(Thanhhoa.dcs.vn): Thanh Hóa nằm ở cực Bắc Trung bộ, là địa bàn trọng điểm chiến lược về quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước. Phía Bắc giáp 03 tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Ninh Bình; phía Nam giáp tỉnh Nghệ An; phía Đông giáp Biển Đông với chiều dài 102 km bờ biển; phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) có chiều dài đường biên giới 213,604 km. Thanh Hóa có đầy đủ 3 vùng địa lý: Miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển, với diện tích tự nhiên 11.120 km2, dân số trên 3,7 triệu người, bao gồm 07 dân tộc anh em (Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú). Về đơn vị hành chính, Tỉnh có 27 huyện, thị xã, thành phố (02 thành phố, 02 thị xã, 23 huyện), 559 xã, phường, thị trấn (60 phường, 30 thị trấn và 469 xã); trong đó khu vực miền núi có 11 huyện, 175 xã, thị trấn, diện tích gần 8.000 km2, dân số trên 01 triệu người (gần 700.000 đồng bào dân tộc thiểu số).
Với đặc điểm là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, trong các giai đoạn lịch sử, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, Thanh Hóa là địa bàn tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự (ANTT). Nhìn lại hơn 10 năm trước, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và luôn có xu hướng gia tăng về tính chất, mức độ, với những phương thức và thủ đoạn tinh vi, đa dạng, xảy ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; đã hình thành một số băng, ổ nhóm tội phạm hình sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm để trả thù lẫn nhau, bảo kê các tổ chức cờ bạc, đòi nợ thuê, huỷ hoại tài sản, tranh giành địa bàn làm ăn, ném chất bẩn vào nhà dân gây bức xúc trong dư luận xã hội. Mặt khác, tội phạm ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao,... cũng có dấu hiệu phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về kinh tế, xã hội tại địa phương.
Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, xây dựng và ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đảm bảo ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” và Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới” và Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”... Trong từng giai đoạn cụ thể và hằng năm, căn cứ yêu cầu tình hình thực tế, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành các nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; đặc biệt, ngày 01/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên”... Bên cạnh đó, đã lãnh đạo Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể hóa, thể chế hóa ban hành nhiều nghị quyết, đề án về phòng, chống tội phạm, như: Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 11/12/2022 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2027, Quyết định số 272/QĐ-UBND ngày 21/01/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”, Quyết định số 2022/QĐ-UBND ngày 14/6/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Phòng, chống tội phạm giết người và tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”… Các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Tỉnh đã đáp ứng yêu cầu bức thiết công tác phòng, chống tội phạm trong từng giai đoạn cụ thể nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Với phương châm “Kết hợp giữa phòng ngừa và đấu tranh, lấy phòng ngừa là cơ bản”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Các cấp, các ngành, địa phương đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt từ khâu triển khai, quán triệt đến thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm; thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, đề án, vận động đoàn viên, hội viên tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, quản lý, cảm hoá, giáo dục người vi phạm tại gia đình và cộng đồng dân cư; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đẩy mạnh xây dựng khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Nhiều địa phương, đơn vị đã lựa chọn các mô hình giữ gìn ANTT phù hợp với điều kiện, đặc điểm, phát huy tính chủ động, ý thức tự giác của cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia, như: Mô hình “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” của Hội Phụ nữ tỉnh; mô hình “Câu lạc bộ thanh niên phòng, chống tội phạm” của Tỉnh đoàn Thanh niên; mô hình “Doanh nhân với an ninh Tổ quốc” tại huyện Nga Sơn; mô hình “Tự quản đường biên cột mốc” ở các xã biên giới; mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” ở các huyện Hậu Lộc, Nông Cống, Thiệu Hóa, Ngọc Lặc; mô hình “Công nhân môi trường - chiến sĩ tuần tra” và mô hình “Camera giám sát ANTT” ở thành phố Thanh Hóa...
Được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lực lượng Công an đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm ANTT, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể; tăng cường lực lượng, bám sát địa bàn cơ sở để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tổ chức nhân dân tích cực tham gia các nội dung xây dựng khu dân cư an toàn về ANTT. Chỉ đạo đồng bộ các biện pháp công tác để giải quyết kịp thời, hiệu quả tình hình và các vụ việc phức tạp, nổi cộm xảy ra trên từng địa bàn, từng thời điểm, tạo niềm tin và chỗ dựa cho nhân dân tích cực tham gia công tác bảo đảm ANTT. Trong giai đoạn 2021-2020, lực lượng Công an đã điều tra làm rõ 14.546 vụ, 29.217 đối tượng, đạt tỷ lệ 83,7%; án đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 98%; bắt, vận động, thanh loại 3.168 đối tượng truy nã, trốn thi hành án, đưa 456 đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Nhiều vụ án, chuyên án lớn được điều tra làm rõ, qua đó đã đấu tranh triệt xoá trên 1.510 băng, ổ nhóm tội phạm với trên 5.740 đối tượng; không để xảy ra tình trạng các băng, nhóm tội phạm theo kiểu “xã hội đen” hoạt động lộng hành, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Phát hiện, bắt giữ 7.409 vụ, 9.229 đối tượng liên quan đến ma tuý, thu giữ trên 500 kg ma túy các loại; đấu tranh triệt xóa 105 đường dây mua bán, vận chuyển lớn các chất ma túy, triệt xóa 68 tụ điểm, 418 điểm phức tạp về ma tuý. Phát hiện, xử lý 5.575 vụ, việc về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường; khởi tố 374 vụ, 603 bị can; trong đó có 71 vụ, 166 bị can phạm tội về tham nhũng, chức vụ.
