(Thanhhoa.dcs.vn): Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, dân số trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 2,203 triệu người, chiếm 59,2% tổng dân số. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế trên 2,071 triệu người: trong đó, lao động làm việc trong ngành Nông - lâm - ngư nghiệp là 644,1 nghìn người (chiếm 31,1%); trong ngành Công nghiệp - xây dựng là 858,6 nghìn người (chiếm 41,46%), trong ngành Dịch vụ là 568,3 nghìn người chiếm 27,44%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 2,8%; tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn là 5,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 73%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 27,94%.

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20.050 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 78 doanh nghiệp có vốn nhà nước, 119 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 19.853 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 386.500 người, trong đó số lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước khoảng 13.800 người, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 191.200 người, doanh nghiệp ngoài quốc doanh khoảng 181.500 người.

Cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế những năm qua có sự chuyển biến mạnh mẽ và phù hợp với sự phát triển chung kinh tế - xã hội của tỉnh. Thị trường lao động của tỉnh đã có sự thích ứng khá tốt trước các đòi hỏi của nền kinh tế; bộ phận lao động dịch chuyển từ ngành nông, lâm, thủy sản sang các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đã đáp ứng tốt nhu cầu của ngành này về trình độ, năng lực và khả năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp; đồng thời, đây là cơ hội để ngành nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, góp phần làm giảm giá thành và nâng cao giá trị hàng nông sản cho người nông dân. Mặt khác, nguồn lao động của tỉnh nhà trẻ và dồi dào là điều kiện thuận lợi để tổ chức đào tạo nghề và thu hút tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 16/05/2022 để triển khai thực hiện; trong đó, xác định nhu cầu đào tạo có vai trò quan trọng trong hoạt động đào tạo nhân lực và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng.

Trong xây dựng dự toán, kế hoạch đầu tư hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh Thanh Hóa trình HĐND tỉnh bố trí nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển giáo dục nghề nghiệp, trong đó ưu tiên nguồn vốn bố trí cho các chương trình, đề án cơ bản đáp ứng cho việc triển khai hoàn thành các mục tiêu đề ra, như: Chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân và đào tạo khởi sự doanh nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nhân lực phục vụ xuất khẩu lao động. Ngoài ra còn tập trung nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường: Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa, Trường TCN Nga Sơn, Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn v.v....

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động trong công tác tuyển sinh và đào tạo. Các loại hình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng đa dạng; chất lượng giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng cao. Đổi mới phương pháp theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo, vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học. Việc dạy học theo hướng đa dạng hình thức học tập, chú trọng các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học. Đặc biệt, học sinh tại các trường Trung cấp, Cao đẳng được tham gia các cuộc thi sáng tạo do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức (Kỳ thi kỹ năng nghề, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm) và đã đạt được kết quả cao.

Trong thời gian qua, công tác phối hợp dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực thực hiện, đạt được kết quả quan trọng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tiến hành thu thập, phân tích và cung ứng thông tin về thị trường lao động, từ đó làm cơ sở để dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Phương pháp áp dụng để dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp là điều tra định kỳ (điều tra hộ gia đình, điều tra lao động việc làm, điều tra doanh nghiệp...). Dữ liệu điều tra, khảo sát chính là nguồn dữ liệu phục vụ hoạt động phân tích và dự báo. Dữ liệu thống kê được sử dụng để dự báo là GDP giá cố định, dân số, cấu trúc tuổi dân số, các cuộc điều tra lao động và việc làm; các cuộc điều tra dân số và biến động dân số, tỷ lệ nhập học các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; số lượng nhập học và tốt nghiệp các trường đào tạo nghề từ trung cấp đến cao đẳng phân theo lĩnh vực đào tạọ.

- Về nguồn dữ liệu cung lao động: Với đặc điểm là tỉnh có dân số đông, nguồn lao động dồi dào. Hàng năm, Thanh Hóa có từ 20.000- 25.000 người đến tuổi lao động, cùng với số quân nhân, công an hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, số lao động bị mất việc làm trong các doanh nghiệp, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất có nhu cầu việc làm, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài về nước; số lao động thất nghiệp ở thành thị, thiếu việc làm ở nông thôn thì nguồn cung lao động của tỉnh là rất lớn, và nhu cầu tham gia đào tạo nghề khá cao. Mỗi năm khoảng 60.000 lao động có nhu cầu được giải quyết việc làm. Do cung lao động của tỉnh luôn ở mức cao, nội lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh mới chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu giải quyết việc làm của người lao động nên hàng năm Thanh Hoá có hàng chục ngàn lao động di chuyển vào các khu công nghiệp và các tỉnh phía Bắc, phía Nam tìm việc làm. Năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 2,8%; tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn là 5,8%.

- Về nguồn dữ liệu cầu lao động: Quy mô cầu lao động của Thanh Hóa ngày càng tăng do chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh đã có những cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân phát triển sản xuất, thành lập doanh nghiệp, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng nhiều khu công nghiệp, cụm cấp nghiệp cấp huyện; môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện, số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20.050 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 78 doanh nghiệp có vốn nhà nước, 119 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 19.853 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 386.500 người, nhu cầu tuyển dụng lao động mỗi năm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 35.000 - 40.000 lao động, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên 10.000 người/năm. Khu vực doanh nghiệp của tỉnh trong thời gian qua có bước phát triển nhanh, số doanh nghiệp đăng ký thành lập hàng năm khoảng trên 3.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm trên 97%).

