhân dân trên địa bàn tìm hiểu, khai thác các nội dung Quy hoạch chung Đô thị Thanh Hóa và liên hệ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quy hoạch. Trước mắt, Viện Quy hoạch Kiến trúc Thanh Hóa khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch và sớm phối hợp đăng tải lên Cổng thông tin điện tử công khai quy hoạch tỉnh Thanh Hóa [6], Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam [7], để các tổ chức, cộng đồng, cá nhân biết và thực hiện.
Thứ hai, triển khai thực hiện tốt các nội dung quy hoạch đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khoa học, nhất và về quản lý, phát triển đô thị, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, quản lý sử dụng đất, quản lý xây dựng công trình hạ tầng và không gian ngầm đô thị. Sở Xây dựng, UBND thành phố Thanh Hóa, UBND huyện Đông Sơn và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch, xác định rõ thời gian hoàn thành và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy để tổ chức thực hiện; tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Sở Xây dựng tổ chức lập Chương trình phát triển Đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040; xác định cụ thể danh mục, lộ trình triển khai xây dựng các khu vực phát triển đô thị; cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị; xây dựng danh mục dự án hạ tầng kỹ thuật khung, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ưu tiên đầu tư; xác định kế hoạch vốn, xây dựng các giải pháp về cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn hợp pháp trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển đô thị. Nghiên cứu, xây dựng “Đề án thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh”, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, quản trị đô thị, cung cấp, chia sẻ thông tin, tạo môi trường tương tác, kết nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp.
UBND thành phố Thanh Hóa tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố Thanh Hóa cho phù hợp với Quy hoạch chung Đô thị Thanh Hóa; UBND huyện Đông Sơn tổ chức lập mới các quy hoạch phân khu trên địa bàn huyện Đông Sơn. Đồng thời, các địa phương cần đẩy nhanh công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết đô thị, tổ chức lập thiết kế đô thị các tuyến đường, trục cảnh quan đô thị quan trọng, làm cơ sở để quản lý và kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn theo quy hoạch. Trong quá trình lập các quy hoạch phải quan tâm thiết kế không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, xem xét tính đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, các yếu tố về văn hóa, lịch sử để tạo điểm nhấn, bản sắc riêng cho Đô thị Thanh Hóa. Cần thiết phải có sự tham gia của người dân trong quá trình lập và thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết nhằm đảm bảo tính khả thi và phản ánh đúng nguyện vọng của người dân. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng quy hoạch thông qua lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch có đủ năng lực, trình độ, chuyên nghiệp, có kinh nghiệm để nghiên cứu lập quy hoạch, đáp ứng mục tiêu, tầm nhìn của Quy hoạch chung Đô thị Thanh Hóa và phù hợp với tình hình thực tế.
Diện mạo đô thị thành phố Thanh Hóa ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Minh Hiếu
Đồng thời, UBND thành phố Thanh Hóa, UBND huyện Đông Sơn có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thuộc địa bàn quản lý để thống nhất với Quy hoạch chung Đô thị Thanh Hóa.
Sở Nội vụ phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tham mưu, triển khai thực hiện Đề án sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa theo kế hoạch. Trước mắt, UBND thành phố Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Đông Sơn khẩn trương hoàn thành xây dựng Đề án Phân loại đô thị để đề nghị công nhận Đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I, làm cơ sở trình cấp thẩm quyền quyết định sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa.
Thứ ba, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án theo quy hoạch. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tài trợ kinh phí cho công tác lập quy hoạch nhằm sớm phủ kín các quy hoạch trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn.
Tiếp tục tập trung nguồn lực nhà nước để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng cấp thoát nước, cấp điện, hạ tầng xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt, hệ thống công viên, cây xanh đô thị…; nghiên cứu đầu tư một số dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn để tạo động lực phát triển cho thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn. Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, đầu tư các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ theo quy hoạch; trước mắt, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn chỉnh thủ tục để khởi công xây dựng các dự án lớn, như: Khu đô thị tại xã Hoằng Quang và phường Long Anh; khu đô thị thuộc Dự án số 4 khu đô thị mới trung tâm thành phố Thanh Hóa; khu đô thị dọc Đại lộ Nam Sông Mã; trung tâm thương mại tại phường Quảng Thành;… Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và phát huy tối đa tiềm năng con người.
Thứ tư, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn; kiểm tra, giám sát việc triển khai và thực hiện Quy hoạch chung Đô thị Thanh Hóa theo đúng các quy định hiện hành; quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở trong việc quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch, đảm bảo tính pháp lý và trật tự xây dựng trong quá trình thực hiện quy hoạch./.
[5] Theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
[6] https://thongtinquyhoach.thanhhoa.gov.vn/vi/index
[7] https://quyhoach.xaydung.gov.vn