Phát biểu tham luận với Hội thảo khoa học về đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, do Bộ Công an tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng; những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đến công tác phòng, chống tội phạm; xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, thường xuyên, liên tục và lâu dài nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tham luận với Hội thảo tại điểm cầu Công an tỉnh Thanh Hóa.
Sáng 18/1, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học về đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị.
Dự tại điểm cầu Công an tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thiếu tướng Trần Phú Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo Công an tỉnh.
Các điểm cầu trực tuyến. (Ảnh chụp qua màn hình.)
Hội thảo khoa học nhằm nghiên cứu và quán triệt các quan điểm chủ đạo của Đảng, Nhà nước trong triển khai công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới. Đồng thời từ thực tiễn, lý luận, các đại biểu dự hội thảo sẽ cung cấp nhiều góc nhìn đa dạng về công tác phòng chống tội phạm theo chức năng của từng ngành. Từ đó nhận diện đầy đủ hơn các khía cạnh của công tác phòng chống tội phạm, góp phần tìm ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm.
Tham luận của các nhà khoa học, lãnh đạo gửi tới hội thảo và phát biểu tại hội thảo đã trao đổi, thảo luận những nội dung trọng tâm về quan điểm, chủ trương phòng ngừa tội phạm, lý luận phòng ngừa tội phạm; phân tích, đánh giá, nhận diện và dự báo tình hình tội phạm; đánh giá kết quả việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm thời gian qua; phân tích, làm rõ căn cứ để đề xuất những giải pháp mang lại hiệu quả và cần bổ sung những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới...
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tham luận với Hội thảo tại điểm cầu Công an tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu tham luận với hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề cập đến chủ đề: Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thanh Hóa - Kết quả, bài học kinh nghiệm và những nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quan trọng này trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng; những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đến công tác phòng, chống tội phạm; xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, thường xuyên, liên tục và lâu dài nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong từng giai đoạn cụ thể và hằng năm, căn cứ yêu cầu thực tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT... Đồng thời, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa, thể chế hóa ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án về phòng, chống tội phạm, như: Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống tội phạm ma túy, các Đề án nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, phòng, chống tội phạm giết người, tội phạm cố ý gây thương tích...
Với phương châm “Kết hợp giữa phòng ngừa và đấu tranh, lấy phòng ngừa là cơ bản", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Nhiều địa phương, đơn vị đã lựa chọn các mô hình giữ gìn ANTT phù hợp với điều kiện, đặc điểm, phát huy tính chủ động, ý thức tự giác của cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, như: Mô hình “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội“của Hội Phụ nữ tỉnh; mô hình “Câu lạc bộ thanh niên phòng, chống tội phạm” của Tỉnh đoàn Thanh niên; mô hình “Doanh nhân với an ninh Tổ quốc” tại huyện Nga Sơn; mô hình “Tự quản đường biên cột mốc” ở các xã biên giới; mô hình “Công nhân môi trường - chiến sĩ tuần tra và mô hình”Camera giám sát ANTT” ở TP Thanh Hóa...
Năm 2023 vừa qua, tội phạm về TTXH trên địa bàn giảm 7,5% so với năm 2022, điều tra làm rõ 1.045 vụ, 2.085 đối tượng, đạt 75,18%; án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ 97%. Hoạt động của các loại tội phạm được kiềm chế, không lộng hành, phức tạp, nhức nhối; không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, bức cung, nhục hình trong hoạt động tố tụng hình sự; không để phát sinh các loại tội phạm có tổ chức nhất là hoạt động của băng nhóm, không có các tụ điểm tệ nạn xã hội phức tạp... Những kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa phát triển.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Công an tỉnh Thanh Hóa.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Từ thực tiễn lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là: Phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của các cấp ủy Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của chính quyền trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm; phối hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với đấu tranh, trấn áp tội phạm, trong đó lấy phòng ngừa là cơ bản, theo phương châm “phòng ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ, nhân tố phát sinh tội phạm”. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với đặc điểm tình hình địa bàn, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thông qua việc vận hành hiệu quả cơ chế phối hợp giữa lực lượng Công an với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của chính quyền, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt... Chú trọng xây dựng, duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở cơ sở; chăm lo xây dựng lực lượng Công an Nhân dân trong sạch, vững mạnh... Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các sở, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm.
Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Thời gian tới tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Luôn xác định phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, vai trò nòng cốt của lực lượng Công an.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm và năng lực bảo vệ ANTT, tích cực phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm, tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; coi đó là nghĩa vụ và quyền lợi để góp phần bảo vệ sự bình yên cho cá nhân, gia đình và xã hội. Tăng cường lãnh đạo Đảng bộ Công an tỉnh và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị làm tốt công tác xây dựng lực lượng, làm cho Công an ở tất cả các địa bàn, lĩnh vực trong toàn tỉnh đều mạnh...
Khẳng định để công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm đạt hiệu quả, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cho rằng công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với các lực lượng chức năng, ngành Kiểm sát, Tòa án và các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp... cần được tăng cường. Tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, góp phần ổn định xã hội, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.