Tỉnh Thanh Hóa nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, chịu ảnh hưởng của hai hình thế thời tiết Bắc Bộ và Trung Bộ, nên thường xuyên chịu tác động của hầu hết các loại hình thiên tai.
Do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt, khó lường và không tuân theo quy luật (điển hình là đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất đặc biệt lớn năm 2018, 2019 xảy ra trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa). Theo thống kê trong giai đoạn 2016 - 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 135 trận thiên tai, làm 83 người chết, 22 người mất tích, 23 người bị thương, gây thiệt hại kinh tế cho tỉnh khoảng 10.779 tỷ đồng; toàn tỉnh còn 97.080 hộ/385.067 nhân khẩu đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, cần phải sơ tán khi có thiên tai xảy ra.
Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: Phong Sắc
Nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai đối với sản xuất, đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp, giải pháp phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, chuyển từ thế bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Năm 2023, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện các phương án, biện pháp, giải pháp phòng, chống thiên tai, đạt được những kết quả tích cực, nổi bật là:
Thứ nhất, đã đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông, phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực cộng đồng về phòng, chống thiên tai thông qua nhiều hình thức, như: qua Cổng thông tin điện tử về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh (tại địa chỉ https://pctt.thanhhoa.gov.vn); qua các lớp tập huấn trực tiếp; qua chuyên mục “Chủ động phòng, chống thiên tai” của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; qua hệ thống thông tin cơ sở và các mạng xã hội như Facebook, Zalo... từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân đối với công tác phòng, chống thiên tai.
Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và ban hành đầy đủ hệ thống văn bản pháp lý, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai, để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, như: Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 12/4/2022 của UBND tỉnh về phòng, chống thiên tai giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 16/6/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai Quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Quyết định số 2646/QĐ-UBND ngày 16/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Phương án phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh; Công văn số 2691/SNN&PTNT ngày 06/6/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Diễn tập phòng, chống thiên tai tại xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương. Ảnh: Hải Đăng
Ngay từ đầu năm, các địa phương đã hoàn thành kiện toàn bộ máy Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo; tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023; rà soát, bổ sung, hoàn tất các công việc chuẩn bị cho phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, từ việc xây dựng, rà soát, cập nhật các kế hoạch, phương án, kịch bản ứng phó thiên tai đến kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ huy, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hậu cần,... để sẵn sàng ứng phó khi có các tình huống xảy ra; thành lập, kiện toàn 559/559 đội xung kích phòng, chống thiên tai xã, phường, thị trấn, với 50.589 người tham gia, trong đó nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ với vai trò là lực lượng tại chỗ, phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp trước khi có lực lượng bên ngoài tiếp cận.
Hồ chứa nước Thung Bằng, xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy được thi công cơ bản hoàn thành để bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai năm 2023. Ảnh: Linh Trường
Thứ ba, tổ chức rà soát các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện và có phương án sửa chữa, nâng cấp các công trình đã xuống cấp, nguy cơ mất an toàn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.008km đê (đứng đầu cả nước), 610 hồ chứa (đứng thứ 2 cả nước, sau tỉnh Nghệ An), trong đó đã xác định được 35 trọng điểm xung yếu về đê điều, 100 hồ chứa mất an toàn cần được đầu tư tu bổ, nâng cấp. Cùng với đó, đã tập trung thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng hoàn thành 4 khu tái định cư (bản Tang, xã Trung Thành và bản Lở, xã Nam Động, huyện Quan Hóa; khu Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn; bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát) để sắp xếp ổn định cuộc sống cho 151 hộ/750 nhân khẩu tại các địa phương; trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 17 dự án sắp xếp ổn định cho 556 hộ/2.739 nhân khẩu.
