Sáng 28/1, tại Trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến về thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) - Dự án đặc biệt quan trọng với an ninh năng lượng quốc gia. Buổi làm việc được kết nối trực tuyến tới các tỉnh có dự án đi qua.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Dự buổi làm việc tại Trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).

Các đại biểu dự hội nghị.

Về phía tỉnh Thanh Hóa, có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh, các đơn vị liên quan.

Dự án đặc biệt quan trọng với an ninh năng lượng quốc gia

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện EVN - ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV cho biết: Các Dự án đường dây 500kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) có tổng chiều dài khoảng 519km, điểm đầu là Trung tâm điện lực Quảng Trạch, điểm cuối là Trạm biến áp 500kV Phố Nối. Trong đó, đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu có chiều dài 225,8km, 2 mạch dây dẫn 4 x ACSR 500; đoạn Quỳnh Lưu - Thanh Hóa có chiều dài 92km, 2 mạch dây dẫn 4 x ACSR 400; đoạn Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa có chiều dài 74,4km, 2 mạch dây dẫn 4 x ACSR 330 và đoạn Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối có chiều dài 126,9km, 2 mạch dây dẫn 4 x ACSR 330.

Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV EVN báo cáo tại hội nghị.

Các Dự án đi qua 9 tỉnh gồm: Quảng Bình (1,69km), Hà Tĩnh (141,52km), Nghệ An (100,04km), Thanh Hoá (131,77km), Ninh Bình (7,83km), Nam Định (55,08km), Thái Bình (38,93km), Hải Dương (30,79km), Hưng Yên (11,27km). Tổng mức đầu tư các Dự án là hơn 22.356 tỷ đồng, do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thuộc EVN làm chủ đầu tư.

Theo ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV EVN, đến thời điểm này, tất cả các Dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định của pháp luật. Công tác lựa chọn nhà thầu được tiến hành sớm và hoàn thành ở một số gói thầu.

Công tác giải phóng mặt bằng cũng đã đạt được một số kết quả khả quan. Dự án đường dây 500kV Nam Định I - Thanh Hóa đã bàn giao được 175/180 vị trí móng và 35/75 khoảng néo; các Dự án đường dây 500kV Nam Định I - Phố Nối; Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu - Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành công tác phê duyệt bản đồ trích đo và đang thực hiện công tác vận động để tạm ứng chi trả bồi thường, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Trong đó, đường dây 500kV NMNĐ Nam Định I - Phố Nối đến hết ngày 27/1/2024 đã vận động bàn giao được 209/334 vị trí móng; đường dây Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đã bàn giao được 39/463 vị trí móng; đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa đã bàn giao được 46/202 vị trí móng.

Các điểm cầu dự hội nghị. (Ảnh chụp màn hình).

Chủ tịch HĐTV EVN nhấn mạnh: Dự án đường dây 500kV mạch 3 là dự án trọng điểm, cấp bách, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia, nhất là đối với khu vực miền Bắc. Dự án có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tăng cường năng lực lưới điện truyền tải 500kV Bắc - Trung, góp phần bảo đảm cung cấp điện cho miền Bắc ngay ở thời điểm hiện tại và trong những năm tới.

Dự án đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các địa phương có dự án đi qua để có được bước khởi đầu thuận lợi. Tuy vậy khối lượng công việc còn lại rất nhiều. Để phấn đấu hoàn thành các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN/EVNNPT cũng kiến nghị nhiều vấn đề và mong muốn các bộ, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan vào cuộc tích cực, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

Thanh Hóa vào cuộc quyết liệt ngay từ những ngày đầu thực hiện dự án

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị, địa phương đã tập trung thảo luận nêu bật những thuận lợi, khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao vị trí móng cột, công tác thi công... Đồng thời thể hiện quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện hiệu quả các dự án được giao theo kế hoạch.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 2 dự án 500kV thuộc các dự án Đường dây 500kV mạch 3 gồm: Dự án 500kV Nam Định 1 - Thanh Hóa và Dự án 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa. Trong đó, dự án 500kV Nam Định 1 - Thanh Hóa có chiều dài 56,4km, gồm 133 vị trí móng cột (thuộc địa bàn 6 huyện: Nga Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định và Thiệu Hóa). Đến hết ngày 27/1/2024, đã hoàn thành vận động Nhân dân bàn giao toàn bộ mặt bằng của 133/133 vị trí móng cột cho chủ đầu tư tiến hành thi công, đạt 100% (vượt tiến độ theo cam kết của tỉnh Thanh Hóa trước 1 tháng).

