(Thanhhoa.dcs.vn): Để triển khai thực hiện văn bản số 122/BTNMT-BTĐD ngày 09/01/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đẩy mạnh thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 701/UBND-NN ngày 15/01/2024.
Theo đó, yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Cục trưởng Cục Hải quan Thanh Hóa; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thanh Hoá; Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tổng biên tập Báo Thanh Hóa; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp để tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật; không nuôi, trồng, mua bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại; không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã trái phép; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện (qua Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, theo dõi và tham mưu).
Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng, Công an xây dựng kế hoạch, tổ chức phối hợp liên ngành để thanh tra, kiểm tra các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh, gây nuôi động vật hoang dã, các tuyến vận chuyển hàng hóa trọng điểm, các khu vực đền chùa, miếu mạo, các lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Trạm Kiểm lâm, Kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám sát địa bàn để tham mưu cho Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tổ chức lực lượng thu gom dụng cụ, lưới bắt chim và kiên quyết không để xảy ra tình trạng giăng lưới bẫy bắt chim trên các cánh đồng, bãi bồi ven biển, khu vực rừng ngập mặn hoặc mua bán, vận chuyển chim hoang dã trên các tuyến đường, tuyến phố. Nếu địa phương nào còn để xảy ra tình trạng giăng lưới bẫy bắt chim hoặc mua bán, vận chuyển chim hoang dã trên các tuyến đường, tuyến phố thì tùy tính chất, mức độ vi phạm, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo quy định.
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường; UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện để phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn các trại nuôi, cơ sở nuôi động vật hoang dã thực hiện nghiêm túc quy định về công tác kiểm dịch, khử trùng, phòng trừ dịch bệnh và xử lý môi trường nhằm hạn chế, ngăn chặn kịp thời việc lây truyền mầm bệnh có nguồn gốc từ tiếp xúc với động vật hoang dã; hướng dẫn các chủ trại nuôi, cơ sở nuôi động vật hoang dã trao đổi, cung cấp thông tin, báo cáo ngay với chính quyền địa phương và các Trạm Kiểm lâm, Trạm y tế xã, Hạt Kiểm lâm, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện và các cơ quan chuyên môn liên quan về sức khỏe, triệu chứng và tình hình phát sinh dịch bệnh và lây nhiễm của đàn vật nuôi, người nuôi để có biện pháp ngăn chặn, khống chế kịp thời.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định.