Thứ tư, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai được quan tâm; đã đầu tư các hệ thống tự động, cảnh báo sớm thiên tai, thực hiện dự báo thời tiết, thuỷ văn chi tiết đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 08 trạm đo khí tượng, 18 trạm thuỷ văn, 193 trạm đo mưa tự động, 15 trạm đo độ mặn, 01 trạm cảnh báo giông, sét và 24 hệ thống cảnh báo hạ du hồ chứa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Việc đầu tư tu bổ, nâng cấp, khắc phục những điểm xung yếu, mất an toàn của các công trình phòng, chống thiên tai còn chậm; số lượng dân cư sinh sống tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai chưa được di dời đến nơi an toàn còn lớn; vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế; đội ngũ cán bộ và lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai thiếu cả về số lượng và chất lượng, còn lúng túng trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do: Nguồn lực đầu tư của Trung ương, của Tỉnh và các địa phương cho công tác phòng, chống thiên tai còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Dự báo tình hình thời tiết, thiên tai từ nay đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng bất lợi của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu toàn cầu; trong đó sẽ có khoảng 8 - 11 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông; khu vực tỉnh Thanh Hóa có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của 01 - 02 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; kèm theo đó là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: dông, sét, lốc, mưa đá thường xuất hiện trong những tháng chuyển mùa, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở vùng đồng bằng, trũng thấp, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai, trọng tâm là mùa mưa, bão năm 2023, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cũng như người dân, cộng đồng; xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, chia sẻ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng về phòng, chống thiên tai phù hợp với từng khu vực, địa phương để các cấp, các ngành và người dân biết, thực hiện. Đối với khu vực miền núi, tập trung phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, chủ động ứng phó ngập lụt, thích nghi với lốc, sét, mưa đá, rét hại; đối với khu vực đồng bằng và ven biển, tập trung phòng, chống lũ lớn, bão, ngập lụt, hạn hán và sạt lở ven sông, ven biển; đối với khu vực đô thị, tập trung phòng, chống ngập úng đô thị khi mưa lớn, triều cường; đối với khu vực trên biển, chủ động phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền, các hoạt động kinh tế biển.
Hai là, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách của Tỉnh về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống tiên tai nhằm đánh giá việc xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” tại các địa phương; phương án bảo vệ an toàn các công trình phòng chống thiên tai; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu và bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn; việc tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố...; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, hạn chế của địa phương trong việc chuẩn bị công tác phòng, chống thiên tai.
Rà soát, bổ sung phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa thiết yếu cho công tác phòng, chống thiên tai tại các địa phương. Tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án xử lý sự cố hồ đập, đê điều, sơ tán dân, cứu nạn, cứu hộ… để chủ động thực hiện nhiệm vụ kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra. Củng cố, nâng cao năng lực các đội xung kích phòng, chống thiên tai xã, phường, thị trấn với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu, đặc biệt là ở các địa bàn trọng điểm.
Ba là, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Tập trung xây dựng, củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển, xử lý những trọng điểm xung yếu, nguy cơ cao mất an toàn khi thiên tai xảy ra. Đầu tư sửa chữa các đập, hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp; đồng thời rà soát, hoàn thiện quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa thuộc thẩm quyền của địa phương, đảm bảo phù hợp với những thay đổi về mục tiêu cắt, giảm lũ, cấp nước cho hạ du và phát điện của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, sớm hoàn thành đầu tư các dự án theo kế hoạch nhằm nâng cao khả năng chống chịu, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trước thiên tai.
Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai. Tăng cường đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị, công nghệ quan trắc, hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, các nhà tài trợ để lắp đặt, vận hành các thiết bị tự động dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh. Cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và các loại hình thiên tai phổ biến khác; xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực có nguy cơ cao.
Năm là, nâng cao khả năng phục hồi và tái thiết sau thiên tai; chú trọng việc nâng cao năng lực cứu trợ khẩn cấp, khôi phục sản xuất, khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu sau thiên tai, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và bền vững với phương châm “xây dựng lại tốt hơn”. Tập trung huy động đa dạng các nguồn lực cho khắc phục hậu quả thiên tai; ưu tiên nguồn lực từ Trung ương và địa phương để khẩn trương khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết những khu vực bị ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai, chú trọng đảm bảo chỗ ở và sinh kế cho người dân sau thiên tai./.