(Thanhhoa.dcs.vn): Nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, ngày 05 tháng 01 năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Văn bản số 112/SLĐTBXH-TEBĐG, đề nghị các huyện, thị xã, thành phố quan tâm triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các biện pháp bảo đảm môi trường sống an toàn và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, với nội dung chủ yếu như sau:
Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em theo nội dung Kế hoạch số 211/KH-UBND ngày 27/9/2021 của UBND tỉnh về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và thực hiện các biện pháp về bảo đảm môi trường sống an toàn và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Chủ động bố trí ngân sách để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; huy động, vận động kinh phí từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội để tham gia các hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại địa phương.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; tư vấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng cho cha, mẹ, gia đình, trẻ em, cộng đồng dân cư về tạo lập môi trường sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tăng cường tuyên truyền, vận động cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ bị tai nạn, thương tích, đặc biệt trong dịp lễ, tết và những ngày nghỉ trẻ em không đến trường.
Rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực nguy hiểm thường xảy ra tai nạn, thương tích hoặc có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em, đặc biệt là khu vực hố nước, ao, hồ, sông, ngòi, khu vực nước sâu nguy hiểm thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em. Tiếp tục triển khai, kiểm tra, đôn đốc hoạt động xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Thực hiện các biện pháp xử lý, cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có vụ việc tai nạn, thương tích trẻ em xảy ra; quan tâm hỗ trợ, động viên các gia đình có trẻ em bị tai nạn, thương tích, tử vong do tai nạn, thương tích. Tăng cường hoạt động phối hợp liên ngành trong việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát các khu vực, phương tiện, thiết bị có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em (đặc biệt là các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em ở các công trình xây dựng, các công trình công cộng, phương tiện giao thông, các địa điểm và thiết bị vui chơi dành cho trẻ em).