- Về chất lượng lao động: lao động qua đào tạo ngày càng tăng nhanh, do đó tỷ lệ lao động qua đào tạo năm sau cao hơn năm trước; năm 2023: tỷ lệ lao động qua đào tạo là 73%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 27,94%. Song chất lượng nguồn lao động của tỉnh còn nhiều hạn chế, phần nhiều trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề và kỷ luật lao động chưa cao, tác phong công nghiệp, ngoại ngữ của người lao động còn hạn chế. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đủ mạnh, chất lượng đào tạo chưa cao vì vậy trong thực tế, người lao động sau khi tốt nghiệp còn chưa đáp ứng được hết yêu cầu của chủ sử dụng lao động.

- Về số lượng và chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 31 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 21 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện và 9 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tuyển sinh và đào tạo 35 mã ngành, nghề cao đẳng; 49 mã ngành, nghề trung cấp và 16 ngành, nghề trọng điểm. Cụ thể:

+ 35 mã ngành, nghề cao đẳng, gồm: Điện công nghiệp, Hàn, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), Quản trị mạng máy tính, Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, Kế toán doanh nghiệp, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, Công tác xã hội, Quản lý đất đai, Khai thác đánh bắt hải sản, Khai thác máy tàu thủy, Quản lý khai thác công trình thủy lợi, Lâm nghiệp, Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Dịch vụ thú y, Lâm nghiệp đô thị, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Dược, Kỹ thuật phục hành răng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Y sỹ.

+ 49 mã ngành, nghề trung cấp, gồm: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Điện dân dụng, Điện công nghiệp và dân dụng, Vận hành, sửa chữa thiết bị lạnh, Vận hành máy thi công nền, Hàn, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), Quản trị mạng máy tính, Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, May thời trang, Sửa chữa thiết bị may, Điện - Nước, Cấp thoát nước, Cốt thép-Hàn, Bê tông, Mộc xây dựng và trang trí nội thất, Cốp pha - Giàn giáo, Kỹ thuật xây dựng, Nề hoàn thiện, Khai thác đánh bắt hải sản, Khai thác máy tàu thủy, Kế toán doanh nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi, Sửa chữa máy công cụ, Điều khiển tàu biển, Chế biến và bảo quản thủy sản, Nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ, Thú y, Lâm nghiệp, Lâm sinh, Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Chăn nuôi - Thú y, Chăn nuôi gia súc, gia cầm, Dược, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng, Nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn, Quản lý và bán hàng siêu thị, Kinh doanh xăng dầu và khí đốt, Kinh doanh thương mại và dịch vụ, Quản lý doanh nghiệp, Kỹ thuật chế biến món ăn, Hội họa, Thanh nhạc, Biểu diễn phương tây.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, như: Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực và phát huy năng lực người học, kết hợp với các cơ sở thực hành, thực tập, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo; thực hiện rà soát, đánh giá lại năng lực đào tạo của từng chuyên ngành đào tạo; xác định rõ những ngành nghề có thế mạnh, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh để tập trung xây dựng thành các khoa, ngành đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia và khu vực; xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra đối với từng ngành, nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu xã hội. Việc liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh có nhiều chuyển biến, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh.

Nhìn chung, công tác dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp từng bước chuyển đổi theo hướng tiếp cận sát với nhu cầu thị trường lao động, với nhu cầu thực tế sử dụng lao động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, gắn kết với các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác. Nhận thức của người học, người dân và xã hội về GDNN đã có những chuyển biến tích cực, kết quả tuyển sinh những năm gần đây đã bắt đầu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp có những chuyển biến rõ rệt; kỹ năng nghề của người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên. Ở nhiều nghề trọng điểm, kỹ năng nghề của lao động trong tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia và khu vực. Lao động qua đào tạo nghề nghiệp tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp; trên 80% người học có việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỷ lệ này đạt gần 100%. Nhìn chung, chất lượng lao động qua đào tạo nghề nghiệp cơ bản đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trình độ cao đẳng đạt trên 90%, trình độ trung cấp đạt trên 85% và trình độ sơ cấp đạt trên 75%. Nhiều ngành, nghề học sinh, sinh viên ra trường có việc làm 100% như: nghề Hàn; nghề May thời trang; nghề Điện công nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, như: Chưa có cơ quan chuyên trách các cấp tiến hành công tác thông tin và dự báo một cách bài bản, khoa học về nhu cầu nhân lực theo trình độ đào tạo, ngành nghề, lĩnh vực... dẫn đến, thông tin phục vụ dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp thiếu đồng bộ, độ tin cậy chưa cao và thường không được cập nhật kịp thời. Nhà nước chưa xây dựng hệ thống văn bản, hướng dẫn cụ thể về công tác dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp làm căn cứ cho các cơ quan, đơn vị tổ chức, thực hiện. Chưa định hướng phương pháp, mô hình, quy trình dự báo nhu cầu đào tạo tương thích với điều kiện thực tiễn tại các địa phương. Do vậy, công tác dự báo thực hiện còn rời rạc, phạm vi hẹp và chưa có sự gắn kết, thống nhất. Thứ ba, đội ngũ cán bộ làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp còn thiếu và yếu về trình độ chuyên môn. Hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều không có bộ phận chuyên trách làm công tác dự báo nhu cầu đào tạo. Do đó, công tác dự báo không được thực hiện chuyên nghiệp, hiệu quả và chưa theo kịp với những biến đổi mạnh mẽ của thực tiễn. Tỷ lệ tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp do một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trọng bằng cấp, tâm lý muốn con em vào đại học không muốn học nghề. Mặt khác, chênh lệch tiền lương của người lao động qua đào tạo nghề với người lao động phổ thông thấp nên tác động đến việc lựa chọn đi học nghề hay đi làm ngay của người lao động...

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)