(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 06/4/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai, thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2021 - 2025”; trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Đề án, đạt được kết quả tích cực.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị đã quan tâm thành lập, củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo và bố trí lực lượng làm công tác PCCC và CNCH, bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Toàn tỉnh đã củng cố, kiện toàn 27/27 Ban chỉ đạo cấp huyện, 559/559 Ban chỉ đạo cấp xã; củng cố, kiện toàn 4.351 đội dân phòng thôn, bản, khu phố (đạt tỷ lệ 100%), với 43.510 thành viên; củng cố, kiện toàn 6.075 đội PCCC cơ sở (đạt tỷ lệ 100%); củng cố, kiện toàn 21/23 đội PCCC chuyên ngành thuộc diện phải thành lập đội PCCC, với 452 thành viên (còn 02 đơn vị chưa thành lập Đội PCCC chuyên ngành, gồm: Khu công nghiệp luyện kim thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga). Kết quả đánh giá, phân loại Đội dân phòng và Đội PCCC cơ sở năm 2023 như sau: (1) Đối với Đội dân phòng: Có 460/43.510 đội xếp loại Tốt, chiếm 10,6%; 2.832/43.510 đội xếp loại Khá, chiếm 65,1%; 1.059/43.510 đội xếp loại trung bình, chiếm 24,3%. (2) Đối với Đội PCCC cơ s: Có 853/6.075 đội xếp loại Tốt, chiếm 14,04%; 3.915/6.075 đội xếp loại Khá, chiếm 64,4%; 1.103/6.075 đội xếp loại Trung bình, chiếm 18,15%; 204/6.075 đội không phân loại, chiếm 3,41%.

Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng, đăng tải 01 phim tài liệu, 43 phóng sự, 573 lượt tin bài tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH trên các phương tiện thông tin đại chúng và Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh và Cục C07 (Bộ Công an); phối hợp tổ chức hoạt động trải nghiệm thực hành chữa cháy, CNCH tại 132 điểm tuyên truyền, thu hút hơn 67.000 cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, đại diện các hộ gia đình sinh sống tại các chung cư, khu dân cư trên địa bàn tỉnh tham gia, hưởng ứng. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho hơn 6.000 cơ sở ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trong dịp Tết Nguyên đán; phát sóng 20.807 lượt tin, bài tuyên truyền về PCCC và CNCH trên hệ thống truyền thành, truyền hình cơ sở; tổ chức 12.675 buổi tuyên truyền trực tiếp hướng dẫn các kỹ năng PCCC và CNCH, kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước, thu hút 998.906 người tham gia; in, cấp phát 244.535 tờ rơi, cẩm nang tuyên truyền về PCCC và CNCH...

Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình an toàn PCCC. Đến nay, 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã ra mắt và duy trì hoạt động hiệu quả của 1.967 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 1.436 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”; tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC cho 905.506 thành viên hộ gia đình (đạt 95,8%); vận động 789.054 hộ gia đình trang bị bình chữa cháy (đạt 83,5%); vận động 24.109 chủ hộ đang sinh sống tại các căn nhà ở có từ 02 tầng trở lên lắp dựng lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2 (đạt 100%).

Việc xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia PCCC được đẩy mạnh. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 80 đơn vị đăng ký trở thành hoặc giữ vững danh hiệu điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC và CNCH. Cơ quan Công án đã báo cáo, đề nghị cấp có thẩm quyền xét công nhận điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC đối với 78 đơn vị.

Công tác huấn luyện nghiệp vụ về PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành và dân phòng được tăng cường. Trong năm 2023, đã tổ chức 192 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 15.928 thành viên đội phòng cháy cơ sở, cấp 15.999 giấy chứng nhận; tổ chức 99 lớp huấn luyện nghiệp vụ CNCH cho 3.650 người tham gia, cấp 3.462 giấy chứng nhận. Tổ chức 82 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH chuyên sâu tại 27 huyện, thị xã, thành phố cho 4.920 thành viên đội dân phòng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xã, phường, thị trấn còn mang tính hình thức; việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu. Lực lượng tham gia đội dân phòng thường xuyên thay đổi; nhiều đội dân phòng được thành lập còn mang tính hình thức; chưa được trang bị đầy đủ phương tiện PCCC và CNCH thiết yếu; nhiều thành viên chưa được huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện về PCCC và CNCH theo quy định; chưa chủ động xây dựng phương án PCCC và CNCH tại địa bàn quản lý; việc tổ chức thực tập, diễn tập phương án PCCC và CNCH chưa được lực lượng dân phòng thực hiện thường xuyên dẫn đến thiếu kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để xử lý kịp thời khi có cháy, nổ, xảy ra. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng, chưa thực sự coi trọng công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các khu dân cư; chưa bố trí được nguồn kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện công tác PCCC, CNCH, đặc biệt là huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH, trang bị, phương tiện PCCC và CNCH cho đội dân phòng...

Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau đây:

(1) Tiếp tục tham mưu triền khai thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân PCCC giai đoạn 2021 - 2025” năm 2024; trong đó, đẩy mạnh phát động sâu rộng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy theo phương châm "bốn tại chỗ", tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC, CNCH, kỹ năng thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn, sự cố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp tại cơ sở và khu dân cư.

(2) Đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền phù hợp theo từng nhóm đối tượng để truyền tải được kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH, góp phần phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ để xảy ra cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, kỹ năng PCCC cho lực lượng tại chỗ. Xây dựng và tổ chức thực tập các phương án chữa cháy, CNCH tại địa bàn cơ sở có lực lượng Dân phòng tham gia. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn PCCC theo hướng tự nguyên, tự phòng, tự quản tại các khu dân cư nhằm thu hút người dân cùng tham gia để mỗi địa phương được bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa sự cố cháy, nổ xảy ra.

(3) Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động có hiệu quả các Ban Chỉ đạo công tác PCCC và CNCH các cấp, xây dựng lực lượng tại chỗ theo đúng nội dung của Đề án. Kiểm tra, hướng dẫn người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở thành lập, ban hành quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện, bảo đảm các điều kiện cần thiết và duy trì hoạt động của đội PCCC chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu hoạt động đặc thù của cơ sở.

(4) Thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội dân phòng; kịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức lực lượng dân phòng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Chú trọng rà soát, lựa chọn, giới thiệu những công dân đủ năng lực, trách nhiệm và uy tín để bổ nhiệm vào các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra chế độ hoạt động của lực lượng dân phòng. Chú trọng việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, biện pháp, kế hoạch công tác; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; các quy định về lề lối làm việc, quy trình công tác, kịp thời phát hiện, uốn nắn, khắc phục những hạn chế, thiếu sót về công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại cơ sở.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)