Với những kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo đảm ANTT, đã góp phần tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Kinh tế tăng trưởng cao; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,1%; đặc biệt trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng năm 2021 vẫn đạt 8,85%, năm 2022 đạt 12,51%, năm 2023 đạt 7,01%. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước và cao nhất khu vực Bắc Trung bộ và nam Trung bộ. Huy động vốn đầu tư hằng năm đạt kết quả tốt; thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt trên 51 nghìn tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Các hoạt động văn hóa – xã hội được chăm lo, đời sống Nhân dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,52% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025). Quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị có nhiều đổi mới và đạt kết quả tích cực.
Từ thực tiễn công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh thời gian qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là:
Một là, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của các cấp ủy Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của các cấp chính quyền trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm; phối hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với đấu tranh, trấn áp tội phạm, trong đó lấy phòng ngừa là cơ bản, theo phương châm "phòng ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ, nhân tố phát sinh tội phạm".
Hai là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với đặc điểm tình hình địa bàn, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thông qua việc vận hành hiệu quả cơ chế phối hợp giữa lực lượng Công an với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của chính quyền, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt.
Ba là, chú trọng chỉ đạo xây dựng, duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hoà giải về ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở cơ sở; động viên, khích lệ nhân dân tích cực tham gia xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường… an toàn về ANTT; chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, giáo dục, giúp đỡ, cảm hoá người vi phạm pháp luật tái hoà nhập cộng đồng.
Bốn là, chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; trọng tâm là củng cố lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại cơ sở, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đủ sức giải quyết các vấn đề phức tạp ngay từ cơ sở. Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, Công an tỉnh đã điều động, bổ sung hơn 100 cán bộ, chiến sĩ từ tỉnh về các huyện và các xã, thị trấn, nâng tổng số cán bộ, chiến sĩ Công an chính quy bố trí cho các xã, thị trấn lên 2.682 người, bình quân mỗi Công an xã, thị trấn có 5,37 biên chế.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các sở, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tội phạm. Phát huy tối đa vai trò của cơ quan kiểm tra cấp ủy phối hợp với cơ quan chuyên trách trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo công tác phòng, chống tội phạm.
Theo dự báo, những năm tới, với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những ảnh hưởng từ mặt trái của cơ chế thị trường sẽ tác động sâu sắc lên đời sống, văn hóa, xã hội, đạo đức, lối sống, nhất là đối với giới trẻ. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ sẽ xuất hiện nhiều loại tội phạm mới với thủ đoạn tinh vi, che đậy dưới nhiều vỏ bọc hợp pháp, tính chất lưu động ngày càng cao hơn, xu hướng phân chia, hoạt động theo địa giới hành chính sẽ giảm dần; tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm về môi trường ngày càng phức tạp với phạm vi tác động và hậu quả ngày càng nghiêm trọng.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm, thời gian tới tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Luôn xác định phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp uỷ đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, vai trò nòng cốt của lực lượng Công an.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác truyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm và năng lực bảo vệ ANTT, tích cực phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm, tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; coi đó là nghĩa vụ và quyền lợi để góp phần bảo vệ sự bình yên cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Thứ ba, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an làm tốt công tác xây dựng lực lượng, làm cho Công an ở tất cả các địa bàn, lĩnh vực trong toàn tỉnh đều mạnh; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đổi mới tư duy, nhận thức, nhận diện một cách đầy đủ về môi trường, đối tượng đấu tranh, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm để chủ động phòng ngừa, kết hợp chặt chẽ với tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung vào công tác nghiệp vụ cơ bản, các biện pháp phòng ngừa, kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội; đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm chiếm tỷ lệ cao và gây bức xúc trong Nhân dân. Chủ động lập án đấu tranh, nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá án; khám phá nhanh các vụ án lớn, triệt xoá các băng, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đường dây mua bán ma tuý, tội phạm kinh tế, tham nhũng, môi trường,... tạo môi trường ổn định để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với các lực lượng chức năng, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, doanh nhân,... trong phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm; phối hợp với các ngành Kiểm sát, Tòa án nhân dân nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, tạo khí thế áp đảo tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm cuộc sống bình yên của Nhân dân. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, biên chế và điều kiện làm việc để các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống tội phạm đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ năm, tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, góp phần ổn định xã hội, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Bên cạnh đó, phải kết hợp chặt chẽ giữa việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với việc đảm bảo ANTT, giải quyết việc làm cho người lao động, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương ngày càng phát triển./.