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Đối với dự án 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa có chiều dài 74,6km, gồm 168 vị trí móng cột (thuộc địa bàn huyện Nông Cống, Như Thanh, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Đông Sơn và thị xã Nghi Sơn). Đến hết ngày 27/1/2024, chủ đầu tư đã bàn giao mốc và các địa phương trong tỉnh đã tổ chức kiểm đếm 166/168 vị trí móng cột; 2 vị trí móng cột còn lại đang thực hiện vi chỉnh để tránh khu di tích Phủ Vạn, huyện Triệu Sơn. Hiện nay, đã vận động bàn giao được 66/168 vị trí móng cột và các đơn vị đang thực hiện các thủ tục tiếp theo để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao các vị trí móng cột để thi công.

Qua quá trình triển khai thực hiện dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn chia sẻ một số bài học kinh nghiệm liên quan đến công tác chuẩn bị thực hiện dự án; công tác chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt bằng; hoạt động tuyên truyền và vận động Nhân dân ủng hộ dự án...

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh: Thanh Hóa là địa phương có số lượng móng, cột nhiều nhất (301 vị trí) và là địa phương có quy mô tuyến đường dây dài thứ hai với dài 131km, chỉ sau tỉnh Hà Tĩnh 141km. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có trạm biến áp 500kV Thanh Hóa diện tích khoảng 13ha. Do khối lượng giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân là rất lớn nên các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực, cố gắng và vào cuộc quyết liệt ngay từ những ngày đầu tiên. Đặc biệt, Thanh Hóa đã sớm cập nhật các dự án vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án liên quan đến cơ chế đặc thù riêng để thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai; vấn đề chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên để thực hiện Dự án 220kV Nậm Sum - Nông Cống (mua điện từ Lào về Việt Nam). Đây cũng là dự án cấp bách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nêu bật tinh thần quyết tâm thực hiện các dự án của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa và cam kết bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình thi công các dự án.

Thống nhất ý chí, cùng hành động thực hiện các dự án đúng tiến độ đề ra

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của các Dự án đường dây 500kV mạch 3. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, cấp bách, có vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia, nhất là đối với khu vực miền Bắc.

Với tinh thần không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Chính phủ, Thường trực Chính phủ đặc biệt quan tâm việc thực thi các dự án đường dây 500kV mạch 3 và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung mọi nguồn lực cho thực hiện dự án.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Đây là dự án trọng điểm quốc gia, do đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, các địa phương liên quan, đặc biệt là các địa phương có đường dây đi qua. Nhiệm vụ này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội đến người dân với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ, Thường trực Chính phủ về mục tiêu hoàn thành dự án trước ngày 30/6/2024 và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhà thầu thi công phải triển khai khẩn trương các nhiệm vụ được giao; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức trong quá trình thực hiện dự án.

Các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm kỹ thuật, chất lượng công trình; bảo đảm không có tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; bảo đảm an toàn lao động, không để xảy ra sự cố đáng tiếc cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường, không làm ảnh hướng đến đời sống người dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các địa phương có dự án đi qua tích cực vào cuộc giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án tại địa phương; giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì giao ban hằng tháng, báo cáo tiến độ thực hiện các dự án; giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì xử lý các vấn đề liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất rừng phục vụ dự án.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện trong thời gian tới, như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải phóng mặt bằng; công tác hậu cần, hành lang tuyến; công tác thi công móng, cột; kéo dây; bảo đảm an ninh trật tự... Yêu cầu các đơn vị liên quan quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công trên các công trình, nhất là trong dịp lễ, Tết. Yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị thi công làm việc với tinh thần “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”; “vượt nắng thắng mưa”; “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”; “thi công 3 ca, 4 kíp”; “làm việc xuyên lễ, xuyên Tết”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thống nhất ý chí, cùng nhau hành động thực hiện các dự án đúng tiến độ đề ra.

Thủ tướng hoan nghênh chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc phát động phong trào thi đua thực hiện dự án gắn với sự kiện lớn của đất nước. Đồng thời lưu ý, trong quá trình thực hiện cần có khen thưởng, kỷ luật kịp thời.

“Đây là lợi ích của quốc gia, của dân tộc, của toàn dân, không phải việc của riêng ai, nên cùng với các đơn vị chủ công, nòng cốt, thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, huy động sức mạnh tổng lực để triển khai, bù lại tiến độ, thời gian bị chậm trước đây, quyết tâm hoàn thành, đưa vào vận hành công trình trước 30/6/2024” - Thủ tướng nhấn mạnh.

(Nguồn:Baothanhhoa.vn)